VĂN HÓA

Ca sĩ Thái Thuỳ Linh: Mong chờ sự hồi sinh từ đáy tuyệt vọng

DDVN • 21-09-2021 • Lượt xem: 985
Ca sĩ Thái Thuỳ Linh: Mong chờ sự hồi sinh từ đáy tuyệt vọng

Xung phong vào TP.HCM khi nơi đây đang trở thành điểm nóng COVID-19, ca sĩ Thái Thùy Linh đã lập nhóm “Người Việt thương nhau”, kết nối tình yêu thương, hỗ trợ người dân vùng dịch, chăm sóc y, bác sĩ tuyến đầu và đặc biệt là những người yếu thế, vô gia cư, dân ngụ cư, công nhân…

Lăn xả cả tháng trời, xác định mình có thể là F0 bất cứ lúc nào nhưng dường như năng lượng của Linh khá mạnh, khi nào cũng thấy cô đang “xông pha” đâu đó… Những lời chia sẻ của Linh trong những ngày tháng cô trở thành một phần của thành phố này khi đang “bệnh” là những lời chân thành từ trái tim một ca sĩ vốn luôn hết mình với những vùng đất, con người cần sự giúp đỡ.


Sau hai tháng, chương trình Người Việt thương nhau do ca sĩ Thái Thùy Linh sáng lập đã trao 30.000 phần quà 5T cho bà con nghèo ở TP.HCM và Bình Dương

Chiến dịch “người Việt thương nhau”

- Điều gì đã khiến bạn quyết định vào TP.HCM khi nơi đây đang là tâm dịch? 

Thực sự, tôi cũng băn khoăn khi mọi việc đang ngổn ngang trăm bề. Tôi xác định khi mình đã vào điểm nóng thì khả năng lây nhiễm rất cao. Còn nếu mọi chuyện tốt đẹp, khi trở về cũng phải mất thêm nửa tháng cách ly. Như vậy, thời gian xa gia đình, xa con sẽ rất dài. Lúc đầu, tôi định đi mười ngày để khảo sát, xây dựng, kết nối. Chuyện gia đình cũng ngổn ngang, con tôi còn nhỏ và ít khi xa mẹ lâu ngày. Lo nhất là bản thân mình. Nếu mình trở thành F0 thì sao?

Quá nhiều thứ phải trăn trở. Nhưng thú thực, tôi luôn tâm niệm, mình vào sẽ giúp ích được nhiều cho bà con, đó là động lực lớn nhất để tôi quyết định lên đường. Tôi đã nhờ bác sĩ quen tư vấn kỹ cách phòng, chống COVID-19. Khi kết quả test âm tính, tôi đặt vé và bay thẳng vào. Nghĩa là khi đã thông suốt mọi sự, tôi thường hành động rất nhanh. 

- Vội vàng thế thì hành trang bạn mang theo vào miền Nam là gì? 

Chủ yếu là trang phục bảo hộ, khẩu trang. Quần áo chỉ có vài bộ chất liệu mát, gọn gàng, thuận tiện cho việc “tác chiến” và phải thật dễ để mặc đồ bảo hộ bên ngoài hoặc tiện cho việc… bốc vác hàng. Khi tham dự cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên trong ban lãnh đạo TP.HCM, thú thực, tôi không có bộ quần áo nào “tử tế” để mặc. Thật sự 20 năm nay, tôi mới có một chuyến công tác với chiếc vali đặc biệt đến thế.

- Thực tế ở TP.HCM khiến Linh nhận ra điều gì?

TP.HCM lúc đó không giống như tôi hình dung. F0 tăng quá nhanh... Dự định đi một tuần đã thay đổi, tôi vẫn cứ ở đây chưa biết ngày nào về. Khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi lập tức theo một nhóm thiện nguyện đi phát cơm cho bà con vô gia cư. Họ là những người không có nhà, những người vừa mất việc không còn khả năng chi trả tiền ăn, tiền nhà trọ, không có phương tiện, tiền về quê…

Ngay sau khi khảo sát, chúng tôi thấy tình hình cấp bách cần phải làm nhanh một chương trình để giúp bà con, ít nhất là những người đang kêu cứu khắp nơi trên mạng xã hội, nên tôi đã mở chiến dịch “Thương Sài Gòn” sau đó đổi thành “Người Việt thương nhau” vì nhận ra không chỉ thành phố này mà rất nhiều tỉnh, thành cũng cần chung sức chung lòng.

Dù các mục tiêu đang hoàn thành vượt mức nhưng khối lượng khổng lồ của công việc có vẻ vẫn chưa bớt. “Người Việt thương nhau” đã trở thành một chiến dịch kết nối nhiều mạng lưới, cả Thành đoàn góp vật lực và nhân lực, hay Be (ứng dụng đặt xe) cũng góp những chuyến xe vận chuyển, nhóm “Chuyến rau vui vẻ” và nhiều tình nguyện viên tự do khác đã kết nối với nhau để chuyển hàng cứu trợ. Việc kết nối nguồn lực đã có tới mười đơn vị tham gia, mang lại hiệu quả khá cao.

*Cảm giác thương, đôi khi bất lực 

- Sự vắng lặng, trầm buồn, F0, những tiếng kêu giúp đỡ… tác động tới tâm lý của Linh như thế nào? 

Khá căng thẳng. Nếu chỉ một trong số chúng tôi trở thành F0 thì toàn bộ công việc này sẽ phải dừng lại, nên chúng tôi luôn dặn nhau hết sức cẩn thận. Đồ bảo hộ lại hiếm nên mọi việc phải tính toán cẩn trọng. Tôi đã trở thành một người chứng kiến mọi sự thay đổi của thành phố. Lúc đầu, TP.HCM không thể xét nghiệm trên diện rộng, bởi F0, F1 đã ở khắp nơi. Thành phố đang sống chung với một sự thật là ai cũng có thể là F0, F1, F2… Dịch bùng lên ở các xóm trọ, công nhân “ba tại chỗ”, khu dân cư nghèo… Nhiều khi lái xe trên những con đường vắng lặng mà buồn, thi thoảng tôi hát nghêu ngao vài câu cho vơi bớt cảm giác u uất.

Một lần, khi phát đồ ở một khu có số F0 cao nhất của thành phố, theo kế hoạch, sau khi bốc dỡ hàng, cả đội đứng cách xa thì người dân mới được tới nhận nhưng thật không may, do tổ trưởng không thể tham gia, đội tình nguyện viên phải đứng giám sát. Lúc đó, có người nhận được quà, có người không, nhiều ánh mắt thất vọng… Ra về mà lòng cả đội nặng trĩu. Chúng tôi xót xa khi nhìn bà con sống chen chúc chật chội với nguy cơ lây nhiễm cao mà không thể nào giúp đỡ hết được. 

- Có những tin nhắn khiến tôi không cầm được nước mắt. Những người cha, người mẹ ấy chỉ tha thiết xin sữa cho con hay “Chị ơi, chị cho em xin cái gì em cũng nhận”…

Tôi là người gỡ nút thắt nên đôi khi phải động viên đồng đội rằng trận chiến lịch sử này chắc cũng chỉ một lần trên đời, với những khó khăn không giống nhau, nên chúng ta cần cố gắng. Bài học rút ra là phải xác minh kỹ hơn để không lãng phí, tước đi cơ hội nhận quà của người thực sự cần. Rất thương nhưng đôi khi bất lực và rốt cuộc vẫn phải chạy đua với thời gian là những trạng thái thường thấy của tôi khi ở đây. 


Những hoạt động thiện nguyện của ca sĩ Thái Thùy Linh và đồng đội đã nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ lẫn TP.HCM

- Hiện tại, nhóm của bạn đang thực hiện những “chiến dịch” nào?

Sau hai tuần đầu triển khai chiến dịch “Người Việt thương nhau”, sang tuần thứ ba, tôi đã đồng thời làm được hai việc - nâng chiến dịch lên quy mô mới khi kết hợp cùng nhiều đơn vị khác như Thành đoàn TP.HCM, ứng dụng đặt xe Be, Công ty xe Đông Á, nhà hàng cơm niêu Ngô Đồng, các bạn ở nhóm tình nguyện “Chuyến rau vui vẻ”… Tất cả nai lưng ra bốc vác, chia quà, dọn vệ sinh, lái xe… Chiến dịch này nhận được sự quan tâm từ một số thành viên thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Tôi được vinh dự tham dự các cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo thành phố. Tôi chia sẻ các mô hình an sinh, cùng chính quyền hỗ trợ cho bà con, góp phần vào mục tiêu lớn là an sinh tốt thì mới có thể chống dịch tốt. Một trong các giải pháp được đánh giá cao là cách xây dựng những phần quà cứu trợ bắt đầu với cái tên 5T để đối ứng với 5K của Bộ Y tế. Muốn thực hiện tốt 5K, phải có 5T (5 thương) gồm các nhóm cơ bản: mì, rau củ quả, cá khô, đậu phộng rang, nước chấm, muối mè, nước tương, khẩu trang… để bà con có thể tích trữ cho nhiều ngày cầm cự… Sau đó là 6T, 7T như thêm sữa cho trẻ em, thêm thuốc bổ, thức ăn mềm cho người già. Điều này đảm bảo sự cân đối về dinh dưỡng.

Thực tế, để xử lý tốt các kho quà 50 tấn, 70 tấn, khi chia nhóm, cách đặt tên như thế giúp chúng tôi dễ thực hiện. Chúng tôi đang tăng tốc đảm bảo 1.500, 2.000 phần quà một ngày để giúp đỡ bà con trên diện rộng. 

- Với lượng công việc khổng lồ như thế, làm sao để Linh có thể xử lý tách bạch, rõ ràng?

Một ngày của tôi thường bắt đầu khi tâm trí còn nửa tỉnh nửa mơ, tôi vớ lấy điện thoại, mở ra, 100% sẽ có tin nhắn từ các đồng đội, nhóm. Hiện tôi đã lập khoảng 50 nhóm ở đủ các kênh. Bởi 90% là công việc online nên nếu không chia nhỏ sẽ bị loạn, sẽ có hàng ngàn tin trôi đi… 

Việc mình phải làm nhiều nhất, gây stress nhất là đọc tin nhắn và giải quyết. Nhiều khi tôi thức đến 2, 3 giờ sáng, chưa kịp đi ngủ thì đã thấy đồng đội online chào buổi sáng. Buổi sáng, tôi xử lý tất cả các thông tin...

Sáng nay, con trai tôi gọi điện thoại, ngỏ ý muốn xem căn phòng của mẹ thế nào. Tôi quay clip một vòng, bàn làm việc là một thùng xốp dán băng dính xung quanh. Đây là thùng đồ bà con gửi mật ong và hoa đậu biếc, góc phòng là đồ bảo hộ… Tôi thường xuyên có những bữa ăn nhai trệu trạo vì hiểu là cho dù ngon hay không vẫn phải ăn để giữ sức khỏe. 

Chúng tôi có thêm mục tiêu mới là tiếp sức cho y, bác sĩ tuyến đầu, đặc biệt là y, bác sĩ từ tỉnh xa về TP.HCM chống dịch. Tôi đã gửi thư ngỏ ý muốn gửi rau củ quả cho khoảng 5.000 y, bác sĩ. Nhiều ngày nay, tôi trải nghiệm bữa cơm bác sĩ và hiểu rằng dù tương đối đủ chất nhưng với văn hóa, nếp sống, gu ăn uống khác nhau giữa vùng miền… họ cũng sẽ gặp ít nhiều khó khăn. Ví dụ ở miền Nam, mọi người ăn có vẻ hơi ít rau nhưng ở miền Bắc, mỗi người có thể ăn hết nửa đĩa rau nên tôi muốn tiếp sức đủ rau cho các y, bác sĩ miền Bắc. Chúng tôi còn giúp cả những thứ tế nhị như quần lót khô để chị em thay sau khi mặc các bộ quần áo bảo hộ ướt đẫm hay dao cạo râu, bàn chải đánh răng, thuốc men, đồ bổ, kem dưỡng… Hy vọng qua các bài báo như thế này, nhiều y, bác sĩ biết kênh của Thái Thùy Linh. Chúng tôi sẵn sàng tiếp sức các y, bác sĩ như người thân trong gia đình.

"Tôi lúc nóng, lúc lạnh, lúc bay bổng, lúc điên rồ, lúc thực tế nhưng tôi không để mình trôi đi đâu thì đi. Tôi là một kẻ khá mâu thuẫn - vừa thực tế, vừa mơ mộng, khờ khạo. Tôi sống đơn giản, không kim cương, xe cộ… Mọi người hay gọi tôi là chiến binh bởi càng gặp áp lực cao, càng dồn đẩy, tôi càng “bùng cháy” với những năng lượng tích trữ từ bên trong. Tuy nhiên, đôi khi, tôi cũng tự cho phép mình buồn. Nếu có những ngày cảm thấy trống rỗng, mệt mỏi, chán chường, tôi có thể cho phép mình không làm gì cả và không sốt ruột. Ngay cả những đợt giãn cách, dù công việc bị ảnh hưởng như tất cả mọi người, thay vì căng thẳng, khó chịu, bế tắc… thì ngược lại, tôi bình thản vì hiểu rằng đây là khó khăn không chỉ riêng mình mà là của toàn cầu. Tôi không làm điều vô nghĩa, cũng không gồng lên. Tôi hiểu tôi là một người đàn bà bình thường, có vui, có buồn, có những lúc sống bản năng và tự cho phép mình điên rồ. 

Điều quan trọng nhất tôi luôn tâm niệm khi dạy con gái 12 tuổi là những gì mình không muốn người khác làm cho mình thì mình đừng làm cho người khác; bớt làm phiền người khác, bớt dựa dẫm, bớt nhờ vả."

Thái Thùy Linh

- Rất nhiều người làm việc thiện nguyện đang phải đối mặt với những luồng dư luận khác nhau. Hình như “kiểu” gì cũng không tránh được những ý kiến trái chiều?

Nhiều khi thật ngỡ ngàng khi biết mình là nạn nhân của điều tiếng nhưng may là tôi đã qua cái tuổi cảm thấy đau khổ, uất ức. Tôi tiếp nhận những việc đó rất nhẹ nhàng. Trong cái rủi có cái may. Khi đi tìm câu trả lời cho thắc mắc “Vì sao bao nhiêu năm luôn cố gắng ở hiền mà thỉnh thoảng vẫn không gặp lành, vẫn bị tai nạn từ trên trời rơi xuống, bị phản bội từ những người mà hôm qua còn nói biết ơn mình?”, tôi hiểu ra điều thiền sư Thích Nhất Hạnh đã giảng: “Không bùn thì không sen”. Tôi đã học được thái độ sống khá hay: Nếu mình bị mất nửa cốc nước thì vẫn còn lại nửa cốc… 

- Nhiều việc phải quyết, đòi hỏi bản lĩnh và sự mạnh mẽ, vậy khi nào con tim bạn mềm yếu nhất?

Có vô số lần tôi làm cho người ở cạnh hoảng hốt bởi tự dưng tôi khóc. Đôi khi, đó chẳng phải vì điều gì to tát mà chỉ là những thứ thoáng qua rất nhỏ, chẳng hạn một nếp nhà, một góc phố, lời nói ngây thơ của một đứa trẻ… Nếu có sóng gió, có khi tôi lại trở thành người cứng rắn, mạnh mẽ nhưng trái tim sẽ luôn rung lên với những khoảnh khắc nhỏ trong cuộc đời. 

- Tự do với Linh là gì?

Là khi bản thân không bị ràng buộc, không sợ hãi; là được làm mọi việc mình muốn, theo trái tim mách bảo, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ rào cản nào. Mấy năm nay, tôi cảm nhận được hết vẻ đẹp của sự tự do trong cuộc sống độc thân. Theo tôi, tự do phải bắt đầu từ suy nghĩ. 

- Sau tất cả, bạn muốn chia sẻ thêm điều gì tới bạn đọc?

Tôi cho rằng sau “cú hích” đại dịch này, biết đâu người Việt sẽ tìm được giá trị của những vùng quê. Ở nơi mà họ ra đi, nay họ trở về và tìm cách phục hồi, tái sinh sức sống đồng ruộng của làng quê. Cho dù họ trở về trong hoàn cảnh éo le nhưng biết đâu từ trong đáy của tuyệt vọng, họ lại có sức bật, trở lại với những giá trị đồng quê để quê hương có được màu xanh, có tiếng trẻ con bi bô và nhất là họ lại được hít thở bầu không khí trong lành ở nông thôn. Trẻ con sẽ được đi học thay vì phải chui rúc ở phòng trọ hay không phải học ở những nhà trẻ mà chẳng biết có bị bạo hành không khi cha mẹ còn cắm mặt đi làm trong vòng xoáy đô thị.

Biết đâu đấy, chúng ta lại trở về với nông nghiệp, trở lại với những thứ ta từng ruồng rẫy vứt bỏ hoặc coi nhẹ. Biết đâu sau cơn bi thương, chúng ta sẽ lại có rừng vàng, biển bạc và biết đâu sẽ có một thế hệ người Việt hạnh phúc thực sự chứ không phải hạnh phúc trong một bảng xếp hạng nào đó. 

- Cảm ơn bạn đã chia sẻ. 

Ảnh: NVCC
Theo Codet Hanoi/Phunuonline.com.vn