VĂN HÓA

Chạm vào Cao nguyên đá

Khuê Việt Trường • 27-06-2022 • Lượt xem: 1861
Chạm vào Cao nguyên đá

Khi nhắc đến cao nguyên đá Đồng Văn, chắc ai cũng không hình dung nỗi ở cái chốn xa thăm thẳm ở cực Bắc tổ quốc này như thế nào. Mà làm sao hình dung nỗi, dẫu đôi mắt bạn đã ngắm bao nhiêu bầu trời, và dẫu đôi chân bạn đã đi trên bao con đường. Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở độ cao trung bình 1.000 - 1.600m so với mực nước biển, trên diện tích gần 2.356 km2 trải dài qua địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang.


Cảnh sắc Lũng Cú

Cột cờ Lũng Cú

Cuộc hành trình khám phá bắt đầu chính là khi xe rời khỏi thành phố Hà Giang, thoát khỏi quốc lộ số 2 êm ái và bằng phẳng để làm cuộc chinh phục 185 km đường đèo mà bất cứ con đèo nào trên đất nước này cũng không đủ cảnh sắc như ở đây. Có câu nói khi đến Đồng Văn: "Thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày" để khi đi trên con đường vợi vời ấy mới thấm câu nói. Đây này, con đường  có tên là đường "Hạnh phúc" bắt đầu từ cột mốc số 0 từ Hà Giang đi qua Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc dài 185 km là con đường độc đạo, băng qua núi, chúc xuống lũng sâu  bao quanh đất trời mênh mông được thi công bằng sức người.

Bắt đầu từ ngày 10/9/1959 và hoàn thành sau 6 năm vào ngày 10/3/1965 với công sức của hàng vạn đồng bào các dân tộc, thanh niên xung phong để có thể dễ dàng thông thương. Con đường nhỏ chỉ vừa đủ một làn xe, đi rất tốt nhưng vô cùng nguy hiễm vì thế chỉ các tài xế giỏi mới dám đi trên cung đường này. Có đi trên con đường mới thấy tại sao con đường được đặt tên là "Hạnh phúc". Bởi nếu không có con đường thì mọi việc đi lại đều tê liệt, bởi ở đây núi chập chùng, bàn chân người khó vượt qua. Con đường giống như một sợi chỉ bám theo núi, nối bên này qua bên kia - con đường cứ hun hút, không nhà cửa, vực sâu là những thảm đá đen, rất ít cây cối, thỉnh thoảng mới gặp một vài ngôi nhà. Mới bên núi này đã qua núi bên kia, thấy người bên kia đường nhưng muốn tới được cũng hàng chục cây số, nên mới có câu thơ trên.


Cánh đồng Tam giác mạch

Đoạn đường từ Yên Minh đến Đồng Văn, Mèo Vạc đẹp như tranh vẽ. Đá đen bám vào núi, thỉnh thỏang dưới lũng sâu có vài căn nhà, một khoảng đất trồng trồng rau, đường lên núi in dấu chân người. Bởi nhiều người sống len trong núi, và họ tự vạch đường đi. Cảnh tượng nên thơ chúng tôi chạm gặp chính là cung đường từ Đồng Văn đến Trạm dừng chân ngắm nhìn sông Nho Quế.


Người dân ở đèo Mã Pì Lèng

Những đứa trẻ ở Đồng Văn

Những ngôi nhà ở Đồng Văn

Phố cổ ở Đồng Văn

Chợ phiên ở Đồng Văn

Có một trạm dừng chân ngắm núi ngắm sông và bạn có thể đi xuống thuê thuyền dạo trên sông. Đó ngay một vòng cua khá bằng phẳng nhất của ngọn đèo lừng danh Mã Pì Lèng. Chúng tôi bắt gặp dòng sông Nho Quế ôm theo ngọn núi cao, dòng sống nhỏ ấy tận dưới sâu với màu xanh thẳm. Đây là con sông bắt nguồn từ ngọn núi Nghiễm Sơn thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, dài 192km, nhưng chảy vào lãnh thổ Việt Nam chỉ có 46km, sau đó lại chảy ngược về Trung Quốc. Đó là con sông duy nhất trong cuộc hành trình chúng tôi nhìn thấy. Trên cuộc hành trình, chúng tôi thấy những hồ nước nhân tạo dưới các thung lũng. Đây là nơi cung cấp nước sạch cho các cụm dân cư. Thật ra thì dẫu từ trên cao nhìn xuống sông Nho Quế len chảy, và ngước lên nhìn rừng núi mênh mông, đó là cảm xúc.


Sông Nho Quế

Mọi người đều bảo rằng tới Đồng Văn có thể bỏ qua tất cả, nhưng nhất định phải leo lên cột cờ Lũng Cú. Ngay cả khi tôi chuẩn bị khởi hành đi Hà Giang, bạn bè vẫn bảo thế. Và thậy vậy, khi leo lên 389 bậc thang đến cột cờ, rồi tiếp tục đi thêm 140 bậc khác trong lòng cột cờ, để đứng trên độ cao hơn 1600 mét trên đỉnh núi Rồng, ngắm nhìn lá cờ tổ quốc rộng 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em bay trong gió lồng lộng, là một cảm giác chinh phục, một cảm giác tự hào.

Tôi đến Đồng Văn và một đêm mưa. Phố cổ Đồng Văn với những ngôi nhà xây bằng những tảng đá, có bức tường dày tới cả nửa mét ấy không đẹp như trong tưởng tượng, nhưng là con phố đông đúc cho khách phương xa vượt hàng ngàn cây số tìm đến. Những món đồ bày bán khá độc đáo như quần áo màu sặc sỡ của các dân tộc, là hạt giống Tam giác mạch, mua về vì cảm giác hơn là dễ gieo trồng một giống cây. Đồng Văn có chợ phiên ríu rít trong mưa rây rây (bởi miền đất này rỉ rả mưa nhiều hơn nắng). Chen mua mớ ớt rừng, trái nhỏ mà cay xè, người bán mớ dứt khoát không cân ký. Ở chợ phiên ấy là cái hồn của cuộc sống người dân tộc, đôi chân họ lầm lũi đi từu buôn làng cho tới ság để kịp phiên chợ mổi tuần chỉ mở vào ngày chủ nhật.


Một người phụ nữ đi hái củi

Tôi đã đến và cứ nhìn con đường đi trên núi này sang núi khác, hun hút xa, hun hút bóng núi che mờ và mây vờn, mưa nhỏ giọt. Cao nguyên đá Đồng Văn là kiệt tác của sự gọt dũa của thiên nhiên. Nó còn là sự kiên trì của con người bám đất cho cuộc sinh tồn. Tôi đã may mắn hơn nhiều người khác là đã chạm tới Đồng Văn, và tôi đã đi trên con đường "Hạnh phúc".