Mấy tuần qua, cộng đồng mạng nổi lên những tranh cãi xung quanh việc ly hôn của một cặp vợ chồng. Trong hôn nhân, có hợp có tan và nếu đến một lúc nào đó hai bên cảm thấy không còn tình cảm cho nhau nữa thì chia tay là giải pháp tốt nhất. Luật Hôn nhân và Gia đình cũng công nhận điều đó.
Quan sát những gì diễn ra từ câu chuyện này, có thể thấy, cộng đồng mạng, đặc biệt giới nữ là bên phản ánh mạnh mẽ nhất, chỉ trích những người trong cuộc, mặc dù, chuyện ly hôn và kết hôn với một người khác cũng là chuyện bình thường. Nhưng bài viết này không phải đề bàn về cái đúng, cái sai của người trong cuộc vì chính họ là những nhân vật chính trong câu chuyện của mình và ai cũng có nhận thức hành vi nên có quyền đưa ra quyết định của mình.
Theo người chồng chia sẻ, việc ly hôn vợ cũ và tái hôn lần nữa vì người vợ mới đã mang lại cho anh ấy những nụ cười và theo cách ví von của anh này là thời gian gặp người vợ mới chỉ có mấy tháng mà anh ta cười nhiều hơn cả cuộc đời mình. Sau thông tin này, nhiều người đã làm một phép tính để chọc quê phát biểu này.
Nhưng khoan hãy cười. Chúng ta có thể dừng lại một chút để ngẫm về thông tin này được không?
Có một thanh niên hỏi một vị thiền sư rằng, tại sao khi yêu nhau, hai người ngồi gần nhau và họ nói rất nhỏ mà vẫn nghe tiếng nhau, còn khi họ giận nhau thì cả hai hét to vào mặt nhau? Nghe xong thiền sư trả lời rằng, lúc mới yêu nhau hai người ấy dùng trái tim để cảm nhận về nhau, còn khi họ giận nhau là lúc cả hai lấy cái tôi để lấn át và họ không còn dùng trái tim để nghe và hiểu nhau nên họ hét rất to vào mặt nhau nhưng cả hai không nghe được nhau.
Một người đàn ông bỏ vợ, bỏ đi nhiều thứ để cưới người vợ mới chỉ vì cô ấy mang lại cho anh ấy tiếng cười. Nghe có vẻ vô lý nhưng đáng để suy ngẫm. Chúng ta, sau những ngày tháng yêu đương thường mang lại tiếng cười cho nhau nhưng khi đã thành vợ, thành chồng cuộc sống bắt đầu đối diện nhiều vấn đề thì giữa người vợ và người chồng lúc này tiếng cười được thay thế bằng sự im lặng, sự càm ràm cùng những lời nói nặng nề cho nhau…. Để một ngày người đàn ông ấy đi tìm một nơi mang lại cho anh ta tiếng cười.
Cười dễ không? Rất dễ vì chúng ta có thể cười bất cứ khi nào nhưng để có một lý do để cười đôi khi đó cả là một nghệ thuật. Nếu đời sống vợ chồng của bạn đã nguội lạnh, tức là trong căn nhà ấy, hàng xóm không còn nghe tiếng cười mà thay vào đó là tiếng quát nạt, tiếng cãi nhau, tiếng đổ vỡ của đồ đạc. Khi việc đó diễn ra thường xuyên, thì mối quan hệ vợ chồng của gia đình ấy đã ở mức báo động đỏ rồi.
Và nếu lâu quá rồi mà bạn chưa thấy người bạn đời của mình cười - có thể đó là một dấu hiệu cho sự nguội lạnh của đời sống gia đình.
Vì thế, là vợ, là chồng, hãy cho nhau tiếng cười. Tuy nhiên, không chỉ có người chồng hay người vợ cần người bạn đời làm cho mình cười mà hầu như tất cả chúng ta đều có cảm tình tốt với những ai làm mình cười, làm cho không khí trong buổi gặp mặt vui vẻ. Bằng chứng là một khảo sát các sinh viên của Trường đại học Bách Khoa TPHCM cho thấy, có rất nhiều yếu tố để sinh viên hứng thú với một môn học, trong đó, có yếu tố “hài hước, vui tính” của người giảng viên đối với sinh viên trong môn học. Làm cho nhau cảm thấy vui vẻ, có thể bật ra nụ cười trong các mối quan hệ là điều mà ai cũng cần nhưng đôi khi chúng ta lại quên đi.