VĂN HÓA

Chuyện ít biết về lăng mộ cựu hoàng Bảo Đại tại Paris

Cẩm Chi • 16-11-2022 • Lượt xem: 2774
Chuyện ít biết về lăng mộ cựu hoàng Bảo Đại tại Paris

Cựu hoàng Bảo Đại tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (1913 - 1997). Ông là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn – vương triều phong kiến Việt Nam sau cùng. Khác với nhiều vị tiên vương được chôn cất tại cố đô Huế, lăng mộ hoàng đế Bảo Đại nằm đơn sơ khiên tốn trong một nghĩa trang tại Paris (Pháp).

Lăng mộ không một tấm bia đề tên

Không rộng lớn như lăng mộ hoàng đế Gia Long, cũng không pha lẫn nét kiến trúc hiện đại như lăng mộ vua cha Khải Định, nơi an nghỉ của cựu hoàng Bảo Đại đã từng cực kỳ nghèo nàn đơn sơ. Công trình nằm sát với những phần mộ khác trong nghĩa trang và chẳng có gì nổi bật để nhận diện. Sự khác biệt duy nhất nếu có là mộ địa thực sự quá đơn sơ. Đơn sơ đến mức nếu không được giới thiệu thì không ai có thể cho rằng đây là nơi an nghỉ của một hoàng đế.

Ngôi mộ hoàng đế Bảo Đại tại nghĩa trang Passy ở Paris nguyên bản được xây dựng

Nghĩa trang này có giá rất đắt đỏ và là nơi chôn cất nhiều người hoặc nổi tiếng hoặc giàu có như: ngôi sao điện ảnh Pháp Fernandel (1903 - 1971), họa sĩ Édouard Manet (1832 - 1883), nhà văn Virgil Gheorghiu (1916 - 1992), tổng Thống Pháp Alexandria Millerand (1859 - 1943)... Và trên thực tế vua Bảo Đại cuối đời không có tiền nên lẽ ra ngài đã không thể chôn cất tại đây. Phần mộ này là một thương gia giàu có ngưỡng mộ nên hiến tặng làm nơi an nghỉ cho cựu hoàng.

Nhờ vậy, vị vua Việt Nam cuối cùng được an táng trong nghĩa trang Passy. Thế nhưng ngôi mộ của người cực kỳ đơn giản chỉ với hai tấm “đan” bê tông và vài chậu hoa đặt ở giữa. Nơi đây không có bia mộ, không có một dòng thông tin gì về chủ nhân. Cũng bởi lẽ đó, sau khi vua Bảo Đại qua đời có nhiều người muốn tới thắp hương viếng mộ nhưng gặp không ít khó khăn. Lăng mộ tồi tàn này tồn tại từ khi vua mất (1997) đến tận năm 2006 thì mới được sửa sang lại khang trang hơn.

Vấn đề không phải là tiền

Sinh thời hoàng đế Bảo Đại có thể không phải là một vị vua xuất sắc thế nhưng ngài được lòng nhiều người. Khi cựu hoàng qua đời, có nhiều bằng hữu lẫn người thân muốn góp tiền để xây dựng lăng mộ cho người. Không chỉ một lần vấn đề trùng tu nơi an nghỉ cho vua được các tổ chức lẫn cá nhân khác nhau khởi xướng. Nhưng tất cả đều bị bác bỏ, bị ngăn trở chỉ bởi một người phụ nữ.

Năm 1971, vua Bảo Đại bắt đầu sống với Monique Baudot, một phụ nữ người Pháp. 

Và đây cũng là người đứng ra ngăn trở hết tất cả những nỗ lực, những đề nghị trùng tu lăng mộ cho hoàng đế Bảo Đại. Tiếc thay, đứng về mặt pháp luật thì bà Monique Baudot có hôn thú và là người vợ hợp pháp sau cùng (khi vua qua đời). Vậy nên theo luật pháp nước Pháp thì chỉ bà Baudot có quyền hợp pháp xử lý các vấn đề liên quan đến lăng mộ chồng. Các tổ chức, cá nhân khác muốn xây dựng, trùng tu lăng mộ vua Bảo Đại phải được bà đồng ý. Đã từng có người lập tấm bia cho lăng mộ nhưng không được sự đồng ý nên đã bị tháo dỡ.

Cũng có nhiều lần các nhà hảo tâm muốn liên hệ bà Baudot về vấn đề trùng tu lăng mộ nhưng tất cả đều không thành công. Vì lý do đó nên lăng mộ cựu hoàng hoang tàn lạnh lẽo mãi từ năm 1997 đến tận năm 2005 thì mới có chuyển biến.

Hoàng tử út xây mộ cho vua cha

Cuộc hôn nhân của cựu hoàng Bảo Đại và bà Monique Baudot trên thực tế không được người thân ủng hộ. Mối quan hệ của vua cha và các con rạn nứt. Và ở chiều hướng ngược lại, bà Baudot cũng không có mối quan hệ tốt đẹp với những người thân thích của chồng mình. Vì vậy nhiều người thân của vua dù đang ở Pháp (hoàng thái tử Bảo Long, thứ phi Mộng Điệp...) nhưng đều không làm sao tu bổ được mộ phần cho cựu hoàng. Mãi đến tận năm 2005, người con trai út của vua Bảo Đại là Nguyễn Phúc Bảo Ân mới đủ điều kiện sang Pháp để liên hệ việc trùng tu ngôi mộ cho vua cha.

Như những người khác, ông Bảo Ân cũng phải liên hệ với bà Baudot để xin phép. Và không biết vì lý do gì nhưng may mắn thay lần này ông đã có được sự đồng ý của bà dù cũng gặp phải nhiều trắc trở.

Ngôi mộ cựu hoàng Bảo Đại được trùng tu vào năm 2006 với đầy đủ thông tin. 

Và thế là sau 9 năm kể từ ngày mất thì vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam cũng có được một ngôi mộ khang trang tươm tất. Tuy không hoành tráng như lăng các vị tiên vương nhưng cũng đầy đủ để các thế hệ sau này tìm đến thắp nén hương tưởng nhớ về tiền nhân.