VĂN HÓA

Câu chuyện thần kỳ của Sam Sung và những cảm hứng gợi mở

Minh Nhân • 30-10-2022 • Lượt xem: 1020
Câu chuyện thần kỳ của Sam Sung và những cảm hứng gợi mở

Vào cái năm mà phim bộ 16 tập “Hậu duệ mặt trời” của Hàn Quốc làm mưa làm gió với câu chuyện “ngôn tình quân đội” còn cặp đôi Song-Song (Song Joong Ki và Song Hye Ko) được cư dân mạng mạnh tay “đẩy thuyền” lúc đó, một phim bộ khác cũng ngoan cường tranh rating ngang ngửa, có tựa đề “Lật mặt tử thù” (tựa gốc: “Monster”).

Có số tập phim dày hơn “Hậu duệ mặt trời” gấp ba lần – 50 tập – vốn rất dễ bị “đánh rơi” vì khán giả “đeo” không nổi, nhưng “Lật mặt tử thù” khiến không chỉ mọt phim Hàn mà đông đảo khán giả càng xem càng cuốn!

Để không phạm phải “tội lỗi spoil phim”, ở đây sẽ chỉ nhắc đến một tình tiết chiếm số tập đầu phim khá đáng kể: đó là khi nhân vật chính Kang Ki Tan trúng tuyển trong lứa nhân viên mới của một tập đoàn khủng hư cấu có tên Dodo Group. Đại khái là tuyển cả trăm người, đưa tất cả vào chương trình huấn luyện đặc biệt, rồi chọn lại lần nữa những người ưu tú nhất mới được vào làm việc cho Tập đoàn Dodo. Ôi chà, phải nói số tập phim kể câu chuyện huấn luyện nhân viên mới của Tập đoàn Dodo hấp dẫn cực! Lúc đấy xem thiệt mê nhưng nghĩ bụng: hư cấu quá tay! Tập đoàn kinh doanh tuyển nhân viên mới cứ như tuyển đặc nhiệm SWAT không bằng! 

Phim cách đây mới chừng bốn năm thôi, nên những màn huấn luyện kiểu đặc nhiệm SWAT vẫn còn đậm đà trong ký ức, cả cái cảm nhận là biên kịch Hàn quá giỏi hư cấu bạo tay. Cho đến khi biên tập “Câu chuyện thần kỳ của Samsung – Từ kẻ theo đuôi thành người dẫn dắt cuộc chơi”. Biên tập viên bị cuốn không dứt vào những “màn training” của Samsung. Và không chỉ nhân viên mới với Lễ hội mùa hè thường niên Samsung, trong đó họ thi thố cỡ tranh tài thế vận hội! Tất cả giám đốc cấp cao cũng lên bờ xuống ruộng như thường trong những buổi “team building”: hành quân suốt đêm nơi núi rừng trơ trọi, trong cái lạnh cắt da xứ Hàn vào mùa đông. Rồi những vị sếp điều hành núp lùm trong góc tối nào đó bất ngờ “xồ ra”, nêu những câu hỏi đánh đố thách thức tư duy nhạy bén của các giám đốc và quản lý cấp dưới. Trả lời không được thì “fail” thẳng cánh! Và kết thúc một ngày đêm gian khổ ấy, không phải là được về nhà ngã vật ra đánh giấc đâu. Sáng sớm hôm sau, tất cả rầm rập hành quân trở về nhà máy, ngồi vào chỗ, và bắt đầu một ngày làm việc đến tận 11 giờ đêm mới đóng cửa tắt đèn ra về – và họ nói với tác giả cuốn sách, Geoffrey Cain: cũng chỉ là một ngày làm việc như mọi ngày mà thôi!

Không ngại tiết lộ, biên tập viên cuốn sách này vốn mê phim (à mà chủ tịch Lee là mọt phim chúa!). Nhưng thật sự cuốn theo “Câu chuyện thần kỳ của Samsung” ngay từ những trang đầu tiên không chỉ vì những màn training tưởng chỉ thấy trên phim.  Là một nhà báo, tác giả Geoffrey Cain tài hoa chẳng thua biên kịch Hàn: tình tiết đầu tiên đưa độc giả cuốn vào sách của ông không thể “drama” hơn – cú sốc Galaxy Note 7 phát nổ và phát cháy cùng khắp ngay sau khi ra mắt, ngay sau những đợt đổi hàng ồ ạt! Đội ngũ truyền thông Samsung đờ ra, quan liêu chờ chỉ thị từ tổng hành dinh, khiến khủng hoảng Note 7 gần như nhấn chìm thương hiệu!

Để mặc người đọc sững sờ trong khủng hoảng Note 7 ấy, “Ở đây có ai có điện thoại Samsung Galaxy Note 7 không?” Stephen Colbert nêu câu hỏi trong chương trình truyền hình châm biếm The Late Show with Stephen Colbert. “Nếu có, xin quý vị bình tĩnh rời trường quay. Các đội cứu hộ cứu nạn đang đợi quý vị ở sảnh". “Không phải là Samsung đã thu hồi điện thoại bị bốc cháy rồi sao? Phải, đúng là họ đã thu hồi,” ông nói tiếp. “Như câu ngạn ngữ xưa: Một lần bất tín, vạn sự, ai da! Đũng quần tôi bốc cháy rồi!”

Đến đoạn này, tác giả đột ngột “quay xe” ngược về ngài chủ tịch đầu tiên B.C. Lee, “Tôi về nhà muộn sau khi chơi domino ăn tiền. Ánh trăng sáng vằng vặc rọi vào phòng qua cửa sổ. Lúc bấy giờ tôi 26 tuổi, đã có ba đứa con. Khi nhìn các con, đẫm mình trong ánh trăng và ngủ thật bình an, tôi cảm thấy như vừa bừng tỉnh từ một cơn ác mộng,” ông viết trong hồi ký. “Tôi đã lãng phí không biết bao nhiêu thời gian của mình. Đã tới lúc phải đặt mục tiêu cho cuộc đời”.

Rồi tác giả lại đưa độc giả tới cái cửa tiệm bán rau củ và cá khô ở Daegu có tên “Samsung Sanghoe”, nghĩa là “Tiệm Tam Tinh”. Ai sẽ nghĩ cái cửa tiệm bán rau củ và cá khô nhỏ đó sản sinh ra đế chế Samsung bây giờ? Mang tinh thần doanh nhân quật cường, tầm nhìn sứ mạng táo bạo, kiên định ý chí quyết liệt – chính B.C. Lee là người nghĩ điều đó. Và truyền nhân tiếp bước cha mình Lee Kun Hee biến tầm nhìn, sứ mạng và ý chí đó thành sự thật. Quá trình ngoan cường tạo đế chế Samsung của Lee Kun Hee hấp dẫn đến nỗi sếp của biên tập viên giữ bản dàn trang cuối cùng trước khi đi in đọc say mê và phải thốt lên “đang thích quá thì ông ấy ‘tèo’!” 

Bất cứ khi nào Samsung gặp khủng hoảng, các nhà điều hành và nhân viên lại tìm kiếm sự chỉ dẫn từ Chủ tịch Lee Kun Hee. Họ thuộc lòng những lời ông nói và lắng nghe những bài phát biểu của ông. Vị chủ tịch rất vững vàng trong khủng hoảng. Ông truyền cảm hứng cho nhân viên của Samsung để họ hình dung ra những điều khả dĩ trong tương lai, để giữ vững tinh thần chiến đấu, vượt qua những giới hạn và gánh vác đại sự.

Trong tác phẩm này bạn sẽ không thấy thành công dễ dàng, không gặp những con người bóng bẩy sáng lóa không tì vết… mà như đã nói, “Câu chuyện thần kỳ của Samsung” đầy drama, những thủ đoạn đen tối, những quát tháo thô bạo, và cả những túi bạc đầy ắp đem đi hối lộ đối tác. Nhưng chắc chắn có những chú lính chì dũng cảm chiến đấu tới cùng.

Không chỉ gia tộc Lee ở Samsung, đọc “Câu chuyện thần kỳ của Samsung” còn có thể thấy thấp thoáng lời giải cho câu hỏi vì sao Làn sóng Hàn (hallyu) chiếm lĩnh thế giới giải trí toàn cầu hiện nay: từ nhóm nhạc Kpop BTS, đến phim bộ Hàn Quốc đang được tất cả nền tảng streaming săn đón, tranh mua, tranh rót tiền đầu tư… đến giải Oscar lừng lẫy chấn động dành cho Parasite và đạo diễn Bong Joon Ho. Không có thành công nào người Hàn gặt hái lúc này là từ trên trời rơi xuống! Tất cả là kết tinh của sự khăng khăng bướng bỉnh đến cố chấp, đeo đuổi cái đẹp và khát vọng đưa văn hóa Hàn ra thế giới! Và làm việc quên mình! Bạn có tưởng tượng Samsung từng tiếp cận hãng phim DreamWork của vị đạo diễn lừng danh Steven Spielberg: “Từ ‘linh kiện bán dẫn’ đã được nhắc tới 20 lần trong cuộc gặp kéo dài hai tiếng rưỡi đó,” Spielberg nói với tạp chí Time. “Tôi tự nhủ, ‘Làm sao họ có thể biết gì về ngành kinh doanh phim ảnh khi mà họ bị ám ảnh bởi linh kiện bán dẫn như vậy?’”

Nội tình câu chuyện của doanh nghiệp khổng lồ Hàn Quốc dám thách thức hàng loạt những nhà phê bình phương Tây vốn tin rằng câu chuyện từ chó lên voi ngay lập tức trên thị trường toàn cầu là bất khả, nỗ lực phi thường đánh bại Apple và chinh phục thế giới công nghệ của Samsung là đúng như Geoffrey Cain đã viết: 

“Thành công của Samsung không phải là doanh số, điều hành, chính sách kinh tế, hay lợi nhuận. Đó là câu chuyện về lòng ái quốc và tinh thần quật cường. Samsung chạm tới cảm nhận, tình cảm, và ý thức được thuộc về một điều lớn lao mà người Hàn Quốc đang trải nghiệm. Doanh nghiệp này hiểu được nhu cầu của con người muốn là một phần của điều gì đó vĩ đại, điều gì đó lớn hơn bản thân; mời gọi người Hàn Quốc lời hứa hẹn về vinh quang”.