VĂN HÓA

Chuỗi triển lãm tranh từ vật liệu tái chế

Thảo Trân • 17-07-2024 • Lượt xem: 3275
Chuỗi triển lãm tranh từ vật liệu tái chế

Trao đổi ở buổi triển lãm, Thùy An nói rằng mình sẵn sàng chia sẻ cách thức làm ra tác phẩm đan và mong muốn có thể lan rộng việc ứng dụng vật liệu tái chế lên tranh, tiết kiệm nguyên liệu đầu ra - đầu vào nhưng vẫn tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt, thân thiện với môi trường.

Trần Phương Thùy An là một nghệ sĩ thể nghiệm với các tác phẩm tạo hình từ vật liệu tái chế. Cô tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM chuyên ngành Hội họa. Sau khi tốt nghiệp, An gắn liền với vai trò nghệ sĩ xăm mình.

“Cho đến tận cuối năm 2022, tôi mới trở lại vẽ tranh như có điều gì đó thôi thúc mình. Tình cờ, khi đang thực hành tranh in ở xưởng của một người bạn, trong lúc cân đối hình in và giấy, tôi thấy những mảnh giấy cắt dư không được dùng lại nên nhặt và đan chúng với nhau”, An chia sẻ.

Đến với hai triển lãm gần đây, Thùy An mong muốn tái sử dụng nhiều canvas cũ hơn, tiết kiệm được nguyên vật liệu đầu vào và đầu ra gồm cả châssis (khung căng vải) và khung tranh. Chuỗi ý tưởng của cô đang chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 là tại triển lãm "Tìm một mối dây" của nhóm Gấp Đôi (gồm 7 thành viên) diễn ra vào tháng 10.2023 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM. Thông qua triển lãm này, Thùy An đã giới thiệu các tác phẩm tái chế từ canvas cũ tiêu biểu như: Nếu tôi là một tia sáng, Buổi sáng ở đô thị, Tháng chín nhìn mặt trời buổi chiều.

Ban đầu, Thùy An dùng phương pháp thông thường, bao gồm cắt và đan lại theo cách đan nong mốt: ủi keo ở mặt sau, may bao viền, lồng khung để căng trên châssis không bị chùng xuống. Tuy nhiên, sau những quy trình tỉ mỉ, tác giả nhận ra rằng phương pháp này khá cầu kỳ vì trải qua rất nhiều công đoạn, tốn nhiều thời gian. Đặc biệt, cách này có hạn chế là chỉ tái chế được những loại vải đã sử dụng lớp sơn mỏng và vẫn phải dùng loại khung không thay thế được.

2 trong số những tác phẩm tại triển lãm

Ở giai đoạn 2, ba tác phẩm khác của Thùy An được trưng bày cùng với 40 bức tranh của nhóm 12 họa sĩ mang tên Hội Ngộ ở triển lãm "Nhân Dạng". Đây là nhóm được thành lập bởi các họa sĩ cùng niên khóa 2011 - 2016 của Đại học Mỹ thuật TP.HCM.

Lần này, quy trình đan đã được đơn giản hóa và linh hoạt hơn, tối đa hóa trong việc tái chế lại canvas. Tác giả đã giản lược các chi tiết như may bao viền, không còn cố định vào một khung tranh nhất định giúp cho việc tái chế tối đa canvas cũ. Tuy không may viền xung quanh nhưng việc sử dụng canvas mỏng bọc cho lớp canvas dày làm chúng thêm chắc chắn và cố định hơn. Trong đó, bức bình phong Loan tin mừng có thể nói là tác phẩm nêu rõ việc thực hành sự thay thế của tác giả. Việc thể nghiệm này giúp An tạo một nền tranh hoàn toàn mới với cách vẽ pixel để tôn lên những ô vuông đan từ các mảnh canvas cũ, từ đó giúp cho nền màu cũ không bị che lấp hoàn toàn.

“Vẽ trên một lớp tranh mới trắng tinh là một điều hấp dẫn, nhưng tôi muốn kết hợp với những mảng màu của nền tranh cũ. Thỉnh thoảng tôi giữ lại cả những mảng màu sắc cũ kết hợp với mảng màu mới, tạo thành một tác phẩm mới”, An chia sẻ.

Những ý tưởng về “sự thay thế” trưng bày ở triển lãm gần đây và sau này của An có ảnh hưởng từ chuyến về quê vào Tết 2024. An cho biết: “Khi ở thành thị, chúng ta quá quen với việc một công trình này được thay thế bởi một công trình khác. Rồi khi chúng ta tìm về thiên nhiên yên bình, cư trú và mong chúng không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi quá trình đô thị hóa, nhưng khi diễn ra quá trình thay đổi thì thật khó trở về như cũ! Các tác phẩm tranh hiện tại và định hướng tôi mong muốn là người sở hữu tác phẩm có thể thay đổi tranh theo từng mùa, từng không gian, nhưng vẫn có thể đưa tranh về trạng thái ban đầu bất kỳ khi nào bởi cách sử dụng và bảo quản dễ dàng: tháo sợi dây cột ra khỏi khung, cuộn tranh lại hoặc treo lên, và thay vào một tác phẩm khác thay vì phải thêm một chiếc khung mới cho một bức tranh mới. Điều này có thể giải quyết thêm về vấn đề không gian cất giữ”.

Trao đổi ở buổi triển lãm, Thùy An nói rằng mình sẵn sàng chia sẻ cách thức làm ra tác phẩm đan và mong muốn có thể lan rộng việc ứng dụng vật liệu tái chế lên tranh, tiết kiệm nguyên liệu đầu ra - đầu vào nhưng vẫn tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt, thân thiện với môi trường.