VĂN HÓA

Chữa lành qua 3 cuốn tiểu thuyết nhẹ nhàng

Tuấn Anh • 25-04-2023 • Lượt xem: 1677
Chữa lành qua 3 cuốn tiểu thuyết nhẹ nhàng

Sau đại dịch, một trong những thể loại sách được nhiều người trẻ quan tâm tìm kiếm là các tiểu thuyết chữa lành. Bên cạnh các sách kỹ năng cần cho cuộc sống, thì bằng sự nhẹ nhàng, điềm tĩnh cũng như đồng cảm, dòng sách này đã chiếm được cảm tình từ phía người đọc. Nổi lên ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… giới xuất bản Việt Nam cũng rất nhanh chóng chuyển ngữ một số cuốn sách đình đám đến với bạn đọc.

Tiệm cắt tóc trông về phía biển

Gồm 6 nhân vật ở nhiều độ tuổi, nghề nghiệp, công việc… khác nhau, tập truyện ngắn này mang đến cho ta cơ hội nhìn lại khoảnh khắc mình đã bỏ lỡ. Đó là hai người con trai với bố của mình, người mà bởi vì cảnh huống khác nhau mà đã lìa xa gia đình, từ đó tạo ra khoảng cách không thể kéo gần. Đó cũng là người phụ nữ tìm cách chữa lành qua những chuyến đi, để rồi thấy mình nhỏ bé và vị tha hơn khi trở về nhà…

Nhà văn nổi tiếng Hiroshi Ogiwara trong tác phẩm này cũng đã họa lên cuộc sống vô cùng bận rộn của rất nhiều người trong nhịp hiện đại, từ đó người đọc như thấy đồng cảm với các nhân vật hiện lên ở đây. Ta thấy giữa họ là những hiểu lầm rất khó hòa giải, thế nhưng như một sợi dây gắn kết mỗi con người với vũ trụ này, bởi vì chúng ta đều không hoàn hảo, từ đó ta thêm đồng cảm và thương yêu nhau.

Cũng như khái niệm Kitsungi – thương yêu từ những vết nứt, thông qua tác phẩm, nhà văn Hiroshi Ogiwara cũng cho ta thấy vết thương là một dấu mốc của sự trưởng thành, để ta có thêm nhiều những động lực, từ đó bước tiếp và mạnh mẽ hơn. Vấp ngã tuy sẽ đớn đau, nhưng rồi sẽ qua, và hãy tự tin hướng về phía trước.

Đoạt giải Naoki danh giá lần thứ 155 cũng như đã được chuyển thể thành phim truyền hình, với tác phẩm này, thông qua lời văn giản dị mà đầy chữa lành, mỗi người chúng ta sẽ thấy thân thuộc và muốn lánh mình ở nơi chốn ấy. Bằng những miêu tả sống động cũng như khả năng đi sâu vào trong tâm lý của các nhân vật, Tiệm cắt tóc trông về phía biển là một “nơi chốn” nhẹ nhàng để ta được soi chiếu mình, từ đó trân trọng quá khứ, vững bước tiến lên.

Mũi hoài vọng

Một tách cà phê, khung cảnh núi non, những điệu nhạc dịu… Đó là tất cả những thứ mà một vị khách khi đến quán cà phê do bà Etsuko quản lý thì sẽ nhận được. Nằm bên một mỏm đá cao, cửa tiệm nhỏ ấy không dễ phát hiện, khi chỉ là tấm bảng nhỏ nằm khuất gần phía lối ra của một đường hầm. Do đó khách hàng của nó không phải là những con người bình thường, mà đó là những “trái tim vụn vỡ” – những người lang thang theo kiểu vô định.

Gồm 6 chương sách là 6 câu chuyện của những cá nhân hoàn toàn khác biệt, ở mỗi phần nhỏ, nhà văn Akio Morisawa cũng rất tinh tế khi đặt tựa đề là những bài hát vô cùng nổi tiếng. Từ người đàn ông ghé đến từ cuộc tang lễ của vợ, cho đến chàng thanh niên trẻ không biết mình thuộc về đâu hay sẽ làm gì… Tất cả những con người ấy đều mang trong mình một gánh nặng lớn, gần như không thể chịu đựng thêm chút nào nữa.

Thế nhưng bà Etsuko đã là cứu tinh và là phản ảnh để họ nhìn lại chính mình. Bằng sự bao dung, kiên nhẫn cũng như thỏa lòng lắng nghe hết mọi gánh nặng, người phụ nữ ấy đã trút hết áp lực chỉ bằng hành động cùng nhau sẻ chia. Buồn phiền như một tòa thành, mà khi lời nói đã được thốt ra, thì những nỗi niềm cũng dần vơi bớt, từ đó họ sẽ mạnh mẽ để bước sang chương mới cuộc đời.

Như một câu nói: “Trong cuộc đời mình, con người sẽ đánh mất rất nhiều thứ quý giá, nhưng trái lại cũng sẽ nhận được rất nhiều ‘ân điển diệu kỳ’. Chỉ cần nhận ra điều đó, mọi chuyện còn lại rồi sẽ ổn cả”. Qua Mũi hoài vọng, tác giả Akio Morisawa đã gửi đi một thông điệp vô cùng ý nghĩa, rằng ta hạnh phúc hay là bất hạnh, tất cả đều phụ thuộc vào góc nhìn của mình. Rung động một chút, sống chậm một chút, yêu thương cũng như chia sẻ một chút… khi đó mọi thứ ta nhận và rồi cho đi sẽ thật nhẹ nhàng.

Ngôi nhà trông về phía biển

Bán hơn 180.000 bản tại thị trường Nhật, cuốn tiểu thuyết này của nhà văn Mizuki Harada được viết trải dài từ năm 2017 – 2020, vô tình trùng đúng vào khoảng thời gian có phần đen tối cũng như khó khăn đối với mọi người trong thời đại dịch. Bằng những mảng màu vô cùng tươi đẹp, tác giả đã truyền thêm nguồn năng lượng tích cực cho mỗi người đọc, với sự nhẹ nhàng, đồng cảm, cùng một giọng văn tinh tế như lời thủ thỉ.

Tiểu thuyết xoay quanh Fumiya – một chàng trai trẻ vừa mới tốt nghiệp ra trường, bỗng một ngày nọ nhận được điện thoại bố mình đã mất. Sống cô độc chỉ có một mình bên làng chài ven biển, Fumiya đã trở về đó để nhận lại những gì còn lại của ông, là một căn nhà và chiếc xe hơi màu cam. Liệu cậu sẽ làm gì? Bán chúng đi và tiếp tục trở lại nơi thành phố lớn, hay sẽ ở đó, tiếp nối cuộc đời mà cha mình từng vạch ra?

Với tác phẩm này, nhà văn Muzuki Harada đã rất tinh ý để nắm bắt được nhịp thế sự của nhiều người trẻ. Đó là những người vừa mới ra trường và không thích nghi được với cuộc sống, từ đó chữa lành như dịp xoa dịu hết mọi mâu thuẫn, để con người ta lại được đối mặt cùng với quá khứ, và rồi đưa ra lựa chọn của bản thân mình. Liệu họ dũng cảm sống cuộc đời riêng, hay sẽ mãi là một đám cừu non di chuyển theo bầy, luôn luôn sợ sệt nanh vuốt sắc nhọn của một con cáo rồi sẽ “tìm đến”?

Thông qua hành trình chữa lành của Fumiya, mỗi một người đọc cũng sẽ thấy mình ở đó, với những suy nghĩ và nỗi trăn trở mang mẫu số chung. Ca ngợi những sự tích cực, những mối kết nối giữa người với người, hòa vào thiên nhiên… Ngôi nhà trông về phía biển là một cuốn sách vô cùng tươi đẹp, từ đó ta thêm yêu quý cũng như trân trọng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống này. Đó có thể là những cọng cây, ngọn cỏ, con cá, cây rau… nhưng lớn hơn nữa, đó là khoảnh khắc và những phút giây mà ta được sống, được yêu và được trải lòng.