ĐỜI SỐNG
Chánh niệm: Sống khoẻ là sống trọn từng khoảnh khắc
Hải Ly • 17-11-2024 • Lượt xem: 592

Thực tế, việc để tâm đến những gì đang diễn ra ngay thời điểm hiện tại có vẻ là điều rất khó khăn, vì chúng ta thường dành nhiều thời gian để tưởng tượng đến những viễn cảnh trong tương lai hơn là khoảnh khắc hiện tại. Hoặc, đắm chìm vào quá khứ – những điều chỉ có thể nhớ, chứ không thể thay đổi. Với lối mòn này, chúng ta đang bỏ lỡ những điều quý giá của hiện tại mà ít ai biết.
TÌM ĐẾN CHÁNH NIỆM
Hãy thử thay đổi bản thân để tập trung vào khoảnh khắc hiện tại và nhận ra những giá trị xung quanh mình. Bạn có thể nhận thức những gì xảy ra bên trong nội tâm lẫn xung quanh bạn – đó có thể là những suy nghĩ, cảm xúc, hay những cảm giác và nhiều tác động khác từ môi trường bên ngoài. Việc bạn cần làm là quan sát những khoảnh khắc này mà không có bất kỳ sự phán xét nào. Đây được gọi là chánh niệm.
Để dẫn lối đến chánh niệm, tiến sĩ Eric Loucks, giám đốc của Trung tâm Chánh niệm thuộc Đại học Brown giải thích: “Chúng ta nhìn vào những suy nghĩ và cảm xúc của mình với sự tò mò, nhẹ nhàng và tử tế”.
NGUỒN GỐC CHÁNH NIỆM
Chánh niệm có nguồn gốc từ thiền định Phật giáo. Thiền là một phương pháp nhằm nâng cao nhận thức (hay còn gọi là chánh niệm trong đạo Phật) về tâm trí và sự tập trung.
Những năm gần đây, chánh niệm đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc và sử dụng nhiều trong đời sống. Các chương trình về chánh niệm hiện nay đã phổ rộng khắp các trường học, nơi làm việc và cả bệnh viện.
HIỂU ĐÚNG VỀ CHÁNH NIỆM
Chánh niệm có thể được hiểu là một khoảng thời gian ngồi thiền trong một không gian yên tĩnh. Khi thực hành chánh niệm, bạn phải biết cách tập trung vào hơi thở và cảm giác bên trong cơ thể. Nếu tâm trí bạn lơ đãng, mất tập trung, hãy cố gắng kéo nó về với khoảnh khắc hiện tại.
Đối với một số người bận rộn, luôn tay luôn chân suốt ngày, điều này nghe có vẻ “xa xỉ”. Nhưng thật ra, chánh niệm không nhất thiết phải ngồi một chỗ hay cần không gian tĩnh lặng thì mới tập được. Bạn có thể kết hợp chánh niệm trong khi đang làm những công việc khác mỗi ngày, như đi bộ hoặc đang ăn uống chẳng hạn. Bạn cũng có thể chánh niệm ngay cả khi đang tương tác với một ai đó.
LỢI ÍCH SỨC KHOẺ KHI CHÁNH NIỆM
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tập trung vào hiện tại có thể đem lại nhiều tác động tích cực đến sức khoẻ và duy trì trạng thái hạnh phúc của con người.
Các phương pháp điều trị dựa trên chánh niệm đã được chứng minh có khả năng làm giảm lo âu và trầm cảm. Ngoài ra, chánh niệm có thể làm giảm huyết áp và cải thiện giấc ngủ, nó thậm chí còn khả năng giúp mọi người đương đầu với những cơn đau. “Đối với nhiều bệnh mãn tính, thiền chánh niệm dường như giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như làm giảm các triệu chứng sức khoẻ tâm thần”, tiến sĩ Zev Schuman-Olivier của Đại học Harvard cho biết.
Một trong những liệu pháp đầu tiên dựa trên chánh niệm đã được sử dụng để điều trị chứng trầm cảm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp này quả thật có hiệu quả đối với một số người.
Có thể điều trị chứng trầm cảm bằng chánh niệm theo hai cách. Đầu tiên, chánh niệm giúp bạn luyện tập và phát triển sự an trú ở hiện tại – Tiến sĩ Sona Dimidjian của Đại học Colorado Boulder chia sẻ. Cô nghiên cứu việc sử dụng các phương pháp điều trị dựa trên chánh niệm để ngăn ngừa chứng trầm cảm tái phát, bao gồm những trường hợp phụ nữ mang thai.
Với chứng trầm cảm, “Sự chú ý của bạn có thể bị kéo về quá khứ hoặc tưởng tượng về tương lai”, cô giải thích. Khi đó, bạn sẽ có khuynh hướng dành nhiều thời gian trong ngày để suy nghĩ về những điều tiêu cực đã trải qua trong quá khứ, hoặc lo lắng về một tương lai không may mắn đang tới gần. Điều này thật sự không tốt chút nào.
Thứ hai, chánh niệm có thể giúp bạn thoát khoải những suy nghĩ như vậy. Dimidjian nói: “Giống như việc ngồi trên bờ sông và ngắm nhìn từng dòng suy nghĩ trôi đi như những chiếc lá thả mình trên dòng suối. Mọi người thường nghĩ rằng ‘chẳng có gì hiệu quả với tôi', hoặc ‘mọi thứ sẽ mãi như thế này’. Việt phát triển kỹ năng chánh niệm có thể giúp bạn kìm lại những suy nghĩ tiêu cực và không để dòng nước cuốn nó đi. Dần dần, với sự tu tập hành thiền, bạn có thể tự thoát khỏi những kiểu suy nghĩ đau đớn và tự làm mình tổn thương như vậy”.
Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm hiểu thêm nhiều lợi ích hơn nữa của việc thực hành chánh niệm đối với các tình trạng khác, bao gồm chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), rối loạn ăn uống và nghiện ngập.
Tiến sĩ Schuman-Olivier đang xem xét liệu chánh niệm có thể giúp làm giảm lo lâu ở những người đang điều trị bằng Opioid (nhóm thuốc giảm đau bao gồm các loại thuốc phiện (opiat), các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện, bao gồm cả morphin) được hay không. Nếu khả thi, điều này có thể ngăn chặn các chứng rối loạn tái phát.
CHÁNH NIỆM PHÁT TRIỂN THÓI QUEN LÀNH MẠNH
Luyện tập chánh niệm cũng giúp bạn có những lựa chọn tốt cho sức khoẻ hơn. Nhóm của Loucks tại Đại học Brown đã tạo ra một chương trình chánh niệm trong 8 tuần, dành cho những người bị huyết áp cao. Họ muốn nghiên cứu xem chương trình này có làm tăng nhận thức của mọi người về thói quen lành mạnh của họ hay không, bao gồm cả thói quen ăn uống. Và nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tham gia đã chọn chế độ ăn uống lành mạnh hơn sau khi tham gia khoá chánh niệm.
Từ đó cho thấy, bạn cũng có thể mang chánh niệm vào thói quen ăn uống của mình. Các nghiên cứu cho thấy chánh niệm có thể giúp giảm tình trạng ăn uống vô độ và ăn uống theo cảm xúc. Việc chú ý nhiều hơn đến cơ thể sẽ giúp bạn phát hiện ra các tín hiệu báo rằng bạn đã no và giúp bạn tận hưởng trọn vẹn hơn khi ăn uống.
Nhận thức về cơ thể dường như là một phần của chánh niệm nhằm giúp bạn hiểu và áp dụng những thói quen lành mạnh hơn. Loucks giải thích rằng nếu bạn ăn một cái bánh rán nhân mứt, bạn có thể nhận ra triệu chứng hạ đường huyết cực kỳ khó chịu. Việc để ý và ghi nhớ điều này có thể giúp bạn đưa ra những lựa chọn thực phẩm tốt hơn trong tương lai.
Điều này cũng đúng với những cảm xúc tích cực. Loucks nói: “Với những hoạt động thể chất, hầu như mọi người đều thấy khoẻ hơn sau khi hoạt động. Vì vậy, với việc rèn luyện chánh niệm, chúng ta sẽ nhận thức được rằng hoạt động thể chất giúp cải thiện tâm trạng. Tâm trạng tốt hơn hay sức khoẻ cải thiện hơn quả là một món quà tuyệt vời của chánh niệm phải không nào!”.
HỌC CÁCH CHÁNH NIỆM
Nếu bạn muốn thực hành chánh niệm thì có rất nhiều chương trình hoặc ứng dụng trực tuyến mà bạn có thể tham khảo. Nhưng không phải tất cả đều có nội dung luyện tập giống nhau. Các chuyên gia tư vấn rằng bạn nên tìm kiếm các nguồn uy tín hoặc có dữ liệu được nghiên cứu từ các trường đại học y, đồng thời kiểm tra nhiều chiều để đảm bảo tính khả dụng của nó.
“Tuy nhiên, nếu bạn gặp khó khăn khi luyện tập theo ứng dụng, đừng nghĩ do bản thân có vấn đề hoặc bạn không phù hợp với chánh niệm, hoặc ứng dụng đó không phù hợp với bạn”, Schuman-Olivier chia sẻ. Thay vì nhanh chóng từ bỏ, bạn có thể thử tham gia các lớp chánh niệm bên ngoài, nơi mà bạn có thể trao đổi và nhận hướng dẫn trực tiếp từ giáo viên trong quá trình luyện tập chánh niệm.
Và giống như bất kỳ kỹ năng nào, chánh niệm cần phải thực hành từng ngày. Dimidjian nói: “Một điều gì đó đơn giản không đồng nghĩa rằng nó dễ dàng”.
THIỀN BUÔNG THƯ
Thiền buông thư (thiền quét cơ thể) có thể là một cách tốt để kết nối với cơ thể của bạn. Nó giúp bạn nhận thức được những gì mà cơ thể bạn đang cảm nhận khi bạn đưa tâm trí len lỏi mọi ngóc ngách cơ thể.
Luyện tập Thiền buông thư
Hãy bắt đầu với tư thế bạn thấy thoải mái nhất. Mắt nhắm lại. Hít thở sâu vài lần. Sau đó, chú ý đến bàn chân bạn và từ từ cảm nhận chúng.
Tiếp đến, di chuyển sự tác ý của tâm thức đến các bộ phận khác trên cơ thể – chân, bụng, cánh tay, bàn tay, cổ, và cuối cùng là đầu. Tập trung vào từng bộ phận và cảm nhận sự dễ chịu hoặc khó chịu của chúng khi bạn “quét” qua. Cố gắng đừng phá vỡ chánh niệm khi bạn cảm nhận được bất kỳ cảm giác khác lạ nào.
Việc thực hiện thiền buông thư – quét cơ thể thường xuyên như vậy giúp bạn tăng cường chánh niệm, từ đó cải thiện sức khoẻ tinh thần tổng thể của bạn.
LỜI CUỐI
Rèn luyện tinh thần có thể mất nhiều thời gian và tâm huyết hơn những gì bạn nghĩ. Nhưng đừng bỏ cuộc. Hãy dành ra vài phút chánh niệm mỗi ngày để nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân nhé!