Giờ là lúc đánh giá bản thân chính mình một năm qua - Suy ngẫm về công việc, sức khỏe, tài chính và nhiều thứ khác.
Vào cuối mỗi năm đầy biến động, thật khó để giải mã 365 ngày qua đã trôi qua như thế nào. Đánh giá hàng năm là một khoảnh khắc để bản thân dừng lại và xem xét cách bạn đã dành cả năm của mình - những thăng trầm và mọi thứ.
James Clear, một chuyên gia về năng suất và là tác giả của Atomic Habits, đã công khai chia sẻ đánh giá thường niên từ năm 2013 đến năm 2019: “Về cơ bản, Đánh giá thường niên buộc tôi phải xem xét các hành động của mình trong 12 tháng qua và hỏi, 'Những lựa chọn của tôi có giúp ích gì không? Tôi đã sống cuộc sống mà tôi muốn sống chứ?"
Nếu không thường xuyên suy ngẫm lại, chúng ta sẽ đi từ năm này sang năm khác mà không dừng lại ăn mừng những thành công của mình, học hỏi từ những thất bại và đánh giá xem liệu những gì chúng ta đang làm có phải là điều mà ta thực sự muốn làm trong cuộc sống hay không. Việc ngồi xuống để xem xét lại cuộc sống của mình, từng phần một, sẽ khám phá ra những bài học ẩn giấu và những hiểu biết quan trọng mà bạn có thể áp dụng trong năm tới.
Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn hoàn thành bản đánh giá hàng năm về tất cả các khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của bạn - từ công việc, năng suất, sức khỏe, tài chính, các mối quan hệ,... - bao gồm các ví dụ thực tế để truyền cảm hứng. Bằng cách dành thời gian để suy ngẫm và nhận thức, bạn sẽ được trang bị tốt hơn để đối mặt với năm tới.
Tại sao bạn nên thực hiện đánh giá hàng năm
Việc ngồi xuống để thực hiện đánh giá hàng năm cần có thời gian, sự kiên nhẫn và khả năng chịu đựng những khó chịu khi chúng ta tự hỏi mình những câu hỏi khó. Cuối năm - khi sự bận rộn của kỳ nghỉ kéo dài và chúng ta đang khao khát được nghỉ ngơi - hầu như không có cảm giác là thời điểm để tìm kiếm câu trả lời trong năm của mình. Nhưng một bản đánh giá hàng năm là cơ hội để khám phá những gì có thể đã bị ẩn giấu và tìm những kinh nghiệm sau khi đúc rút mà chúng ta có thể sử dụng trong năm tới.
Dành thời gian để suy ngẫm
Mặc dù có 8.760 giờ trong một năm, hầu hết chúng ta chỉ dành một ít thời gian cho việc suy ngẫm có mục tiêu. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhưng không cấp bách nằm ở cuối danh sách của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta thấy mình đang ở chế độ tự động, mặc định có những phản ứng tức thời và những thói quen cũ kỹ.
Đánh giá hàng năm là cơ hội để dành một ít thời gian đó và mang về những hiểu biết sâu sắc để định hướng cho năm tới. Một phát hiện thầm lặng nảy sinh từ đánh giá của bạn có thể thuyết phục bạn tìm kiếm một công việc thỏa mãn hơn hoặc kết nối lại với người thân yêu. Nếu không có động lực nào đó giúp chúng ta thoát khỏi quỹ đạo mệt mỏi, chúng ta có thể mặc định làm những việc giống nhau ngày này qua ngày khác. Đánh giá hàng năm của bạn có thể là động lực đó.
Hãy ăn mừng thành tích của bạn
Tâm trí chúng ta được cài đặt để tập trung vào những điều tiêu cực. Chúng ta tập trung vào những gì chúng ta nên nói, cơ hội chưa nắm bắt, sự thăng tiến có thể đạt được. Ngay cả khi chúng ta đạt được mục tiêu, chúng ta cũng quên mất chiến thắng của mình nhanh như khi chúng đến, và lại dang rộng tay cho thành tích tiếp theo.
Đánh giá hàng năm là thời điểm để xem xét những gì bạn đã đạt được trong suốt năm. Hãy cho phép bản thân ghi nhận và ăn mừng những chiến thắng của mình - những chiến thắng lớn cũng như nhỏ, những chiến thắng mà bạn hướng đến và cả những chiến thắng mà bạn không hề mong đợi. Bạn có thể ngạc nhiên về những gì bạn khám phá ra khi dành thời gian để nhìn lại những điều đó.
Tìm kiếm cơ hội cải tiến
Đôi khi chúng ta tránh suy ngẫm vì chúng ta sợ những gì mình sẽ tìm thấy. Cảm giác khó chịu rằng ta đã lãng phí một năm, khiến chúng ta chìm đắm trong hối tiếc hoặc đơn giản là phớt lờ quá khứ khi chúng ta đặt ra những mục tiêu viển vông cho năm mới. Cả hai động lực này đều không cho chúng ta cơ hội để tự suy ngẫm và phát triển một cách thẳng thắn.
Thay vào đó, hãy nhìn nhận khách quan về năm của bạn. Đào sâu vào các hiện vật như một nhà khảo cổ học nhiệt tình đang tìm cách hiểu hơn là phán xét. Sử dụng bản đánh giá hàng năm của bạn để tìm ra gốc rễ của "lý do" và tìm kiếm cơ hội để làm mọi việc khác đi trong năm tới.
Khi bạn xem xét lại toàn bộ năm của mình, những phần dường như không liên quan trong cuộc sống của bạn sẽ tập trung vào cùng một lúc, cho phép bạn kết nối các dấu chấm rời rạc lại với nhau. Bạn có thể phát hiện ra rằng giấc ngủ kém đã khiến dự án phụ của bạn bị gác lại, hoặc sự phân tâm cho các vấn đề kỹ thuật số đã cản trở thời gian dành cho gia đình. Mặc dù việc đối mặt trực diện với những thiếu sót của chúng ta không phải là điều dễ dàng, nhưng hãy cân nhắc việc: hãy tò mò, đừng chỉ trích.
Đặt mục tiêu tốt hơn
Chúng ta có khả năng chạy nhanh hơn, viết tốt hơn, làm việc thông minh hơn và bất cứ điều gì khác mà chúng ta đặt ra trong tâm trí. Chúng ta nên đặt ra những mục tiêu táo bạo khiến mình không thoải mái. Nhưng những mục tiêu đầy tham vọng của chúng ta cũng cần phải có căn cứ thực tế.
Đánh giá năm qua sẽ giúp bạn có cái nhìn trung thực về các chuẩn mực hiện tại của mình và đưa ra các mục tiêu tiếp theo. Nếu bạn đã hoàn thành 50 buổi tập luyện vào cuối năm, thì việc tăng gấp đôi con số đó cho năm mới là một mục tiêu đầy tham vọng đáng theo đuổi. Nhưng việc đặt mục tiêu tập luyện hàng ngày và thiết lập chuỗi 365 ngày có lẽ là một bài tập tự lừa dối bản thân. Đánh giá hàng năm giúp chúng ta đặt ra các quyết tâm mà chúng ta thực sự có thể đạt được bằng cách, thực hiện một cách tiếp cận đầy tham vọng nhưng thực tế để đặt mục tiêu.
Cách thực hiện đánh giá hàng năm
Không có một cách duy nhất nào đúng chuẩn để thực hiện đánh giá hàng năm. Nếu bạn bắt đầu năm với một bộ mục tiêu cụ thể, bạn có thể xem xét từng mục tiêu một. Nếu bạn là một người làm vlogs cá nhân, bạn có thể xem xét năm của mình theo từng tháng, lật theo thứ tự thời gian qua các mục nhật ký, ghi chú và ảnh chụp nhanh trên cuộn phim của bạn. Nếu bạn là bậc thầy về phương pháp tự lượng hóa, việc xem qua các con số đã ghi lại của bạn là một chiến lược tuyệt vời.
Sau đây là cách một số người có sở thích đánh giá thường niên khác tiến hành đánh giá năm của riêng họ:
Đối với nhiều người, chiến lược đơn giản nhất sẽ là xem xét từng lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống của bạn. Đây là phương pháp chúng tôi khuyên bạn nên áp dụng để có cái nhìn toàn diện về năm vừa qua của mình, từ công việc đến các bài tập luyện, các mối quan hệ và nhiều thứ khác. Đây là phương pháp chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn trong phần còn lại.
Đánh giá hàng năm là về sự phản ánh, nhưng trí nhớ của chúng ta thường bị sai lệch. Hãy sử dụng thông tin và dữ liệu bạn có để nhìn lại năm của mình. Trước khi đi sâu vào đánh giá hàng năm, đây là bản tóm tắt nhanh về một số thông tin - hoặc "hiện vật" - mà bạn nên xem xét nhanh trước khi bắt đầu tìm hiểu về năm của mình.
Nếu bạn không có một số thông tin cần thiết, đừng lo lắng. Đánh giá hàng năm là việc đáng làm ngay cả khi không có tất cả dữ liệu trên trong tầm tay. Khi bạn thực hiện, hãy ghi chú lại dữ liệu mà bạn muốn có và thiết lập một hệ thống để bắt đầu thu thập dữ liệu đó cho năm sau. Ví dụ, nếu bạn gặp khó khăn trong việc nhớ những cuốn sách mình đã đọc trong năm nay, hãy bắt đầu theo dõi chúng bằng Goodreads. Mặc dù bạn có thể không muốn theo dõi hoàn toàn mọi thứ, nhưng việc thiết lập một số hệ thống để ghi lại các lĩnh vực trong cuộc sống mà bạn muốn xem lại là điều đáng làm.
Phần tiếp theo sẽ hướng dẫn bạn xem xét các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, dữ liệu nào bạn có thể khám phá và suy ngẫm, cũng như những câu hỏi để tự hỏi khi bạn xem lại mười hai tháng qua và hướng tới năm tới.
Việc này sẽ mất thời gian, vì vậy hãy dành thời gian vào cuối năm hoặc đầu năm mới để hoàn thành đánh giá hàng năm của bạn. Hãy nhớ rằng, cuộc sống có nhiều mùa khác nhau. Trong một mùa, bạn có thể đặt gia đình lên trên năng suất hoặc ưu tiên tài chính hơn niềm vui. Mặc dù cũng cần đánh giá mọi lĩnh vực trong cuộc sống của bạn, thì hãy tập trung nhiều thời gian hơn vào các lĩnh vực quan trọng nhất đối với bạn ngay bây giờ hoặc sẽ là ưu tiên trong năm mới.
Suy nghĩ là tốt, nhưng viết thậm chí còn tốt hơn. Hãy lấy một cuốn nhật ký trắng, một vài tờ giấy rời hoặc chuyển sang dạng kỹ thuật số với Google Doc, khi bạn thực hiện từng phần, hãy viết ra các ghi chú cho lời nhắc và câu trả lời cho các câu hỏi. Nếu bạn đang sử dụng mẫu Todoist đánh giá hàng năm, hãy thử nhập câu trả lời của bạn vào phần bình luận của mỗi nhiệm vụ.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Công việc
Giữa việc chạy đua để đáp ứng thời hạn, thời gian bận rộn tại nơi làm việc và trách nhiệm nghề nghiệp ngày càng tăng, một năm trôi qua với tốc độ chóng mặt. Hãy dành thời gian suy ngẫm về công việc bạn đã làm trong thời gian điên rồ đó. Hãy suy ngẫm xem bạn đang tiến triển về mặt nghề nghiệp, hay cảm thấy trì trệ trong công việc hoặc sự nghiệp của mình.
Lưu ý: Dữ liệu bạn cần: Xem email công việc, lịch làm việc hoặc email nội bộ của công ty để có bức tranh toàn cảnh về những gì bạn đã làm tại nơi làm việc vào năm vừa rồi. Nếu công ty hoặc phòng ban của bạn thực hiện cập nhật hàng tháng hoặc hàng năm, bạn nên xem lại những cập nhật đó và định vị vai trò và trách nhiệm của riêng bạn trong bối cảnh rộng hơn. Xem lại ghi chú từ các cuộc họp 1:1 với người quản lý và/hoặc báo cáo của bạn.
Xem xét các dự án yêu thích của bạn: Nghĩ lại về công việc bạn đã làm trong năm qua và suy ngẫm về các nhiệm vụ hoặc dự án mà bạn cảm thấy đầy thử thách nhưng tràn đầy hứng khởi và đam mê. Ghi lại bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu – từ việc đưa một thành viên mới vào nhóm đến việc thực hiện một đầu việc không liên quan đến vai trò cốt lõi của bạn. Tìm kiếm các chủ đề chung cho loại công việc mà bạn thấy thỏa mãn nhất. Viết ra các mục hành động có thể cần thực hiện để trải nghiệm nhiều hơn những khoảnh khắc tuyệt vời đó trong năm mới, bao gồm bất kỳ trở ngại nào bạn có thể cần vượt qua.
Suy ngẫm về những thách thức lớn nhất của bạn: Hãy xem xét bất kỳ thách thức nghề nghiệp nào khiến bạn không vui, cản trở bạn đạt được mục tiêu nghề nghiệp hoặc đơn giản là khiến công việc của bạn trở nên khó khăn hơn. Điều này có thể là bất cứ điều gì từ mối quan hệ công việc căng thẳng đến khối lượng công việc bận rộn. Viết ra cách bạn có thể giảm thiểu hoặc loại bỏ những thách thức này trong năm mới. Đừng giới hạn phạm vi giải pháp của bạn - hãy nghĩ đến khả năng có một công việc mới hoặc một con đường sự nghiệp mới hoàn toàn.
Hãy nghĩ về sự phát triển nghề nghiệp của bạn: Công việc của bạn (và theo đó là những ngày, tuần và thậm chí là nhiều năm) trở nên nhàm chán khi bạn không có gì phát triển. Hãy suy ngẫm về những kỹ năng mới mà bạn đã học được trong năm qua hoặc những cơ hội mà bạn đã có để nâng cao khả năng trước đây của mình. Nếu mọi thứ vẫn như vậy, hãy cân nhắc xem liệu điều đó có hiệu quả với bạn hay đã đến lúc thử một điều gì đó mới.
Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau về công việc của bạn:
Vào thời điểm nào tôi có cảm giác như mình đang làm việc trong lĩnh vực thiên tài của mình?
Tôi đã mở rộng khả năng chuyên môn và kỹ năng của mình như thế nào?
Những mối quan hệ nghề nghiệp nào đã ảnh hưởng đến năm nay?
Năm nay tôi đã làm được điều gì khiến tôi tự hào nhất?
Tôi đã hỗ trợ đồng nghiệp trong công việc như thế nào?
Tôi đã học được gì từ những sai lầm trong công việc mà tôi đã mắc phải?
Tôi có tìm được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống không?
Năng suất
Làm việc nhanh hơn và hoàn thành nhiều nhiệm vụ hơn không phải là mục tiêu đáng giá. Thay vào đó, chúng ta nên xem xét năng suất trong bối cảnh những gì nó cho phép chúng ta làm với thời gian và sự tập trung quý báu của mình - từ việc dành nhiều thời gian hơn cho những người thân yêu đến việc thực hiện một dự án đam mê. Sử dụng một phần đánh giá hàng năm của bạn để xem xét bạn đã hoàn thành được bao nhiêu trong năm qua, cả ở quy mô vi mô (hằng ngày) và quy mô vĩ mô (hằng năm). Xem xét bạn sử dụng thời gian của mình hiệu quả như thế nào và liệu bạn có đang đạt được tiến bộ hữu hình trong các lĩnh vực quan trọng của cuộc sống, hay đang trở thành nạn nhân của sự sao nhãng.
Lưu ý: Dữ liệu bạn cần: Nếu bạn viết danh sách việc cần làm và nhiệm vụ trong sổ kế hoạch hằng ngày hoặc hằng tuần, hãy lật cuốn sổ đó ra. Ngoài ra, hãy xem qua ứng dụng ghi chú của bạn hoặc bất kỳ công cụ kỹ thuật số nào mà bạn có thể theo dõi các nhiệm vụ của mình (ví dụ: Bear, Notion,...). Nếu bạn là người quản lý nhiệm vụ trên nền tảng kỹ thuật số, hãy chuyển sang ứng dụng danh sách việc cần làm của bạn (như Todoist) để biết lịch sử nhiệm vụ đầy đủ. Bạn cũng có thể xem lại năng suất của mình bằng các ứng dụng theo dõi thời gian như RescueTime. Để đánh giá những thứ gây mất tập trung, hãy xem qua lịch sử trang web trên trình duyệt và Thời gian sử dụng trên thiết bị di động của bạn, để nâng cao nhận thức về thời gian bạn dành cho những phương tiện truyền thông xã hội và giải trí. Các trang web như Netflix và YouTube thường cũng sẽ có lịch sử xem của bạn.
Xem xét tiến trình hàng ngày của bạn: Nghĩ về việc bạn đã hoàn thành được bao nhiêu việc mỗi ngày. Xem lại bất kỳ danh sách việc cần làm hàng ngày nào mà bạn có trong tay, cho dù chúng là từ đầu năm nay hay chỉ mới ngày hôm qua. Hãy chú ý đến những gì bạn đã viết ra so với những gì bạn thực sự đã hoàn thành. Xem xét liệu bạn có đang sắp xếp ngày của mình theo cách giúp bạn tập trung vào các ưu tiên của mình và tiến tới mục tiêu của mình hay không. Nếu không, hãy làm bài kiểm tra của chúng tôi để tìm ra phương pháp năng suất phù hợp với bạn - cho dù đó là pomodoro, GTD hay một phương pháp hoàn toàn khác.
Xem lại năng suất chung của bạn: Chỉ số lớn nhất về năng suất là những gì bạn thực sự đã hoàn thành. Ghi lại các dự án cá nhân và chuyên môn lớn nhất của bạn. Viết ra những điều quan trọng bạn đã hoàn thành trong năm nay. Đây có thể là các dự án lớn bạn đã khởi xướng tại nơi làm việc, nỗ lực bạn dành cho một dự án phụ, thời gian dành cho việc tổ chức cộng đồng hoặc bất kỳ điều gì có ý nghĩa mà bạn đã hoàn thành và cảm thấy tự hào.
Đánh giá những thiết bị kỹ thuật số khiến bạn xao nhãng: Phương tiện truyền thông xã hội và nội dung trực tuyến có thể hạn chế năng suất của chúng ta và khiến chúng ta có ít thời gian hơn trong một ngày. Mặc dù Netflix và YouTube có vai trò giúp chúng ta thư giãn và tận hưởng giải trí, nhưng đôi khi chúng lại gây mất tập trung và làm mất tập trung. Hãy xem xét thời gian bạn dành cho việc trực tuyến trong năm qua. Nếu việc sử dụng internet của bạn đang quá mức, hãy nghĩ về những cách có thể sử dụng thời gian đó hiệu quả hơn. Điều đó không có nghĩa là thay thế thời gian của bạn trên Twitter bằng công việc, mà là các hoạt động phục vụ cho các mục tiêu lớn hơn của bạn - cho dù đó là nướng bánh với con bạn, nấu ăn nhiều hơn ở nhà hoặc sáng tác truyện tranh mà bạn đã nghĩ đến trong nhiều năm.
Lưu ý: Mẹo Todoist: Xem các nhiệm vụ đã hoàn thành của bạn tại Todoist, trong các dự án. Xem chính xác những gì bạn đã hoàn thành trong các dự án khác nhau của mình để đánh giá năng suất của bạn.
Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau về năng suất của bạn:
Tôi thực sự hoàn thành được bao nhiêu việc mỗi ngày?
Tôi hài lòng đến mức nào với những gì tôi đã đạt được trong năm nay?
Những yếu tố nào có thể đã góp phần khiến tôi không đạt được mục tiêu mong muốn trong năm nay?
Khi nào tôi làm việc hiệu quả nhất? Làm sao tôi có thể tạo ra những điều kiện này thường xuyên hơn?
Khi nào tôi kém năng suất nhất? Làm sao tôi có thể tránh những tình trạng này thường xuyên hơn?
Tôi có mối quan hệ lành mạnh với mạng xã hội và công nghệ không?
Sức khỏe
Hãy xem xét sức khỏe tổng thể của bạn trong năm qua – cả về sức khỏe thể chất, cảm xúc và tinh thần của bạn. Hãy xem xét liệu bạn đã ăn những thực phẩm khiến bạn cảm thấy khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng hay những thực phẩm khiến bạn cảm thấy khó chịu và kiệt sức, cả về tinh thần và thể chất. Kiểm tra mức độ tập thể dục và hoạt động của bạn, để xem liệu bạn có coi việc vận động cơ thể là ưu tiên hàng đầu hay không. Đánh giá sức khỏe cảm xúc và tinh thần của bạn, mọi thứ từ tâm trạng đến thời gian bạn dành cho việc chăm sóc bản thân.
Lưu ý: Dữ liệu bạn cần: Nếu bạn theo dõi việc ăn uống của mình, hãy tham khảo nhật ký thực phẩm mà bạn đã ghi lại trên giấy hoặc các công cụ ứng dụng theo dõi thực phẩm (ví dụ: MyFitnessPal). Các đơn đặt hàng tạp hóa trực tuyến và sao kê ngân hàng cũng sẽ cung cấp một loạt manh mối về chế độ dinh dưỡng của bạn trong năm vừa rồi. Xem lại ứng dụng tập luyện bạn chọn (ví dụ: Strava, Peloton,...) để đánh giá mức độ tập luyện của bạn, lưu ý xem bạn có tăng hay giảm mỡ và/hoặc cơ, bạn đã đạt được thành tích cá nhân mới nào trong bất kỳ lần nâng tạ hay cuộc đua nào. Kiểm tra bất kỳ dữ liệu hoạt động thể chất nào khác mà bạn có thể có. Tham khảo nhật ký của bạn để xem xét sức khỏe cảm xúc của bạn trong suốt cả năm. Kiểm tra lịch và danh sách việc cần làm để xem bạn có ưu tiên thời gian dành cho việc tự chăm sóc và các hoạt động vì sức khỏe cảm xúc hay không (ví dụ: thời gian nghỉ phép, huấn luyện, trị liệu,...). Xem xét bất kỳ dữ liệu giấc ngủ nào bạn có thể có từ thiết bị sức khỏe đeo được.
Tính đến các bài tập luyện của bạn: Xem lại các bài tập luyện của bạn (hoặc không có bài tập nào). Đánh dấu bất kỳ kỷ lục cá nhân hoặc kết quả hoạt động nào mà bạn tự hào – từ việc thử Yoga đến việc đi bộ vài lần một tuần. Cố gắng phát hiện bất kỳ xu hướng quan trọng nào, chẳng hạn như tập luyện ít hơn trong một tháng, căng thẳng trong cuộc sống của bạn, hoặc hoạt động nhiều hơn vào mùa xuân và mùa hè. Sử dụng bất kỳ hiểu biết mới nào để thông báo cho các mục tiêu hoạt động mà bạn đặt ra cho năm tới. Nghĩ lại về bất kỳ chấn thương nào bạn có, và liệu bạn đã cho cơ thể mình đủ thời gian để phục hồi hay chưa. Đừng quên nghĩ về việc nghỉ ngơi. Xem xét mức độ ngủ và nghĩ xem bạn có thức dậy trong trạng thái sảng khoái mỗi ngày hay không.
Xem xét chế độ dinh dưỡng của bạn: Nhìn lại những gì bạn đã ăn trong năm qua và đánh giá xem những gì bạn đang tiêu thụ có khiến bạn cảm thấy tốt nhất hay không. Xem xét mọi thứ từ lượng caffeine bạn tiêu thụ đến lượng rượu bạn uống vào. Ghi lại những thực phẩm bổ dưỡng mà bạn muốn bổ sung thêm vào chế độ ăn uống của mình và viết ra những lĩnh vực cần cải thiện.
Suy ngẫm về sức khỏe tinh thần của bạn: Nghĩ về cách bạn đối phó với những căng thẳng trong cuộc sống trong năm qua. Lưu ý xem bạn có cảm thấy buồn, lo lắng hay tức giận không và cách bạn xử lý những cảm xúc đó theo cả cách lành mạnh và phản tác dụng. Viết ra các chiến lược để bắt đầu hoặc tiếp tục ưu tiên sức khỏe tổng thể của bạn trong năm tới (ví dụ: viết nhật ký, thiền, trị liệu, tập thể dục,...).
Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau về sức khỏe:
Nhìn chung, sức khỏe của tôi đã cải thiện, xấu đi hay vẫn giữ nguyên trong năm qua?
Có thời điểm căng thẳng hoặc thử thách nào trong năm ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi không?
Tôi có ưu tiên việc ăn uống lành mạnh, tập thể dục và ngủ đủ giấc không?
Tôi đã làm gì cho bản thân trong năm nay khi tự chăm sóc bản thân? Tôi có thể làm nhiều hơn không?
Tôi có dành đủ thời gian cho sự phát triển tôn giáo và/hoặc tâm linh của mình không?
Những hoạt động nào khiến tôi cảm thấy kiệt sức?
Những hoạt động nào giúp tôi lấy lại năng lượng?
Tài chính
Giá trị của tiền là những gì nó mua cho chúng ta, theo cách đáp ứng nhu cầu, mong muốn, trải nghiệm, sự an toàn và tính linh hoạt. Đánh giá tiến trình tài chính của bạn trong năm qua nói chung, bao gồm bất kỳ tiến trình nào đối với các mục tiêu lớn - cho dù đó là trả một phần nợ thẻ tín dụng, hay tiết kiệm đủ để mở một doanh nghiệp nhỏ. Hãy xem xét liệu bạn có tuân thủ theo một ngân sách chặt chẽ hay vượt quá giới hạn chi tiêu của mình không.
Lưu ý: Dữ liệu bạn cần: Xem số dư tài khoản ngân hàng và sao kê thẻ tín dụng trực tuyến. Nếu bạn có ngân sách chuyên dụng, hãy tham khảo bảng tính hoặc ứng dụng như YNAB hoặc Personal Capital. Ngoài ra, hãy kiểm tra bất kỳ khoản đầu tư nào bạn đã thực hiện và xem liệu chúng đã tăng hay giảm.
Xem tiền của bạn đã đi đâu: Ngoài những con số lớn, hãy đi vào chi tiết và kể lại chính xác số tiền của bạn đã đi đâu. Xem xét các danh mục như hóa đơn, thực phẩm, quần áo, giải trí, chăm sóc con cái, nhà cửa và mọi thứ khác. Dành thời gian để đánh giá các danh mục lớn nhất của bạn và xem liệu có chỗ để điều chỉnh và phân bổ lại không.
Tìm hiểu xem bạn đã kiếm được bao nhiêu, đã chi tiêu bao nhiêu và đã tiết kiệm được bao nhiêu: Xem xét các con số thô – ghi lại thu nhập của bạn từ mọi nguồn, số tiền bạn đã chi tiêu và bất kỳ khoản tiết kiệm và/hoặc nợ nào. Xem xét liệu những số tiền này có phù hợp với mục tiêu tài chính của bạn không. Nếu không, hãy ghi ra những ý tưởng về cách bạn có thể kiếm được nhiều hơn, tiết kiệm nhiều hơn hoặc chi tiêu ít hơn.
Hãy xem xét tính hữu dụng của thu nhập: Ghi lại một số việc quan trọng bạn đã làm với thu nhập của mình trong năm nay và cách bạn sẽ sử dụng tiền của mình trong năm tới.
Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau về tài chính của bạn:
Tôi có hài lòng với số tiền mình làm ra, chi tiêu và tiết kiệm được không?
Tôi có đạt được hay bỏ lỡ mục tiêu tài chính lớn nào không?
Những thói quen nào đã góp phần vào thành công hay thất bại về tài chính của tôi?
Tôi có sử dụng thu nhập của mình để phục vụ các mục tiêu khác trong cuộc sống không?
Tôi đã cống hiến bao nhiêu cho những mục đích mà tôi quan tâm? Tôi có hài lòng với con số đó không?
Điều quan trọng nhất tôi có thể làm vào năm tới để thành công về mặt tài chính là gì?
Các mối quan hệ
Những người mà chúng ta dành thời gian cùng và những mối quan hệ mà chúng ta tạo dựng nên đã tạo nên một năm như ý. Trong quá trình đánh giá hàng năm, hãy suy ngẫm về các mối quan hệ trong cuộc sống của bạn – từ mối quan hệ vợ/chồng và những người quan trọng khác, con cái, cha mẹ, anh chị em, bạn bè,... Hãy nghĩ lại những khoảnh khắc đáng nhớ với bạn bè và gia đình – cho dù đó là tiệc sinh nhật qua Zoom hay những buổi đi dạo trong công viên với khoảng cách xã hội. Hãy xem xét những cuộc trò chuyện có ý nghĩa nhất của bạn, cả những cuộc trò chuyện ấm áp và những cuộc tranh luận hăng hái. Hãy xem xét bạn đã dành bao nhiêu thời gian cho những người bạn yêu thương và liệu bạn có ưu tiên sự hiện diện của họ trong cuộc sống của mình hay không. Nếu bạn đang thiếu sự kết nối và cộng đồng trong cuộc sống của mình, hãy cân nhắc cách bạn có thể tạo ra chúng.
Lưu ý: Dữ liệu bạn cần: Xem lại lịch hoặc danh sách việc cần làm để kiểm tra thời gian dành cho những người trong cuộc sống của bạn. Xem lại tin nhắn văn bản, nhật ký điện thoại, email và thậm chí cả tin nhắn trên mạng xã hội của bạn. Mở album hình trên điện thoại của bạn. Tham khảo lại các mục nhật ký mà bạn có thể đã đề cập đến những người trong cuộc sống của bạn.
Hãy nghĩ đến những người quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn: Ghi ra tên những người mà bạn trân trọng sự hiện diện của họ trong cuộc sống của bạn, ngay cả khi những mối quan hệ đó không phải lúc nào cũng hòa đồng và vui vẻ. Hãy cân nhắc xem bạn đã dành đủ thời gian cho họ trong năm qua chưa, những kỷ niệm yêu thích, những bài học lớn nhất và những ý tưởng để dành nhiều thời gian hơn hoặc tốt hơn cho họ trong năm mới. Nếu mối quan hệ với bất kỳ người nào trong số những người này trở nên căng thẳng, hãy nghĩ đến nỗ lực cần có để hàn gắn những mối quan hệ đó và liệu đó có phải là một nỗ lực đáng giá hay không.
Hãy suy nghĩ về cách bạn hỗ trợ những người thân yêu của mình: Các mối quan hệ là một điệu nhảy của sự cho và nhận lẫn nhau. Hãy xem xét bạn cho đi bao nhiêu. Viết ra những cách bạn đã hỗ trợ những người trong cuộc sống của mình và những lần bạn có thể đã không làm được. Suy ngẫm về cách bạn có thể làm nhiều hơn để cho những người thân yêu của mình thấy bạn quan tâm - cho dù đó là những tin nhắn chu đáo hay sắp xếp thời gian để nói chuyện giữa những ngày và tuần bận rộn.
Kiểm tra mối liên hệ tổng thể của bạn với người khác: Xem xét liệu bạn có cảm thấy được hỗ trợ trong cuộc sống hay có thể thiếu sự kết nối có ý nghĩa. Nếu bạn muốn xây dựng các mối quan hệ mới trong năm mới, hãy viết ra hoặc tìm kiếm các chiến lược để tìm bạn bè, theo đuổi hẹn hò hoặc xây dựng cộng đồng.
Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau về bạn bè, gia đình và các mối quan hệ của bạn:
Những mối quan hệ đã mang lại cho tôi năng lượng?
Những mối quan hệ nào đã làm tiêu hao năng lượng của tôi?
Tôi đã dành đủ thời gian cho những người thân yêu của mình chưa?
Tôi có thể ưu tiên điều gì trong các mối quan hệ của mình? Những điều đó có đáng không?
Tôi đã gặp phải những thách thức cụ thể nào trong các mối quan hệ của mình?
Những khoảnh khắc tuyệt vời nhất với bạn bè và gia đình của tôi trong năm qua là gì?
Có những người nào mà tôi muốn thân thiết hơn trong năm mới không?
Tôi muốn phát triển những mối quan hệ mới nào trong tương lai?
Học tập
Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi bạn là một học sinh vĩnh cửu trong “trường đời”. Hãy xem xét xem sự tò mò của bạn đã đưa bạn đến đâu trong năm qua. Cho dù bạn thực sự đang đi học, tham gia các khóa học trực tuyến, nghe podcast hay đọc sách, hãy nghĩ về những gì bạn đã học. Đếm những bài học cá nhân của bạn về bản thân và cuộc sống của bạn trong những gì bạn đã học được trong năm qua. Tự vấn cũng quan trọng như những điều bạn học được trong sách giáo khoa.
Lưu ý: Dữ liệu bạn cần: Xem lịch hoặc email để biết lời nhắc về các khóa học hoặc hội nghị bạn đã tham dự. Xem giá sách hoặc ứng dụng đọc sách (ví dụ: GoodReads, Kindle, Audible, Pocket) để ghi chép lại mọi thứ bạn đã đọc. Tham khảo ghi chú hoặc nhật ký để biết bất kỳ bài học cuộc sống nào bạn học được trong suốt quá trình, dù là thông qua suy ngẫm hay trò chuyện với người khác.
Liệt kê lại kiến thức hoặc kỹ năng mới: Ghi lại những điều bạn biết mà trước đây bạn không biết và những điều bạn có thể làm mà trước đây bạn không biết. Ghi lại các cột mốc học tập như xây dựng trang web cá nhân từ đầu, hoặc nấu món khoai tây nghiền hoàn hảo. Liệt kê những cuốn sách hoặc bài viết có tác động nhất mà bạn đã đọc giúp mở mang đầu óc, giúp bạn suy nghĩ khác đi hoặc làm sâu sắc thêm sự quan tâm của bạn trong một lĩnh vực cụ thể. Viết ra bất kỳ môn học hoặc kỹ năng nào bạn muốn ưu tiên học trong năm tới.
Hãy cân nhắc đến môi trường học tập lý tưởng của bạn: Khi suy nghĩ về những gì bạn đã học, hãy cân nhắc đến cách bạn học nữa. Lưu ý cách thức và thời điểm bạn học tốt nhất – cho dù đó là học một khóa học chính thức hay làm việc một kèm một với người cố vấn. Sử dụng thông tin này để lập kế hoạch về cách bạn sẽ tiếp thu các kỹ năng và kiến thức mới trong năm mới.
Nghĩ về những bài học cuộc sống cá nhân của bạn: Viết ra những bài học cá nhân hàng đầu của bạn trong năm – cho dù chúng thuộc danh mục “mối quan hệ”, “công việc” hay “năng suất”. Kinh nghiệm là người thầy vĩ đại nhất; hãy xem xét những trải nghiệm trong cuộc sống đã giúp định hình bạn và thay đổi quan điểm của bạn trong năm nay.
Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau về việc học tập của bạn:
Có những ưu tiên cạnh tranh nào ngăn cản tôi học nhiều nhất có thể không?
Điều gì có tác động đến cá nhân lớn nhất mà tôi học được trong năm nay?
Tôi đã học tốt nhất như thế nào và vào lúc nào trong năm qua?
Tôi nên tập trung phát triển kỹ năng nào trong năm mới?
Hiện tại tôi có gì khác so với năm ngoái?
Nếu bạn đủ may mắn để có một hoặc hai ngày yên tĩnh từ cuối năm nay đến đầu năm sau, hãy dành thời gian để tìm hiểu và xem xét công việc, năng suất, sức khỏe, tài chính, mối quan hệ và những điều bạn đã học được trong 365 ngày qua.
Trước khi lao vào tương lai, hãy dành thời gian để suy ngẫm về quá khứ.
Khi suy ngẫm về năm cũ, hãy cố gắng hết sức để xem xét và đặt câu hỏi, chứ không phải dừng lại. Bạn có thể đã không đạt được mục tiêu hoặc trải qua những thách thức khiến năm mới trở nên khó khăn, nhưng khả năng là bạn đã đạt được nhiều hơn những gì bạn nghĩ. Bất kể bạn khám phá ra điều gì trong bài đánh giá hàng năm, bạn sẽ học được nhiều hơn về bản thân và những gì bạn muốn trong cuộc sống và điều đó có ý nghĩa rất lớn. Hãy suy ngẫm về năm đã qua để bạn có thể tiến về phía trước với năng lượng mới và sự lạc quan cho tất cả những gì sắp tới.