VĂN HÓA

Các địa phương sẽ làm gì để kích cầu du lịch?

Tuyết Nhung • 11-04-2021 • Lượt xem: 2175
Các địa phương sẽ làm gì để kích cầu du lịch?

Trong khi dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt, nhiều địa phương đang khai thác tối đa lợi thế để kích cầu du lịch, thu hút khách đến địa phương mình.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2020 đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch địa phương, các chỉ tiêu kết quả hoạt động ngành giảm mạnh 65-75%. Để hồi phục và phát triển du lịch địa phương, tỉnh đã tăng cường liên kết phát triển du lịch với Quảng Nam, Đà Nẵng và 2 địa phương Hà Nội, TP.HCM để đưa ra nhiều giải pháp kích cầu du lịch.


Nhiều địa phương đang "lên dây cót" cho kế hoạch kích cầu du lịch dài hơi - Ảnh: T.N

Cụ thể, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung xây dựng và triển khai nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Về giao thông, sẽ triển khai mở rộng quy mô cảng hàng không quốc tế Phú Bài; đưa vào hoạt động thêm cầu cảng tại cảng Chân Mây; làm cầu vượt cửa biển dài 1,5km nối xã Hải Dương với thị trấn Thuận An tạo động lực phát triển kinh tế, du lịch biển và đầm phá...

Tỉnh đang có kế hoạch khai thác đấu trường Hổ Quyền, tái tạo cảnh các loài thú đấu với nhau. Ông Thọ hy vọng đây sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu ở Việt Nam, bởi đây là đấu trường mãnh thú cổ xưa còn lại duy nhất ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó tỉnh sẽ phát triển văn hóa ẩm thực, áo dài, đưa vào hoạt động phố đi bộ bên bờ sông Hương, phát triển các sản phẩm du lịch thông minh…

Nhằm sớm phục hồi, ổn định và lấy lại đà tăng trưởng về du lịch, Sở Du lịch Khánh Hòa đã lên kế hoạch kích cầu thu hút khách du lịch trọng điểm đến Khánh Hòa năm 2021. Khánh Hòa đặt ra mục tiêu đón hơn 5 triệu lượt khách du lịch, trong đó dự kiến đón được 1,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 17.500 tỉ đồng, tăng khoảng 343% so với năm 2020. Trong kế hoạch kích cầu du lịch, Khánh Hòa sẽ tổ chức phiên chợ du lịch quốc tế trực tuyến, chương trình B2B Workshop để tiếp cận các doanh nghiệp quốc tế...

Là một trong bốn tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau cũng "định vị" du lịch là ngành kinh tế trọng điểm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cho biết, tỉnh sẽ có kế hoạch cụ thể để xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược tham gia các dự án du lịch, khu vui chơi giải trí…

"Tỉnh sẽ có chính sách ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục thu hút đầu tư, hỗ trợ thuê đất ổn định lâu dài đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh, các dự án phát triển sản phẩm du lịch thân thiện môi trường, đặc biệt tại khu vực Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn quốc gia U Minh Hạ. Khuyến khích đầu tư vào phát triển các khu vui chơi giải trí, đặc biệt là các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc kết hợp với du lịch", ông Trần Hồng Quân cho hay.

Tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết hiện đang tung ra các chương trình kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng vào du lịch cộng đồng, du lịch gắn với khai thác giá trị nông nghiệp.

Tỉnh Ninh Thuận còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống gắn với làng nghề, các hoạt động canh tác nông nghiệp cùng với cảnh quan hoang sơ của vùng biển, vùng núi, đồng bằng… nên có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Khai thác các điểm du lịch cộng đồng trở thành các điểm đến vệ tinh bên cạnh các trung tâm du lịch đô thị, ven biển...

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cho biết tỉnh sẽ có chương trình hỗ trợ tập huấn, đào tạo kỹ năng cho người dân địa phương làm du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến quảng bá cho du lịch cộng đồng tại Ninh Thuận.

Không chỉ những địa phương trên, nhiều nơi khác như: Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng An, Nghệ An, Hà Nội, TP.HCM... cũng đang lên "dây cót" cho nhiều kế hoạch du lịch để kích cầu du khách, phát triển loại hình "công nghiệp không khói" này.

Theo 1thegioi.vn