VĂN HÓA

Chiêm ngưỡng tượng đồng độc bản vua An Dương Vương

Khanh Khanh • 22-02-2023 • Lượt xem: 2368
Chiêm ngưỡng tượng đồng độc bản vua An Dương Vương

Vừa qua, Phó Thủ tướng thông qua quyết định công nhận pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương cùng 26 thực thể khác là bảo vật quốc gia. Được biết, tượng đồng là hiện vật độc bản, hiện đang được lưu giữ tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, mang đậm giá trị văn hoá, lịch sử. Theo đó, đây cũng là nơi duy nhất thờ An Dương Vương tại Việt Nam từ trước cho đến hiện tại.  

Nghệ thuật đúc đồng truyền thống

Thông tin ghi nhận, tượng đồng độc bản có niên đại từ thế kỷ XIX, cụ thể là vào năm 1893. Khi ấy, trong lúc đang thực hiện công việc trùng tu đền Thượng Cổ Loa, người dân địa phương đã đào được một kho đồng. Tin tưởng rằng đó là kho đồng thiêng do vua để lại, các bậc cao niên tiến hành cho đúc tượng và thực hiện nghi thức thờ cúng, tế lễ. Bức tượng đồng vua An Dương Vương hoàn thành vào năm 1897 với khối lượng 255 kg. 

Với kỹ thuật chế tác chất lượng và tinh xảo, pho tượng được đúc từ hợp kim đồng bằng khuôn sáp (sáp ong), mang thiết kế lòng rỗng, liền khối. Tư thế tượng ngồi trên bệ đầy uy nghi, bệ vệ với phong thái ung dung, hai tay cầm hốt. Đặc biệt, khuôn mặt ngài được chú trọng tạo tác cẩn thận với dáng mặt chữ điền, đôi mắt mở to nhìn thấu mọi việc, soi chiếu và hướng con người đến cái thiện. Điều này nói lên ảnh hưởng của lĩnh vực triết học Phật giáo. Bên cạnh đó, phần mũi đầy, khoé miệng mỉm cười, đỉnh tai cao hơn chân mày. Tất cả toát lên vẻ trí tuệ của một bậc thánh quân cùng nụ cười đầy đức hạnh. 

Phần mũ ngài đội là mũ bình thiên hai cấp được trang trí tỉ mỉ theo lối “lưỡng long chầu nhật", mang ý thế lực tầng trên. Phần sau mũ được hiểu là “rồng chầu mặt trời" hay chính xác hơn là ngụ ý biểu tượng của vương quyền. Còn hoa văn trên long bào lại đa dạng các chủ đề như rồng cuộn, mây hóa, trăng, sao, rồng hóa, chim phượng, chim công, cỏ cây, hoa lá, sóng nước… mang bố cục đăng đối. Thiết kế áo có phần cổ cao, diềm áo dài chảy xuống chạm mũi hài, đai ngọc to bản trễ xuống, mũi hài cong đúc hình hoa cúc mãn khai nổi. 

Dưới bụng, dòng minh văn chữ Hán 聖祖安陽皇帝 "Thánh tổ An Dương Hoàng đế," "Đinh Dậu niên, ngũ nguyệt thập lục nhật chú," (đúc ngày 16 tháng 5 năm Đinh Dậu 1897), "Đồng tượng nhị bách ngũ thập ngũ cân". Xuống phía đầu gối là 4 vòng tròn sắp xếp trên to dưới nhỏ với chữ Á 亞 được đúc nổi theo kiểu triện, thể hiện đây đích là người phò tá cho Phật. 

Giá trị lịch sử dân tộc 

Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa - ông Hoàng Công Huy bày tỏ: “Giá trị của pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương, tại một ngôi đền linh thiêng như đền Thượng, trong Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, phải được tôn vinh xứng đáng, bên cạnh những giá trị nghệ thuật được gửi gắm từ tiền nhân qua pho tượng độc đáo này.”

Không chỉ đơn thuần là một cổ vật mang vẻ đẹp văn hoá truyền thống của người Việt, mà ở đây, tượng đồng độc bản An Dương Vương còn là hiện thân của một vị thần chủ anh minh, lỗi lạc, người đã có công xây dựng và giữ gìn đất nước từ thời xa xưa - nhà nước Âu Lạc (thế kỷ III TCN). Hơn nữa còn khai phá ra nền nông nghiệp lúa nước với nông cụ tân tiến, thành tựu vũ khí quân sự với huyền thoại “nỏ thần". Hơn thế, pho tượng còn mang đậm truyền thống “uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp của người Việt khi gắn liền với lễ hội đền Cổ Loa, lễ hội Bát xã Cổ Loa hằng năm. Từ đó khai phóng bản sắc tinh hoa văn hoá lịch sử nước nhà.