ĐỜI SỐNG

Cảnh báo 20 tỉnh phía Nam về viêm phổi nặng do virus

Thi Thơ • 27-02-2023 • Lượt xem: 1424
Cảnh báo 20 tỉnh phía Nam về viêm phổi nặng do virus

Ngày 24/2, Viện Pasteur TP.HCM đã ra thông báo khẩn cấp 20 tỉnh phía Nam về dịch viêm phổi nặng do virus sau khi Campuchia ghi nhận 2 ca nhiễm cúm gia cầm A (H5N1). 

Theo thông tin được biết, tỉnh Prey Veng, Campuchia đã ghi nhận 2 trường hợp có dương tính với virus cúm gia cầm độc lực cao A (H5N1), trong đó có 1 trường hợp tử vong. Trước đó, khu vực này cũng ghi nhận 12 trường hợp nhiễm cúm H5N1 và 1 ca tử vong. 

Vốn dĩ cúm H5N1 không còn quá xa lạ, đây là một loại virus cúm A có khả năng gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm, lây nhiễm từ gia cầm sang người. Khi bị nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%. 

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Hoa Kỳ, có một số việc làm có thể khiến chúng ta nhiễm bệnh như: tiếp xúc, đụng chạm vào gia cầm bị bệnh; chạm hoặc hít phải các chất tiết gia cầm bị bệnh; tiếp xúc (giết mổ, chế biến với nguồn thịt bị nhiễm bệnh) hoặc ăn thịt gia cầm hoặc trứng không nấu chín.

Trước tình hình khẩn cấp đó, ngày 24/2, viện Pasteur TP.HCM đã ra thông báo khẩn 20 sở y tế các tỉnh thành phía Nam phải giám sát thật kỹ, theo dõi tình hình các trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm cúm. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân có lịch sử dịch tễ từ khu vực nhiễm bệnh lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Hơn thế nữa, các đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế cần giám sát chặt chẽ người nhập cảnh từ vùng dịch, phối hợp với các đơn vị trong nước giám sát gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam. Bên cạnh đó, trung tâm kiểm soát dịch bệnh các tỉnh thành phối hợp Chi cục chăn nuôi và thú y phát hiện sớm ổ bệnh và xử lý kịp thời, tránh các hậu quả lâu dài về sau. 

Ngoài ra, các Sở y tế địa phương cần giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, những nơi có chùm ca bệnh để xử lý kịp thời, hạn chế lây lan ra diện rộng. Đặc biệt, cần lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh. 

Việc phân biệt các triệu chứng H5N1 so với bệnh cúm thường, cảm lạnh hay Covid-19 đã được bộ Y tế thông tin trước đó. Người bị nhiễm cúm H5N1 sẽ có các triệu chứng như sốt cao 2-5 ngày, cơ thể rét run, ho khan, thi thoảng có những triệu chứng như tiêu chảy, mỏi cơ, đau đầu, chảy mũi, hắt hơi… 

Viện Pasteur TP.HCM còn đề nghị các tỉnh thành phía Nam triển khai ngay và lập tức công tác truyền thông đến với người dân. Đặc biệt là về các biện pháp phát hiện, phòng bệnh như vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không tiêu thụ, buôn bán gia cầm chết hoặc không rõ nguồn gốc, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và gia đình. 

Theo Tổ chức Thú y Thế giới ghi nhận, bắt đầu từ năm 2022, dịch cúm gia cầm đã tàn phá hầu hết các trang trại trên thế giới, hơn 200 triệu gia cầm đã chết hoặc bị tiêu hủy. Bên cạnh đó, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, H5N1 thường lây lan ở các loài gia cầm sống ở nước như vịt, bồ nông, thiên nga. Từ đó, gây ảnh hưởng đến các loài động vật khác, kể cả con người.