VĂN HÓA

Cây cầu có một không hai ở Việt Nam với những ký ức khó phai mờ

Minh Nhân • 23-02-2023 • Lượt xem: 3867
Cây cầu có một không hai ở Việt Nam với những ký ức khó phai mờ

Nam Định với nhiều địa danh nổi tiếng, toát lên dư âm của vùng quê miền biển. Nào Nội Khu, Hành Thiện, nào biển Thịnh Long, Văn Lý, hay sông Đào hoặc cầu Ngói chợ Lương vốn đi vào cả trong văn chương hay âm nhạc. Nhưng có một chiếc cầu độc lạ, có thể tìm khắp nơi không có chiếc thứ hai. Đó là cây cầu 700 tuổi mang tên cầu lợp làng Kênh hay cầu lợp lá cọ.

Nhiều người không khỏi trầm trồ khi lần đầu nhìn thấy cây cầu này và cho rằng nó là cây cầu độc đáo và đẹp nhất Việt Nam. Vẻ đẹp có lẽ không nằm ở sự nguy nga hay bề thế, mà tiềm ẩn nét thôn quê mộc mạc và hoài cổ, nhất là khi được che nắng che mưa quanh năm suốt tháng bằng mái lá cọ phủ rợp khắp thân cầu.

Cầu lá là Kênh, thuộc Trực Ninh, Nam Định, có niên đại từ thời Lý, tính đến nay đã 700 năm.

Từ Hà Nội đi về trung tâm của thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh thuộc tỉnh Nam Định khoảng 100 cây số. Từ Cổ Lễ đi hướng của xã Trực Chính sẽ là nơi mà cây cầu này “trú ngụ” như một vẻ đẹp quê nhà thiêng liêng, gần gụi. Cây cầu lợp làng Kênh này độc đáo ở chỗ nó được lợp lên lá cọ có một không hai ở Việt Nam. Nhiều thi sĩ đã cảm tác trước vẻ đẹp độc lạ này mà sáng tác nên thơ. Ví dụ như bài thơ sau đây:

"Cây cầu mái lá cổ xưa

Bao năm qua vẫn nắng mưa dãi dầu.

Dù ai đi đâu về đâu

Nhớ ghé Cổ Lễ, qua cầu ngắm kênh.

Nét độc đáo huyện Trực Ninh

Cây cầu mái lá đậm tình quê hương.

Đơn sơ mà rất lạ thường

Độc nhất vô nhị bốn phương khó tìm".

Đối với thế hệ dân làng, đặc biệt là những người cao tuổi ở làng Kênh, ký ức tuổi thơ cũng như cả đời người của họ gắn với chiếc cầu này. Từ khi còn là một đứa trẻ lên năm lên ba đã chơi đùa chạy qua chạy lại cây cầu này, cho tới khi thành lão niên, cây cầu vẫn sừng sững trước những đổi thay của thời gian hay nhân sinh.

Trải qua nhiều năm tháng, cầu đã được trùng tu nhiều lần để có  thể làm nơi đi lại, ngồi chơi và vãn cảnh của dân địa phương cũng như người tứ xứ 

Theo nhiều nguồn tư liệu tìm kiếm được, nhất là trên các dòng chữ nho khắc trên cây cầu, cho biết cây cầu lá cọ làng Kênh này có từ thời nhà Lý, nghĩa là 700 năm về trước.

Thuở ban đầu, cầu không được lợp bằng lá cọ như hiện nay mà dùng lá bổi vốn là loại cây vùng nước lợ ven biển để lợp. Những sà – cột – sàn cầu thì được dựng lên bằng gỗ lom. Những tảng đá xanh nguyên khối sẽ dùng làm bậc tam cấp.

Cây cầu với dòng chữ ghi lại thời điểm được tạo dựng, nhà Lý cách đây 700 năm

Quê hương của cây cầu này, làng Kênh, xưa kia là vùng đất thấp, hay ngập gọi là vùng đồng bằng chiêm trũng. Chính vì thế mà mỗi khi trời mưa to làng dễ bị ngập úng. Vùng đất lân cận cũng khó mà đi qua lại nhau dễ dàng. Vì lí do đó mà các cụ thời ấy đã bàn nhau lập nên cây cầu này để tiện cho việc đi lại.  Đây cũng là tình làng nghĩa xóm bền chặt của tiền nhân ngày ấy.

Cầu được chia làm 5 nhịp, dài khoảng 15m, rộng hơn 5m và cao trên 3m

Nhưng do thời gian quá lâu, cây cầu đã có nhiều rạn nứt, xập xệ nên đã được trùng tu nhiều lần. Bốn cây cột lớn của cầu cắm sâu dưới lòng sông được các trụ sắt bọc lấy xung quanh cho chắc chắn.

Giờ đây cấu trúc của cây cầu, dài 15m, chia 15 nhịp, rộng hơn 5m, cao hơn 3m vẫn được giữ gìn và bảo tồn trong vẻ đẹp bình dị và nên thơ.

Nhiều người dân gắn bó với cây cầu như môt nơi chốn thân quen 

Đối với người dân nơi đây, cây cầu chính là ký ức tuổi thơ và là sự yêu thương của hiện tại như một kỷ niệm, kỷ vật khó phai mờ trong lòng họ. Bởi ai đi xa cũng muốn về thăm lại cây cầu này. Ai còn đang sinh sống ở đây, ngày ngày vẫn có thể đi qua cầu, hay trò chuyện cùng nhau trên cầu, dưới mái lá mát mẻ.