VĂN HÓA

'Cầm vàng qua sông' - Bước trưởng thành của sân khấu kịch Nhân Văn

Diên Vĩ • 28-05-2025 • Lượt xem: 330
'Cầm vàng qua sông' - Bước trưởng thành của sân khấu kịch Nhân Văn

Đây là lần thứ ba tôi được mời tham dự buổi diễn của Câu lạc bộ Kịch thuộc khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Lần này, các bạn đã chuyển thể kịch bản từ tác phẩm “Đau gì như thể…” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – một nhà văn nữ nổi tiếng với những tác phẩm đậm chất Nam Bộ, mộc mạc và giản dị.
“Đau gì như thể…” là một câu chuyện rất ngắn, ngắn đến mức tôi chỉ đọc vỏn vẹn trong vòng 20–30 phút. Nhưng dù chỉ là một truyện ngắn, đây là một tác phẩm rất hay và nhân văn; ấn tượng về nó thật sự đọng lại trong tôi rất lâu sau đó.

 

Các bạn trong Câu lạc bộ Kịch (CLB) đã chuyển thể được cái hay ấy vào vở kịch “Cầm vàng qua sông” của mình. Có rất nhiều yếu tố khác biệt giữa hai câu chuyện, nhưng vẫn là làng xã nghèo nơi Xẻo Mê ấy, vẫn miệng đời chua chát ấy, và vẫn là lòng người hiểm độc, tàn nhẫn ấy.
Câu chuyện bắt đầu từ gia đình ông Tư Nhỏ và cô con gái Cúc – những khác biệt thế hệ dẫn đến xung đột lớn trong gia đình. Cùng lúc đó, bà Nga – mẹ Cúc – quay lại tìm con sau 20 năm biệt tích để theo đuổi hạnh phúc riêng. Những cuộc gặp gỡ ấy đã bị lu mờ bởi một biến cố chấn động: Cúc có bầu và người đời nghi ngờ ông Tư chính là tác giả của cái thai ấy. Đau đớn hơn, một người đàn ông lớn tuổi, từng sống trong tình làng nghĩa xóm, nay phải đối mặt với sự miệt thị và khinh bỉ của xã hội. Ông bị bắt giam, cho đến khi Cúc lên xin thả ông về.

Vở kịch là một hành trình dài, trong đó mỗi nhân vật đi tìm cho bản thân một câu trả lời riêng: người đi tìm danh dự, kẻ tìm con, người mải mê tìm hạnh phúc, kẻ đi theo tiếng gọi mù quáng của danh vọng… Mỗi hành trình được khắc họa sâu sắc qua từng nhân vật, khiến họ đau khổ, dằn vặt, và sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống để giành lấy điều mình mong muốn.

Và câu nói đầy chua chát của ông Tư đã theo tôi suốt buổi diễn:

“Mình không làm gì sai thì tại sao phải sợ?”

Nhưng cuộc đời thường hay đi theo những lý lẽ lạ lùng và miệng đời thì lại càng chẳng cần biết đúng sai...

1 bước lùi…

Sau vài lần xem các bạn biểu diễn, tôi dần nhận ra phong cách riêng của từng diễn viên trong CLB, cũng như cá tính chung của cả nhóm. Đây là lần tôi đánh giá cao nhất, cả về mặt diễn xuất lẫn phần dàn dựng của các bạn.

Khi vở kịch đi được hơn hai phần ba, tôi gần như chắc chắn rằng sẽ có một màn “plot twist” khiến khán giả phải bất ngờ. Đúng vậy, bất ngờ có, nhưng cũng có cả phần hụt hẫng. Tôi có phần tiếc cho một vở kịch đang diễn ra rất hay.

Trước khi đưa ra ý kiến riêng của mình, tôi muốn thừa nhận rằng: tôi đã – đang – và sẽ luôn là một khán giả trung thành của sân khấu kịch Khoa Báo chí và Truyền thông. Ở đây, tôi chỉ muốn chia sẻ những suy nghĩ thật lòng sau khi kết thúc vở diễn.

Với kết thúc của “Cầm vàng qua sông”, tôi có một chút nuối tiếc. Câu chuyện mà các bạn đã kỳ công xây dựng, cùng những nhân vật mà các bạn đã rất nhập vai, lại bị chính cú “plot twist” cuối cùng khiến người xem hụt hẫng.

Sự thay đổi đó khiến cho sự hy sinh không còn cao cả, lòng vị tha trở nên vô hình, và ý nghĩa của cái chết – sự sống cũng mờ nhạt đi ít nhiều. Thay vào đó, kết thúc chỉ còn lại một chút chấp nhận trong nuối tiếc, dằn vặt. Tôi đã mong đâu đó có thể có một cái kết khác – tốt đẹp hơn – cho nhân vật của các bạn.

Nhưng, như một điều hiển nhiên của cuộc đời: vừa đủ, có khi lại là điều tốt nhất. Không phải lúc nào khán giả cũng cần được chiều chuộng bằng một cái kết tròn trịa, viên mãn; không phải câu hỏi nào cũng cần phải được trả lời cặn kẽ. Hãy cứ để chúng tôi được cảm nhận nhiều hơn từ một kết thúc vừa đủ.

Và các bạn – dù sao – cũng đã làm quá tốt.

… Nhưng 2 bước tiến

Và lần công diễn này đã có những bước tiến vô cùng lớn mà tôi xin được gọi là sự trưởng thành – không chỉ trong vai trò của các diễn viên kịch nói riêng, mà còn trong tư cách của những người làm nghệ thuật nói chung.

Trước hết, các bạn đã diễn rất tròn vai, khiến nhân vật trở nên sống động và chân thực. Các bạn không ngần ngại dành nhiều thời gian cho cái xấu được phô bày – để chúng tôi có thể cười vào đó – và từ tiếng cười ấy, ta cảm nhận được sự đắng cay của mỗi nhân vật qua từng câu thoại.

Đặc biệt phải nhắc đến hai nhân vật: Cúc và Vĩnh – các bạn đã thể hiện rất xuất sắc. Nhân vật cô con gái Cúc không ngần ngại thốt ra những lời “mạnh bạo” – điều mà hiếm khi ta thấy xuất hiện trên sân khấu kịch. Nhưng đó không phải là dung tục, càng không phải hỗn hào. Đó là nhân vật. Đó là sự chân thật trong cách xây dựng nhân vật từ biên kịch và sự can đảm trong thể hiện từ diễn viên. Có thể có người sẽ cảm thấy không thuận tai, nhưng chính nhờ điều đó, ta mới thấy rõ nhân vật là ai và vì sao họ lại như vậy. Sự thật thô kệch, mộc mạc ấy khiến người xem phải ngậm ngùi trước những đau khổ của họ.

Còn về Vĩnh - “người thông minh làm việc ác” - các bạn đã dám nói lên một sự thật về những con người có khả năng, có trí tuệ, có điều kiện nhưng vẫn chọn cái ác. 

Các bạn đã vượt ra khỏi một sân khấu kịch mộng mơ và cổ tích về con người, để biến nó thành nơi phơi bày cái xấu xí của xã hội. Không che giấu, không sợ hãi. Trần trụi đến tàn nhẫn. Và chính từ sự trần trụi ấy, các bạn đã nói lên nỗi thống khổ của những con người vốn không có tiếng nói - những con người bị vùi lấp bởi sự tàn ác của miệng đời, bởi đám đông điên loạn.

Nếu không gọi đây là bước trưởng thành của sự nhân văn, thì cũng không còn cách nói nào khác xứng đáng hơn.

Thành công lớn của một chặng đường dài

Theo tôi được biết, đây là kỳ công diễn lần thứ mười của các bạn và cũng là năm thứ 8 Câu lạc bộ Kịch đi vào hoạt động. “Cầm vàng qua sông” là một vở diễn được chuẩn bị rất chỉn chu - từ khâu dàn dựng, thiết kế, trình diễn, cho đến hậu cần, âm thanh và ánh sáng,...

Các bạn đã cho chúng tôi thấy không chỉ năng lực, mà còn là một nguồn nhiệt huyết vô cùng to lớn. Tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến toàn bộ ekip - các bạn đã mang đến một suất diễn ấn tượng và trọn vẹn, không chỉ như những lần trước, mà phải nói là tốt hơn cả những lần trước.

Các thành viên Câu lạc bội Kịch Báo chí Nhân Văn

Và tôi tin rằng: kỳ công diễn thứ 11 sẽ còn hay hơn nữa. Tôi thật sự tin là như vậy.

Nếu có bạn đọc nào đang tò mò hoặc muốn ủng hộ các bạn trẻ của Câu lạc bộ Kịch – Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, các bạn vẫn còn một suất diễn chính thức vào ngày 30.5.2025. Bạn đọc có thể đăng ký tham dự qua fanpage Câu lạc bộ và có thể sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ giống như tôi.

Thông tin vở diễn “Cầm Vàng Qua Sông”: 
- Thời gian: 17g30 thứ Sáu - 30.05.2025
- Địa điểm: Hội trường Văn Khoa, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG-HCM cơ sở Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, Quận 1. 

 

“Giữa Đường Say Mê” – Chuỗi chương trình nghệ thuật kỷ niệm 10 mùa diễn
Đây là sự kiện đánh dấu hành trình ra đời và phát triển của dự án kịch sinh viên không chuyên Sân khấu kịch Báo chí Nhân Văn, đồng thời có ý nghĩa như một lời tri ân gửi đến tất cả khán giả đã và đang đồng hành cùng CLB Kịch khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM suốt thời gian qua. 

Thông tin hoạt động: 

- Triển lãm: 9g00 - 20g30 vào ngày 25 và ngày 26.06.2025
- Gala: 17g30 Thứ Năm, ngày 26.06.2025
- Địa điểm: Sảnh và khán phòng Hội trường Văn khoa - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG-HCM cơ sở Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, Quận 1.