VĂN HÓA

Câu chuyện thú vị ẩn sau chiếc váy thổ cẩm của người H'mong

Linh Anh • 16-02-2023 • Lượt xem: 2241
Câu chuyện thú vị ẩn sau chiếc váy thổ cẩm của người H'mong

Khách phương xa ghé thăm các miền sơn cước như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu…, luôn dễ dàng bắt gặp những tà váy thổ cẩm rực rỡ, độc đáo của người H’Mông bản địa. Chiếc áo váy ẩn giấu cả một thế giới tâm linh huyền bí mà càng khám phá bạn càng cảm thấy thích thú và kinh ngạc.

Người H’Mông sinh ra trên một tấm vải lanh và từ giã cõi tạm này cũng phải trên một tấm vải lanh. Vải lanh là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn người đã khuất về với tổ tiên và đưa linh hồn tổ tiên đầu thai trở về cùng con cháu. Mỗi sợi vải đều có thể ảnh hưởng đến vận mệnh con người cho nên ngay từ những khâu se sợi, dệt vải, cán vải đều rất cẩn thận. Sợi lanh đứt khi se hoặc luồn vào khung dệt, que lăn và đá phiến bị vỡ khi đang cán thì khi dệt thành vải sẽ làm người mặc gặp vận rủi như bị sa ngã, li biệt.

Mỗi họa tiết hoa văn trên váy áo cũng đại diện cho một mong ước nào đó. Họa tiết con sên biểu tượng cho tình thân, sự thịnh vượng. Hình vuông mang ý nghĩa sự phù hộ của tổ tiên. Hình tam giác, vẩy cá, hàng rào giữ lại may mắn và xua đuổi tà ma. Hình lưỡi câu cầu cho cô gái tìm được người chồng tốt. Hình mặt trời, ngôi sao tám cánh biểu tượng cho đất trời vạn vật bình an và mùa màng bội thu… Hoa văn đẹp còn giúp liên lạc với thần linh, mời gọi các phúc thần về phù hộ cho người mặc.

Việc dệt vải lanh may váy áo gắn chặt với người phụ nữ H’Mông từ lúc cây lanh mới được trồng trên nương rẫy. Cây lanh sau khi thu hoạch, phơi cho tái được đem tước vỏ. Vỏ lanh lại được bỏ vào trong cối đá giã cho lớp vỏ ngoài nhanh chóng tách ra, tạo thành những sợi lanh nhỏ và mềm hơn. Người ta bắt đầu dùng tay se sợi, sao cho sợi lanh nối dài với nhau mà không tạo thành mối nối. Phụ nữ H’Mông lúc xuống chợ, khi lên nương họ đeo theo một cuộn lanh ở thắt lưng, tranh thủ se sợi khi nhàn rỗi. Sợi lanh se xong đem luộc trong nước pha tro củi, ủ kín một đêm để tẩy trắng rồi đem dệt. Khổ vải dệt xong lại đem phơi trên đá, dùng chày gỗ hoặc đá cuội đập lên cho vải thêm bóng mượt.

Trên nền vải mộc màu trắng chưa nhuộm chàm, người H’Mông vẽ lên các họa tiết bằng sáp ong đã đun nóng chảy. Người vẽ phải có một bàn tay vô cùng khéo léo và chuẩn xác vì sáp ong khi vẽ lên vải sẽ không thể thay đổi hình đã vẽ. Khi sáp ong khô, đem vải đi nhuộm chàm nhiều lần rồi nhúng vào nước sôi làm sáp ong tan hết đi, lộ ra phần họa tiết màu trắng. Ngoài họa tiết sáp ong, họ còn thêu thùa, ghép vải, đính chỉ màu, đồ bạc, kim sa, hạt cườm lên quần áo tạo ra những mảng hoa văn sặc sỡ. Áo váy người H’Mông là sự chồng ghép của rất nhiều vuông vải đủ sắc màu, đi đến đâu cũng rực rỡ và vô cùng bắt mắt.

Muốn ngắm thỏa mắt những tà áo váy H’Mông đủ sắc màu chẳng đâu thích hợp bằng một phiên chợ vùng cao. Nhìn sắc áo và các họa tiết, người tinh ý sẽ biết ngay họ đến từ nhóm người H’Mông nào. Người H’Mông đen áo có màu xanh đen, họa tiết tập trung ở vùng tay áo và trước ngực. Người H’Mông Trắng váy trắng, gấu váy, ngang váy, cổ tay, ống tay, cổ áo và nẹp áo đều có có họa tiết sọc lam hoặc kim sa. Phụ nữ H’Mông Hoa mặc áo màu xanh lam, xanh lơ và xanh dương, hoa văn chủ yếu tập trung trên lưng áo. Phụ nữ H’Mông Đỏ trang phục chủ yếu là màu đỏ rực, các mảng thêu đỏ, hồng phủ kín từ đầu đến thân. Ngắm nhìn những tà áo, váy H’Mông xòe bung rực rỡ trong phiên chợ vùng cao có cảm tưởng như hân hoan như chứng kiến một ngày hội sắc màu tươi trẻ.