ĐỜI SỐNG
Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Trung Tú • 21-11-2022 • Lượt xem: 286

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng rất thường xuyên gặp phải, nếu bị ngộ độc nặng người bệnh có thể tử vong. Vậy nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là gì và làm thế nào để phòng tránh ngộ độc thực phẩm.
Ngày 17/11 vừa qua, hơn 300 em học sinh Trường Ischool Nha Trang đã bị ngộ độc thực phẩm phải vào bệnh viện cấp cứu sau buổi ăn trưa tại trường. Trong đó có 1 em bị ngộ độc nặng đã tử vong trên đường chuyển viện vào TP.HCM.
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm nhưng phổ biến nhất là 4 nguyên nhân sau:
Ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng: do người bệnh ăn phải các thực phẩm có vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc độc tố của chúng.
Do ăn phải thực phẩm có độc: một số thực phẩm có độc như cá nóc, mật cá trắm, khoai tây mọc mầm…
Thức ăn bị ôi thiu: một số thực phẩm sau khi chế biến nếu không được ăn liền để lâu sẽ gây ngộ độc.
Do thực phẩm nhiễm các chất hóa học: một số thực phẩm bị nhiễm kim loại nặng, còn tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng…
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm
Sau khi ăn phải các thực phẩm bẩn, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng ngộ độc sau đó vài giờ hoặc sau đó một ngày. Các triệu chứng điển hình là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, có thể sốt hoặc không.
Cách phòng chống ngộ độc thực phẩm
Lựa chọn thực phẩm tươi sống
Khi đi chợ, lựa chọn các loại rau củ tươi, xanh, còn nguyên lá, không bị dập nát. Các loại thịt như thịt bò, gà, heo phải qua kiểm dịch và đạt chất lượng thịt sạch. Còn đối với các loại hải sản phải giữ được độ tươi, không bị ươn.
Các sản phẩm đóng hộp phải ghi rõ thông tin sản phẩm, nguồn gốc xuất sứ, cách sử dụng, cách bảo quản. Không nên sử dụng thực phẩm đóng hộp đã bị móp méo, hết hạn sử dụng.
Đảm bảo vệ sinh khu vực và dụng cụ nấu ăn
Khu vực chế biến thực phẩm phải đặt ở nơi thông thoáng, không có nước đọng, cách xa nhà vệ sinh hoặc khu chăn nuôi gia súc. Phải thường xuyên vệ sinh khu vực chế biến thực phẩm, không để có gián, chuột. Bát đĩa khi ăn xong phải rửa ngay, không để qua đêm. Lưu ý không sử dụng vật dụng làm bằng nhựa để nấu nướng.
Bảo quản thức ăn đúng cách
Thức ăn tốt nhất nên được ăn ngay sau khi nấu vì để nguội sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Nếu phải bảo quản thức ăn trong tủ lạnh phải để thức ăn nguội hẳn và nên bọc lại bằng màng bọc thực phẩm để đảm bảo vệ sinh. Thức ăn lấy từ trong tủ lạnh ra phải được làm nóng lại trước khi ăn.
Để thực phẩm sống cách xa thực phẩm ăn liền
Khi đi chợ hoặc khi chế biến, bảo quản thức ăn nên để các loại thịt tươi sống cách xa các thực phẩm khác để phòng ngừa lây nhiễm chéo.
Giữ vệ sinh cá nhân
Một yếu tố mà mọi người thường bỏ qua là phải đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ khi chế biến thực phẩm. Phải rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến thực phẩm, trang phục phải gọn gàng, sạch sẽ, không để tóc tai bù xù, móng tay phải được cắt ngắn, phải đeo khẩu trang để tránh ho hay hắt hơi trong lúc nấu ăn. Tuyệt đối không nấu ăn nếu đang mắc các bệnh truyền nhiễm.