VĂN HÓA

Chỉ thay đổi một điều: Hướng dẫn học sinh cách đặt những câu hỏi của chính mình

Ly Ly • 11-05-2023 • Lượt xem: 3290
Chỉ thay đổi một điều: Hướng dẫn học sinh cách đặt những câu hỏi của chính mình

Đây là một cuốn sách giáo dục với triết lý rõ nét và hướng dẫn cụ thể. Tác giả: Dan Rothstein và Luz Santana. Dịch giả: Hoàng Anh Đức. Các tác giả của Chỉ thay đổi một điều cho rằng việc tạo ra những câu hỏi của chính bản thân chúng ta là “kỹ năng cơ bản quan trọng nhất” cần có trong việc học tập – và nó cần được dạy cho tất cả học sinh.

Họ cũng cho rằng nó cần phải được dạy theo cách đơn giản nhất có thể. Dựa trên hai mươi năm kinh nghiệm thực hành, các tác giả đã giới thiệu Kỹ thuật Khởi tạo Câu hỏi QFT, một tiến trình cô đọng và mạnh mẽ, giúp học sinh có thể tạo ra những câu hỏi của chính các em, cải thiện chúng, và thiết lập các chiến lược để sử dụng chúng.

Chỉ thay đổi một điều cũng giới thiệu những tiếng nói, kinh nghiệm của các giáo viên đứng lớp trên khắp Hoa Kỳ để minh họa cho việc áp dụng Kỹ thuật Khởi tạo Câu hỏi vào các lớp học, môn học khác nhau, với học sinh ở những độ tuổi khác nhau.

“Thay vì hoang mang, bối rối hay chán nản với khẩu hiệu ‘lấy học sinh làm trung tâm’ (mà không biết là trung tâm của cái gì), thì Kỹ thuật Khởi tạo Câu hỏi QFT cho phép chúng ta đưa học trò thành trung tâm của quá trình học tập, làm chủ quá trình học tập của chính các em…

Kỹ thuật Khởi tạo Câu hỏi (QFT) là một phương pháp tiếp cận đơn giản nhưng chặt chẽ. Từng bước của tiến trình này được thiết kế để giúp học sinh tạo ra, cải thiện, và hình thành các chiến lược sử dụng các câu hỏi của chính các em. Kỹ thuật QFT cho phép học sinh luyện tập ba năng lực tư duy trong một tiến trình: tư duy phân nhánh, tư duy hội tụ, và siêu nhận thức. Kỹ thuật QFT giúp học sinh trở thành những người học tò mò và gắn kết hơn - bởi khi học sinh đặt những câu hỏi, các em tránh được những quãng đường vòng, tiến vào một con đường tắt để đến với tiến trình học tập sâu hơn.

Rất mạch lạc, không tốn kém, không hoa mỹ, kỹ thuật QFT giúp chúng ta trao quyền làm chủ quá trình học tập cho học trò, cho phép chúng ta lùi lại – không phải để không làm gì, mà để tiến hành những quan sát tổng quan và kỹ lưỡng hơn về quá trình học tập của học trò – để chúng ta hiểu các em hơn, và có thể đưa ra những hỗ trợ cần thiết mà không tước mất quyền được tư duy của các em.” (Hoàng Anh Đức - CEO - Trung tâm NC&PT Giáo dục EdLab Asia).

“Chỉ thay đổi một điều nghe chừng đơn giản nhưng thực sự không dễ dàng, bởi nó yêu cầu những nhà sư phạm điều chỉnh cách đặt câu hỏi trên lớp và trao quyền đặt câu hỏi cho học sinh. Chúng ta hãy hình dung như thế này: nhớ lại một buổi tối đi cắm trại cùng với một đứa trẻ, nhìn lên bầu trời đầy sao và chúng ta bình luận ‘Hôm nay nhiều sao quá’, và nhớ lại một loạt những câu hỏi mà đứa trẻ đó đặt ra, cho đến khi chúng ta kiệt sức và bắt nó đi ngủ – đó là ‘một thay đổi’ sẽ biến lớp học không chỉ là nơi học sinh tiếp thu những kiến thức mới mà ngay cả những thầy cô giáo cũng có thể học được một điều gì đó từ học sinh”. (Đàm Bích Thủy - Chủ tịch Sáng lập Trường Đại học Fulbright Việt Nam).

Theo ông Wendy D. Puriefoy - Chủ tịch Mạng lưới Giáo dục công Hoa Kỳ, cho biết: “Các ví dụ trong Chỉ thay đổi một điều có thể giúp chúng ta hiểu cách mà các trường học có thể cải thiện kết quả học tập của học sinh, thiết lập những mối quan hệ mới giữa học trò và giáo viên, và mở ra  những không gian cho các cuộc hội thoại và sự tìm tòi. Nó có thể đem lại cho chúng ta một hi vọng rằng những gì diễn ra trong lớp học, nơi mà học sinh học cách đặt câu hỏi, sẽ thực sự là những viên gạch nền tảng để tạo nên những mối quan hệ hiệu quả đem lại lợi ích cho cả xã  hội và nền dân trị Hoa Kỳ.

Có một vài lý do để đọc cuốn sách này. Thứ nhất, nó truyền cảm hứng mạnh mẽ cho hi vọng – một điều vô cùng cần thiết trong thế giới mà chúng ta phải đối mặt với quá nhiều thách thức. Hi vọng chính là điều khiến chúng ta luôn tìm cách giải quyết những thách thức này, để đem lại hòa bình, hoặc chấm dứt đói nghèo đang kìm kẹp thế giới. Chúng tôi hi vọng sẽ tìm thấy một con đường mới, một cách khác để  giải quyết vấn đề, giống như một Hành lang Tây Bắc trong thương mại quốc tế. Tôi xin khẳng định rằng niềm hi vọng sẽ nảy nở trong tâm trí và sẽ lớn dần lên qua những cuộc trò chuyện ân cần với bản thân và với những người khác. Và, điều đó đôi khi lại khởi nguồn từ việc tìm ra những câu hỏi mà chúng ta cần hỏi. Do đó, cuốn sách này đem lại cho chúng ta một cách không chỉ để học sinh học cách đặt câu hỏi, mà  còn mang lại hi vọng và sức mạnh để tiến lên phía trước, trong nỗ lực  cải tổ để giáo dục trở nên tốt hơn cho tất cả mọi học sinh. Tất cả học sinh đều sẽ được hưởng lợi, kể cả những học sinh vốn đã xuất sắc với  việc trả lời những câu hỏi nhưng lại chẳng mấy khi đưa ra các câu hỏi.”