VĂN HÓA

Chào đón năm mới, Trung tâm lưu trữ Quốc Gia II tái hiện Nam Bộ xưa và nay cùng Dấu ấn Sài Gòn

Nguyệt Minh • 30-01-2021 • Lượt xem: 695
Chào đón năm mới, Trung tâm lưu trữ Quốc Gia II tái hiện Nam Bộ xưa và nay cùng Dấu ấn Sài Gòn

Trung tâm lưu trữ Quốc Gia II là nơi lưu trữ những tài liệu về văn hóa, lịch sử Sài Gòn, tập trung nhất là từ năm 1945 đến nay.

Vào dịp 30/4 với chủ đề Thống Nhất Non Sông, cùng Duyên dáng Việt Nam, trung tâm đã có những triển lãm về các thời kỳ dựng nước và giữ nước của Sài Gòn. Khi những ngày Tết cổ truyền đang đến gần, cùng “Dấu ấn Sài Gòn”, cũng tại địa chỉ quen thuộc của Trung tâm tại số 2 Lê Duẩn, Q.1, TP. HCM, những quang cảnh truyền thống trong Nếp nhà xưa của người Việt được tái hiện.

Trung tâm lưu trữ Quốc gia II mở ra tọa đàm kết nối và triển lãm cùng nhóm bạn trẻ “Dấu ấn Sài Gòn” với chủ đề xoay quanh những câu chuyện văn hóa, di sản: Tết Sài Gòn.

Sự kiện văn hóa – lịch sử này đã nhanh chóng thu hút rất nhiều người tham gia và theo dõi. Một trong những lý do khiến Tết Sài Gòn tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II rôm rả, sôi nổi chính là bởi nhiều “hạng mục” ý nghĩa được BTC đóng góp trong chương trình như: Triển lãm tự do tham quan và về Gia Định – Sài Gòn, Nếp nhà Nam Kỳ, Y phục, Trang phục cổ, Tranh kiếng Nam Bộ, Gốm. Gây thích thú tò mò khi có sự xuất hiện của đoàn Lân Long Việt, khơi mở ra những câu chuyện, giai thoại nhiều màu sắc lễ hội tín ngưỡng về múa lân…

Cũng tại sự kiện này, trong quá trình tham quan triển lãm sẽ có các bạn của Dấu Ấn Sài Gòn & Đại Nam Hội Quán thay nhau chia sẻ về các hiện vật, bộ sưu tập cá nhân cũng như mỗi gian triển lãm riêng cũng sẽ có người thuyết minh.

Có thể nói sự kiện độc đáo này mang đậm tính chất về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng khi nhiều nhà văn hóa, nhà nghiên cứu cũng như những diễn giả, khách mời cùng mang tới những sự lý giải, thuyết minh thú vị về nhiều nét đẹp truyền thống liên quan tới Tết Việt xưa, đặc biệt là Tết Sài Gòn xưa trong những biến đổi của Tết Sài Gòn nay.

Tọa đàm về Tết Nam Kỳ, đây là một sự chuẩn bị kỹ lưỡng hàng tháng trời để dành cho một ngày tết thật trọn vẹn, xin được gói lại trong hơn một tiếng đồng hồ bằng những cuộc nói chuyện thân tình, ly trà ngào ngạt hương thơm theo làn khói, miếng mứt, miếng trầu; để mà kể chuyện nghe chơi.

Sự khác biệt của Tết ở Miền Nam so với những nơi khác và nhứt là sự biến chuyển từ một cái Tết Truyền thống sang một cái Tết hiện đại như ngày nay như thế nào, sự mất dần của chùm pháo, đĩa ngũ quả xưa… Trung tâm lưu trữ Quốc gia II cùng nhiều diễn giả mong muốn giải thích phần nào sự khúc mắc của những bạn muốn hiểu hơn về văn hóa, phong tục xưa.

Ngoài chủ đề múa lân được chia sẻ sâu sắc, thấu đáo mở ra cho người nghe nhiều kiến thức cặn kẽ thì chia sẻ về chủ đề Gốm Cây Mai cũng rất thú vị. Trong dòng chảy lịch sử mỹ thuật Nam bộ, gốm - một thành tố mỹ thuật đặc sắc trứ danh vùng Đề Ngạn - Mai Sơn đã để lại nhiều thành tựu độc đáo trong tạo hình và màu men mà khi nhắc đến ai yêu thích loại hình này cũng đều có thể tấm tắc khen ngợi đích thị gốm Cây Mai. Đến với talkshow lần này, những tài liệu và phân tích lần đầu tiên được công bố đến quý vị những thông tin hữu ích để chúng ta có cái nhìn chuyên sâu hơn về dòng gốm Cây Mai đã chinh phục những nhà sưu tập như thế nào và giá trị của chúng trong việc nghiên cứu mỹ thuật và kiến trúc di sản đô thị Chợ Lớn - Sài Gòn xưa.

Khép lại chương trình cùng buổi trò chuyện của tác giả Phúc Tiến với không gian ấm cúng, ôn lại chuyện xưa nếp cũ của người Sài Gòn trong những ngày gần Tết. Lắng nghe âm thanh du dương của những bản nhạc xưa, hòa mình vào một không gian lắng đọng. 

Nét riêng thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng chính là sự xuất hiện của nhóm “Dấu ấn Sài Gòn” dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II. Đơn vị này đã hỗ trợ tổ chức chương trình “Tết Sài Gòn” tại khuôn viên bên trong tòa nhà Lưu trữ. Cả nhóm đều rất phấn khởi cho biết: “Việc được Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II ủng hộ tổ chức chương trình là một điều thành công đối với nhóm chúng tôi. Đây là một dịp đánh dấu sự mở đầu cho liên kết giữa một cơ quan nhà nước và "những người bạn lưu trữ", cùng kết hợp tạo ra một một sân chơi, mở rộng cánh cửa tài liệu đến với mọi người cùng có cơ hội tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Đặc biệt khi kêu gọi các gian triển lãm cùng tham gia, thì chúng tôi đã được sự hưởng ứng từ các nhóm mang phong vị đậm chất Việt”.

Nhóm còn cho biết thêm, Tết ở TP. HCM không chỉ là Tết của người Việt, mà còn có sự góp mặt của nhiều dân tộc như Hoa, Ấn…, đặc biệt một bộ phận không nhỏ người Việt gốc Hoa tại khu vực Chợ Lớn với các hoạt động trước, trong và sau Tết giúp tạo nên sự thú vị của Tết Sài Gòn xưa và nay. “Nhóm mình còn được sự ủng hộ nhiệt tình của đoàn Lân Sư Rồng Long Việt, một đoàn lân nhân nghĩa chuyên giúp đỡ các bạn trẻ cơ nhỡ khó khăn tại khu vực Quận 8, đã đồng ý hỗ trợ trong tiết mục múa lân và góp vui 2 con lân quý giá, mới nhất của đoàn vào buổi triển lãm”, một thành viên của nhóm chia sẻ cùng DDVN.

Mời bạn cùng xem qua những hình ảnh đa sắc, độc đáo, đậm không khí Xuân tại sự kiện đang diễn ra tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II: