VĂN HÓA

Bông hồng cài áo - Thông điệp hiếu thảo trong sự tỉnh thức

Hoài Nhân • 12-08-2022 • Lượt xem: 982
Bông hồng cài áo - Thông điệp hiếu thảo trong sự tỉnh thức

Mỗi năm vào ngày lễ Vu lan tháng bảy, nhiều người lại nhớ về mẹ mình nhiều hơn. Nhiều người may mắn khi mẹ còn sống, nhiều người ngậm ngùi khi mẹ không còn. Trong một lần trò chuyện cùng báo giới, thiền sư Nhất Hạnh có nói câu chuyện về sự ra đời của bài thơ Bông hồng cài áo.

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Nghi thức của việc cài bông hồng lên áo hay gọi chung là nghi thức Bông hồng cài áo bắt đầu vào năm 1962, được thiền sư Nhất Hạnh khuyến khích. Thiền sư kể rằng, năm đó khi sang Nhật công tác, thiền sư có cùng với một người bạn của mình đi mua sách. Hôm đó lại đúng là ngày Mother’s day - ngày của Mẹ. Ngày của mẹ là ngày lễ truyền thống phổ biến và rộng khắp, với ý nghĩa thiêng liêng tại các nước Âu và Mỹ. Vào nhà sách, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được một cô gái cài lên cho mình trên áo bông hoa màu trắng. Ông ngạc nhiên khi không hiểu rõ lý do vì sao. 

Khi giãi bày thắc mắc và hỏi ra, thiền sư mới hiểu rằng vào ngày này thì những ai còn mẹ sẽ được cài lên áo một bông hoa đỏ, còn ai mất mẹ sẽ cài lên áo bông hoa màu trắng. Câu chuyện ấy khiến cho thiền sư viết lên bài thơ Bông hồng cài áo.

Năm 1964, nhà xuất bản Lá Bối (Sài Gòn) ra mắt quyển Bông hồng cài áo. (Ảnh: GĐPT Quảng Đức, Sài Gòn) 

Sau này thiền sư có chia sẻ sâu sắc hơn về ý nghĩa của bài thơ: "Các bạn trẻ chiều nay khi đi học hay đi làm về, hãy đi vào phòng mẹ, nhìn mẹ bằng cái nhìn trầm lặng, cái nhìn tỉnh thức để biết mẹ còn sống và đang còn ngồi bên mình và đưa tay để mẹ dừng công việc đang làm, hỏi mẹ một câu: Mẹ, mẹ có biết hay không? Sự hiếu thảo với cha mẹ là đức quý thuộc về văn hóa dân tộc nhưng không phải mình nói ta phải có hiếu mà ta tự nhiên có hiếu được. Có nhiều người rất muốn có hiếu nhưng không thể có hiếu được. Vì vậy cần có yếu tố tỉnh thức. Mình tỉnh thức để mình biết được rằng đó là điều kiện hạnh phúc lớn nếu mình không thừa hưởng thì không kịp. Bởi vì nếu một ngày mai mẹ mất đi rồi thì sao? Yếu tố của tỉnh thức đó cho mình biết mẹ là vô thường, mẹ không bên mình đời đời. Khi mình biết rằng mẹ mình vô thường, mình sẽ làm bất kể điều gì hôm nay để cho mẹ mình có hạnh phúc".

Sau khi bài thơ ra đời thì nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã viết nên ca khúc Bông hồng cài áo vào năm 1967 dựa vào lời thơ của thiền sư Nhất Hạnh. Và bài hát ấy với những câu thơ da diết, sâu lắng đã đi theo người Việt khắp năm châu tới tận hôm nay:

Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn

Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm

Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối

Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời

Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói, nói với Mẹ rằng “Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không ?”
Biết gì ? “Biết là, biết là con thương Mẹ không ?”

Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em
Hãy cùng tôi vui sướng đi.