VĂN HÓA

'Cây di sản' ở Hồ Gươm

Bài và ảnh: Hà Thành • 23-08-2023 • Lượt xem: 2155
'Cây di sản' ở Hồ Gươm

Hồ Gươm được ví như lẵng hoa trong lòng Hà Nội; vì đẹp, xinh xắn, quyến rũ... Và Hồ Gươm cũng là một “lẵng hoa” theo đúng nghĩa, bởi những loài cây – hoa ở đây điểm sắc cho hồ...

Cũng chẳng có ai thống kê xem ở quanh Hồ Gươm có bao nhiêu loài cây – hoa; chỉ biết rằng nhiều, rất nhiều, và những loài cây hoa ấy góp phần không nhỏ làm đẹp thêm cảnh quan Hồ Gươm. Có những loại cây bình thường nhiều nơi có, có những loại cây quý hiếm hơn, và có những cây thật đặc biệt, mà chỉ dường như chỉ ở Hồ Gươm mới đẹp. Những cây này dù chẳng được đơn vị nào phong chức, tặng danh; nhưng với những người dân Hà Nội, những người yêu Hồ Gươm, những nhà nhiếp ảnh thì xứng đáng là “cây di sản”.

Ở bờ hồ phía phố Hàng Khay, có một cây ban có dáng đặc biệt, cong cong gẫy gập. Nếu đứng riêng ra, nó chẳng phải là một dáng cây đẹp. Thế nhưng ở cạnh Hồ Gươm, với Tháp Rùa xa xa, với khung cảnh nên thơ ấy, thì lại lọt vào mắt xanh của bao nhà nhiếp ảnh. Nhưng rất tiếc, cây ban ấy đã... không còn!

Cây ban ở bờ hồ phía phố Hàng Khay có dáng cong cong

Phía đường Lê Thái Tổ, gần đền thờ và tượng đài vua Lê, có hai cây phượng nhỏ, ngả xuống mặt nước. Ở giữa có hai cái ghế đá... Hai cây phượng này cũng nằm trong “sổ tay” của các tay máy, nhất là và mùa đông rụng lá và mùa xuân - khi cây đâm chồi.

Hai cây phượng phía đường Lê Thái Tổ.

Ngay cổng đền Ngọc Sơn, chân cầu Thê Húc, có một cây phượng và cây bằng lăng lớn; cứ tới mùa hè là cùng hoà sắc rực rỡ...

Cây phượng và cây bằng lăng ở cổng đền Ngọc Sơn

Tập trung nhiều nhất “cây di sản” ở Hồ Gươm là phía đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn gần UBND Thành phố. Nơi này trong một đoạn ngắn mà có tới 4 cây nổi tiếng. Đầu tiên là cây gạo cổ thụ có cành rủ xuống phía hồ. Tiếp theo là cây lộc vừng đại thụ có dáng rất đẹp. Cây lộc vừng này đặc biệt quyến rũ vào mùa thay lá. Tiếp nữa là quần thụ lộc vừng 9 gốc vươn ra phía hồ. Ở quần thụ lộc vừng này có một cái cành còng còng chìa ra, làm mê mẩn bao tay săn ảnh suốt bốn mùa. Cũng gần ngay hai gốc lộc vừng là một cây mõ. Cây mõ này có tán lá xòe ra rất đẹp, lá rực lên trong nắng. Cây này có hai cành lớn rủ xuống như một khuôn hình mà Tháp Rùa là chủ thể. Đặc biệt vào mùa xuân, cây ra trổ mầm và hoa, khiến bao người ngơ ngẩn; bao tay máy sốt ruột và... bất lực trước vẻ đẹp này.

Cây gạo cổ thụ ở phía đường Đinh Tiên Hoàng.

Tháng Ba, mùa hoa gạo nở có rất nhiều người tới chụp ảnh, check-in ở đây.

Cây lộc vừng đại thụ luôn quyến rũ vào mùa thay lá.

Mỗi khi cây lộc vừng đại thụ thay lá, là một sự kiện nho nhỏ của Hà Nội, thu hút nhiều người đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Quần thụ lộc vừng 9 gốc vươn ra mặt nước hồ.

Đây cũng là nơi nhiều người ưa thích ngồi nghỉ và ngắm cây.

Cành lộc vừng còng còng ở quần thụ lộc vừng 9 gốc luôn làm mê mẩn những tay máy.

Hồ Gươm mùa thu nhìn qua bức rèm lá lộc vừng.

Hồ Gươm nhìn qua tán cây mõ trong ánh nắng chiều.

Khung cửa mùa xuân Hồ Gươm khi cây mõ trổ mầm, ra hoa - thường vào sau dịp Tết âm lịch.

Tất nhiên, mỗi người có một cách nhìn, một tình yêu Hồ Gươm của riêng mình; và mỗi người cũng có thể tự phong tặng những “cây di sản” Hồ Gươm theo cách của riêng mình.