ĐỜI SỐNG
Chăm sóc sức khỏe tài chính cũng chính là chăm sóc bản thân: Làm thế nào để biến nó thành một phần trong thói quen của bạn?
Uyên Nguyễn • 30-03-2025 • Lượt xem: 106

Việc chăm sóc bản thân bao gồm nhiều khía cạnh, nhưng tài chính thường bị bỏ qua - thay vào đó, mọi người thường chú trọng hơn đến ngoại hình, chế độ dinh dưỡng hay tập luyện. Trên thực tế, sức khỏe tài chính cũng quan trọng không kém và nên được ưu tiên trong thói quen hằng ngày, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cả tinh thần lẫn thể chất.
Đúng là vấn đề tài chính có thể khiến nhiều người e ngại, ngay cả khi nó liên quan đến việc chăm sóc bản thân. Nhưng đừng lo, bạn có thể bắt đầu từ những bước đơn giản.
Hãy hình dung cách bạn chăm sóc bản thân - có thể là tham gia lớp yoga hoặc đặt lịch trị liệu. Những hoạt động này đều cần đến tiền, và đó chính là lý do vì sao sức khỏe tài chính đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của bạn.
Hầu hết mọi người đều trải qua khó khăn tài chính vào một thời điểm nào đó. Vì vậy, đưa việc chăm sóc tài chính vào thói quen hàng ngày có thể giúp bạn giảm bớt lo lắng và mang lại sự an tâm. Không chỉ vậy, nó còn giúp bạn phân bổ tài chính hợp lý cho các mục tiêu sức khỏe, sở thích cá nhân và những món đồ mong muốn.
1. Đừng quá ám ảnh về từng đồng bạn chi tiêu
Mặc dù theo dõi chi tiêu có thể giúp quản lý tài chính hiệu quả, nhưng việc tính toán quá chi tiết đôi khi lại gây lo lắng, ngay cả khi số tiền đó không quá lớn. "Bạn có thể trở nên quá cảnh giác khi kiểm tra các con số quá thường xuyên", chuyên gia tư vấn tâm lý tài chính Bari Tessler chia sẻ.
Bạn có thể trở nên quá cảnh giác khi kiểm tra các con số quá thường xuyên (Ảnh: Freepik)
Điều này không có nghĩa là bạn nên phớt lờ tình hình tài chính cho đến khi quá muộn. Thay vào đó, hãy cho bản thân một chút thoải mái và tin tưởng vào khả năng lập kế hoạch tài chính có chủ đích của mình.
2. Tham gia các “buổi hẹn hò” với tiền bạc.
Để theo dõi chi tiêu mà không cần kiểm tra từng khoản nhỏ lẻ, bạn có thể lên lịch cho các “buổi hẹn hò với tiền bạc” - một khoảng thời gian dành riêng để xem xét tình hình tài chính, bao gồm kiểm tra sao kê ngân hàng, thanh toán hóa đơn, theo dõi thu nhập, v.v.
Bạn có thể dành vài phút mỗi ngày, 20 phút mỗi hai ngày, hoặc hai lần một tháng - tùy theo lịch trình phù hợp với bạn. Tessler cũng gợi ý thêm một số cách giúp buổi hẹn hò này trở nên thú vị và bớt căng thẳng. Cô chia sẻ: "Trong buổi hẹn hò với tiền bạc, tôi thắp nến, ăn sô cô la đen và đặt ra các mục tiêu tài chính."
Hãy cố gắng duy trì thói quen này một cách nghiêm túc, vì bạn sẽ không muốn vội vàng xử lý tài chính khi mọi thứ đã trở nên rối ren.
3. Bắt đầu viết nhật ký tài chính.
Nếu bạn không thể biết rõ mình đang chi tiêu vào đâu, sẽ rất khó để bạn kiểm soát tài chính của bản thân. Giải pháp chính là bắt đầu viết nhật ký tài chính - nó không chỉ giúp theo dõi thói quen chi tiêu mà còn có thể ghi lại cảm xúc của bạn về chúng. Qua đó, bạn sẽ hiểu rõ hơn mình đang đối mặt với những áp lực tài chính nào.
Nhật ký tài chính không chỉ giúp theo dõi thói quen chi tiêu mà còn có thể ghi lại cảm xúc của bạn về chúng (Ảnh: Internet)
Chuyên gia Kelly Trach chia sẻ rằng cô sử dụng một bảng tính đơn giản để điền chi tiêu vào ngày 1 và 15 mỗi tháng. Bạn có thể thêm một cột để ghi lại cảm xúc về mỗi khoản chi - tự hỏi bản thân rằng liệu nó có cần thiết không? Có mang lại niềm vui không? Hay bạn hối hận vì đã chi chúng?
Đừng tự trách mình nếu xuất hiện những khoản chi không mang lại giá trị như mong đợi. Hãy ghi chú lại và rút kinh nghiệm cho lần sau để đầu tư thông minh hơn.
4. Tạo một bảng tầm nhìn dành riêng cho tài chính
Bảng tầm nhìn chứa hình ảnh, từ ngữ hoặc biểu tượng thể hiện những mục tiêu và ước mơ của bạn. Nó không chỉ dành riêng cho mục tiêu năm mới hay sự kiện lớn - bạn cũng có thể tạo một bảng tầm nhìn về tài chính. Bạn có thể làm trên máy tính, điện thoại hoặc viết tay trên giấy. Sau đó, hãy đặt nó cạnh giường và nhìn vào mỗi tối trước khi ngủ hoặc khi bạn cảm thấy mất động lực về tài chính.
Hãy thêm hình ảnh về những thứ bạn thích chi tiền, như đi chơi với bạn bè, một bữa tối ngon miệng, những thực phẩm lành mạnh, quần áo, trang trí nhà cửa hay du lịch. Điều này giúp bạn hình dung và ưu tiên đúng những gì thực sự quan trọng.
5. Tìm thói quen giúp bạn bình tĩnh
Khi lo lắng về tài chính, hãy áp dụng những phương pháp giúp bạn trấn an bản thân, như hít thở sâu, giãn cơ hoặc thiền. Bạn có thể thực hiện trước khi kiểm tra tài khoản ngân hàng, trước khi mua sắm món đồ có giá trị lớn hoặc bất cứ khi nào cảm thấy áp lực về tiền bạc.
Hãy áp dụng những phương pháp giúp bạn trấn an bản thân, như hít thở sâu, giãn cơ hoặc thiền (Ảnh: iStock)
6. Trao đổi với chuyên gia trị liệu
Nếu căng thẳng tài chính ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày và bạn cần thêm sự hỗ trợ, đừng ngại chia sẻ với chuyên gia trị liệu (nếu bạn có điều kiện tiếp cận). Trị liệu không chỉ giúp chăm sóc tinh thần mà còn giúp bạn hiểu rõ hơn về mối lo âu về tài chính.
Dù họ không thể đưa ra lời khuyên tài chính, họ có thể giúp bạn vượt qua áp lực và hướng dẫn cách trò chuyện lành mạnh về tiền bạc với người thân, bạn bè hoặc đối tác.