Chùa Cây Mai, hay Mai Khâu tự (chùa Gò Mai), là thắng cảnh nổi tiếng của đất Gia Định xưa, gắn liền với nhóm Bạch Mai thi xã của Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, Hồ Huấn Nghiệp, Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa…
Trong cuốn sách Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs (Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận) xuất bản năm 1885, Trương Vĩnh Ký tiết lộ rằng trước kia chùa Cây Mai có tên gọi là ngôi chùa Cao Miên, “bao quanh bởi các ao hồ, là nơi tổ chức các lễ hội để tôn vinh Đức Phật. Chùa này được trùng tu dưới thời vua Minh Mạng; Nguyễn Tri Phương vào Nam kỳ cùng với Phan Thanh Giản đã góp cho chùa một tầng gác [nhà thủy tạ]. Tên của chùa cũng như của ngọn đồi bắt nguồn từ cây mai, có hoa màu trắng được người Hoa và người An Nam rất quý trọng” (tr.25 - 26).
Trong quyển 2 sách Gia Định thành thông chí (Phạm Hoàng Quân dịch, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2019), Trịnh Hoài Đức cho biết gò Cây Mai (Mai Khâu) cách trấn lị Phiên An 30,5 dặm về phía nam, xưa là nơi tháp Phật chùa Cao Miên, “gò đất nổi cao, nhiều cây nam mai già cỗi [...], giống mai này thụ linh khí mà mọc, không đem trồng nơi khác được” (tr. 71 - 72). “Trên [gò] có chùa Ân Tông, đêm tụng kinh Phật, chiều khua chuông lớn [...]. Suối trong quanh chân gò, buổi chiều mát các cô gái chống xuồng hái sen. Ngày tốt tiết lành, thi sĩ văn nhân quải vò bưng rượu leo từng bậc mà lên, ngâm vịnh dưới hoa nơi đầu gò, câu chữ ngát hương, thật là thắng cảnh cho người du lãm” (tr.72).
Chùa Ân Tông chính là chùa Cây Mai, ở bản đồ Trần Văn Học (1815) in trong cuốn sách Les anciennes Fortifications Citadelles de Saigon (1674 - 1859) (Các thành cổ và công sự cũ ở Sài Gòn 1674 - 1859) của Louis Malleret (Saigon, 1936) có ghi là Cây Mai tự. Miêu tả của Trịnh Hoài Đức cho thấy khu đất gò Cây Mai xưa kia khá rộng và cao, đến đầu thời Pháp thuộc trở thành cơ sở tác chiến của quân Pháp. Khu đất này ngày nay ứng với vị trí doanh trại Quân đội nhân dân Việt Nam ở đường Hồng Bàng (Q.11), vết tích chùa không còn.
Trong Nam kỳ viễn chinh ký 1861 (Thanh Thư dịch, NXB Hồng Đức, 2018), Léopold Pallu cho biết chùa Cây Mai được “dựng trên một gò đất nhân tạo, nội thất tương tự như các chùa khác” (tr.49). Đối diện đồn chùa Cây Mai là đồn cuối của phòng tuyến An Nam với đầm lầy làm chướng ngại bao quanh. Chùa Cây Mai vì thế trở thành “trụ sở tập kết đạn dược cho pháo binh và bộ binh” quân đội viễn chinh (tr.49).
Ở Chợ Lớn, Pháp chiếm giữ chùa Kiểng Phước và Cây Mai làm đồn quân sự đảm bảo phố Tàu luôn nằm trong tầm kiểm soát của họ. Họ bố trí chiến hạm Jajaréo án ngữ lối ra vào trên con kênh vắt ngang Chợ Lớn. Bốn pháo hạm và thuyền buồm đóng trên kênh Tàu Hủ, dòng Rạch Cát và cửa Rạch Bà Hom “giữ vai trò chặn địch quân [An Nam] bên cánh trái và tạo thành hai phòng tuyến cách quãng, vừa hậu thuẫn phòng tuyến chùa, vừa ngăn quân An Nam không sử dụng được đường thủy” (tlđd, tr.52 - 53)
Ngày 19.2.1861, 20 khẩu pháo sáng 125 ly của hải quân và 32 hỏa tiễn đầu đạn đỏ 9 cm của pháo binh lục quân “được bắn đi từ chùa Khải Tường với tầm xa 5 cây số vào doanh trại quân An Nam, mục đích khiến đối phương hoang mang. Ngày 21 và 22.2, quân Pháp bổ sung cho chùa Cây Mai gấp đôi đạn dược cho pháo binh và 50.000 viên đạn cho bộ binh”, Pallu tường thuật.
Trong cuộc tấn công đại đồn Chí Hoà ngày 24 và 25.2.1861, tất cả binh lính liên quân Pháp - Tây Ban Nha tập trung ở phòng tuyến chùa và gần đồn Cây Mai để xuất phát. Lúc 5 giờ sáng 24.2.1861, phó đô đốc Charner dẫn đầu, đứng gần lối ra của đồn Cây Mai, có một biệt đội khinh kỵ nhỏ hộ tống; ngay sau đó là bộ binh Tây Ban Nha và hai đại đội khinh binh…
Trong ngày và đêm 24.2, quân Pháp triển khai ở đồn Cây Mai một bãi tập kết tạm thời, đạn dược được quân Pháp tiếp tế thêm, quân nhu được dỡ xuống từ chiến hạm Rhin và Loire đậu trước mũi Sài Gòn. Binh lính bị thương được khiêng về đồn Cây Mai, sau đó chuyển đến Bệnh viện Chợ Quán.
Trong trận chiến này, quân An Nam dù thua kém về vũ khí so với liên quân nhưng không hề tỏ ra khiếp sợ, họ gây ra nhiều khó khăn lẫn thương vong cho liên quân Pháp - Tây Ban Nha.
Chùa Cây Mai đã góp phần giúp Pháp kiểm soát nền thương mại Chợ Lớn, làm nơi xuất phát và cơ sở tác chiến của liên quân, nơi quan sát phòng tuyến An Nam, nơi thuận lợi để trút đạn về phía đại đồn Chí Hòa, bãi tập kết quân nhu đạn dược, trạm trung chuyển binh lính bị thương về Bệnh viện Chợ Quán... Tất cả cho thấy tầm quan trọng bậc nhất của đồn chùa này.
Từ một danh lam thắng cảnh - nơi gieo nguồn cảm hứng cho các văn nhân thi sĩ, chùa Cây Mai bất đắc dĩ trở thành tiền đồn để quân Pháp đánh chiếm đại đồn Chí Hòa năm 1861, tạo tiền đề cho liên quân Pháp - Tây Ban Nha tiếp tục đánh chiếm các chiến lũy khác của quân An Nam.
Theo Nguyễn Công Diệu - Lê Công Sơn/ Thanhnien.vn