Hàng trăm cổ vật từ thời vua Khải Định như những ấn kiếm, kim sách, kim bảo đã được Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế “trình làng” trước công chúng. Buổi trưng bày thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và khách du lịch.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (địa chỉ số 3 Lê Trực, TP.Huế) đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày với chủ đề “Từ Musée Khải Định đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế” vào chiều tối 24/8. Hoạt động này được tổ chức nhân dịp Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế chính thức hình thành và phát triển được 100 năm.
Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, tại chỉ dụ cho phép xây dựng Musée Khải Định, vua Khải Định đã viết: “Đất nước của trẫm đã nhận được từ các thế hệ đi trước những mẫu vật tuyệt đẹp của nghệ thuật cổ xưa, các mẫu vật này cần được bảo tồn cho việc hình thành, gìn giữ khiếu thẩm mỹ và tinh thần nghệ thuật cho các thế hệ mai sau”.
Được Hoàng đế Khải định với chỉ dụ ngày 17/8/1923 và Nghị định số 1201 của Khâm sứ Trung Kỳ P.Pasquier ký ngày 24/8/1923, Musée Khải Định được thành lập vào năm 1923 với mục đích sưu tập và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, có thể phản ánh đầy đủ đời sống kinh tế, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của nước Đại Nam. Trải qua bao năm tháng, Musée Khải Định đã có nhiều lần đổi tên. Song, trụ sở chính vẫn là điện Long An. Từ năm 2007, nơi này có tên gọi chính thức là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Các nhà nghiên cứu văn hóa cho biết, tòa nhà trưng bày chính của Bảo tàng - điện Long An vốn là một ngôi điện nằm trong cung Bảo Định. Điện Long An được xây dựng dưới thời vua Thiệu Trị, vào năm 1845 và được xem là một trong những cung điện đẹp nhất còn tồn tại cho đến ngày nay. Cung Bảo Định từng bị triệt giải dưới thời vua Thành Thái vì nhiều nguyên do khác nhau. Tuy nhiên, ngôi điện Long An vẫn được giữ lại khá nguyên vẹn.
Hiện tại, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện đang lưu giữ và trưng bày hơn 11.000 hiện vật, đa số đều có xuất xứ từ cung đình triều Nguyễn. Trong số đó, có 8 hiện vật/ bộ hiện vật với 33 hiện vật đơn lẻ được Thủ tướng Chính Phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
Cũng theo ông Trung, để có được Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế như ngày nay, không thể không nhắc tới Hội đô thành Hiếu cổ. Ngày 16/11/1913, Hội Đô thành Hiếu cổ được ra đời dựa trên cở sở đề xuất của linh mục Leopold Cadìere nhằm: “Sưu tầm bảo tồn và truyền đạt những dấu tích xưa về chính trị, tôn giáo, nghệ thuật và văn học châu Âu cũng như bản xứ, liên quan đến Huế và phụ cận”.
Ông Hoàng Việt Trung cũng cho biết thêm, các hội viên Đô thành Hiếu cổ đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm các tác phẩm nghệ thuật để đưa về điện Long An lưu trữ. Nhờ đóng góp của các hội viên mà số cổ vật ngày một tăng lên. Đây cũng là tiền đề giúp Khâm sứ Pasquier tác động với triều đình nhà Nguyễn vào ngày 17/8/1923, để vua Khải Định ký dụ cho phép thành lập một bảo tàng ở Kinh đô Huế, lấy tên là Musée Khải Định.
Năm 2023 là cột mốc quan trọng của Musée Khải Định đánh dấu 100 năm chặng đường hình thành và phát triển của Bảo tàng. Nhân sự kiện quan trọng này, buổi trưng bày đã được tổ chức để giới thiệu tới công chúng 100 hiện vật tiêu biểu thời Khải Định, thuộc bộ sưu tập từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Nhiều loại cổ vật được làm từ những chất liệu quý hiếm với kiểu trang trí và cách tạo hình riêng biệt. Chúng có thể được xem là một báu vật vô giá, không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa nghệ thuật của triều Nguyễn nói riêng, Việt Nam nói chung, mà còn là minh chứng cho tài năng của những nghệ nhân cung đình đất nước ta thời xưa.
Buổi trưng bày nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người dân địa phương, khách du lịch và đặc biệt là các nhà nghiên cứu, những người có niềm say mê với việc tìm hiểu về cổ vật. Đa số khách đến đây đều tỏ ra vô cùng thích thú. Bởi lẽ, không phải lúc nào họ cũng có cơ hội được nhìn ngắm tận mắt những báu vật vô giá, có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa nghệ thuật của cả một thời đại như vật. Được biết, hoạt động này được diễn ra từ ngày 24/8 đến 23/11/2023.