Trước Giáng sinh năm nay, ban thực hiện chương trình “Âm nhạc Việt Nam những chặng đường” đã có một buổi gặp gỡ chân tình với các anh em nhạc sĩ, ca sĩ, cố vấn nghệ thuật... Tôi may mắn được ê kíp thực hiện chương trình mời làm cố vấn nghệ thuật, và cũng từ chương trình đó, tôi có dịp kết nối với nhiều bạn bè, nảy nở những tình yêu nghệ thuật mới.
Tin, bài liên quan:
Chương trình "Âm nhạc VN, những chặng đường" gặp gỡ cuối năm
Ca sĩ Khánh Loan trở lại đầy phong cách với ‘Tim em vẫn ấm’
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến và liveshow ‘Tiền Duyên’
“Đúng là một năm nhiều áp lực nhưng đã thành công vượt bậc”, như nhạc sĩ Nguyễn Quang, tổng đạo diễn, linh hồn của chương trình chia sẻ. Anh kể lại từ khi bắt đầu “vạch xuất phát” với bài hát Tân nhạc Việt Nam đầu tiên, mọi người đã bị áp lực từ nhiều phía sau mỗi giờ phát sóng. Điều này cũng dễ hiểu vì sự lan tỏa sâu rộng và hấp dẫn của chương trình. Vì độ căng đó nên “không ai biết trước việc gì sẽ đến”! Và thầm hẹn nhau cố gắng đến 100 số sẽ có một buổi liên hoan kỷ niệm.
Các nhạc sĩ Nguyễn Quang, Nguyễn Vũ, Bảo Thu, Đài Phương Trang, Y Vũ, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Huỳnh Hữu Thạnh
Và khi ngồi với nhau chương trình “Âm nhạc Việt Nam những chặng đường” đã vượt qua cột mốc hơn 150 số! Thật là một con số đẹp và ấn tượng.
Cho đến thời điểm đó, tôi với tư cách một nhạc sĩ, nhà báo viết văn hóa nghệ thuật đã may mắn được ê kíp thực hiện chương trình mời làm cố vấn nghệ thuật để có dịp được nói về một số nhạc sĩ tôi có quen biết, một số ca khúc tôi yêu quý, thích nghe nên tìm được nhiều tư liệu. Đó là sáng tác của các nhạc sĩ Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương, Lê Hựu Hà, Trần Hoàn, nhạc trẻ Sài Gòn…
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh và nhạc sĩ Nguyễn Vũ (bìa trái)
Ngoài công việc, tôi cũng xem đây là một vinh dự để giúp bạn yêu nhạc, người thưởng thức tiếp cận được nhiều chiều hơn với các tuyệt phẩm âm nhạc giữa biên giới tâm hồn. Tuy vậy, không phải ca khúc nào chương trình phỏng vấn mình cũng nói được. Ví dụ trong một lần quay, có biên tập viên hỏi tôi về ca khúc “Bài thánh ca buồn” của nhạc sĩ Nguyễn Vũ. Tôi đã nói với em: “Anh có nghe kể nhạc sĩ Nguyễn Vũ còn sống ở Sài Gòn. Có lẽ em nên tìm cách liên lạc để mời ông! Chỉ có tác giả kể về bài hát của mình, tác phẩm của mình là hay nhất! Chính anh cũng luôn thích những gì do chính người sáng tạo nói về thế giới kỳ lạ của họ. Nền móng của mọi tác phẩm…”.
***
Và cũng từ chương trình đó, tôi cũng có dịp kết nối với nhiều bạn bè, nảy nở những tình yêu nghệ thuật mới.
Trở lại đêm gặp gỡ cuối năm, thật bất ngờ tôi được gặp hai nhạc sĩ viết hai bài hát về Noel nổi tiếng nhất đó là nhạc sĩ Nguyễn Vũ với “Bài thánh ca buồn” và nhạc sĩ Đài Phương Trang với “Hai mùa Noel”. Thật vui vì cả hai ông đều còn khá mạnh khỏe, tác phong vui vẻ, nhanh nhẹn. Đặc biệt là nhạc sĩ Nguyễn Vũ với kỷ niệm nhỏ tôi nhắc ở trên.
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ
Tôi rất thích và thường hát ca khúc “Bài thánh ca buồn” từ khi còn nhỏ, tập tành học đàn và ê a nghêu ngao hát. “Bài thánh ca đó còn nhớ không em?/ Noel năm nào chúng mình có nhau/ Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt/ Áo trắng em bay như cánh thiên thần/ Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân”… Những ca từ ngỡ bình dị nhưng thật ra chắt lọc, đầy ám ảnh của bài hát như vượt lên trên không gian, thời gian và thú vị bởi lẽ, bạn có thể quan sát và nhìn thấy trong bất cứ hoàn cảnh nào của đời sống.
“Rồi những đêm thánh đường đón Noel/ Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu/ Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối / Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn/ Ðêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi...”
Chúng tôi cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm. Không khí lành lạnh của những đêm cuối năm thật đặc biệt. Tôi nói với Nguyễn Vũ được gặp ông, tôi rất vui bởi từ nhỏ tôi đã hát bài “Bài thánh ca buồn” của ông. Mà không hiểu sao, thánh ca buồn và chuyện tình đầu thường đi với nhau như một cặp “phạm trù” khó bỏ.
Tôi kể với ông là thật trùng hợp, thời phổ thông tôi có yêu một cô bạn gái cùng lớp, nhà ở trên một con đường nhiều cây phượng xanh biếc, và mỗi khúc quanh ở ngã tư có thể nhìn xuống thấy bờ sông Hàn lộng gió. Đặc biệt hơn, nhà cô bạn tôi lại ở gần nhà thờ Con Gà lớn nhất của Đà Nẵng. Người dân thành phố dù có đạo hay không đạo đều gọi là nhà thờ Con Gà, bởi vì như trong một bài thơ tôi viết về Đà Nẵng, kể lại hồi ức, có ngôi nhà thờ gần nhà người tôi yêu là “Trên tháp cao con gà đợi mặt trời/ Sao không gáy lên mày ngàn năm im hơi…”. Chú gà trống thân thương đó hình như vẫn ẩn hiện, vỗ về trong kỷ niệm, giấc ngủ của người Tourane khi rời thành phố biển tha phương, làm ăn xa…
Từ trái qua: Nhạc sĩ Y Vũ, Nguyễn Vũ, Nguyễn Hữu Hồng Minh và nhà sưu tập Phương Chánh Hùng
Về nhà thờ Con Gà, tên gốc và đúng phải là nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng hay Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong lịch sử được xem là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam. Đây là nhà thờ duy nhất được xây dựng tại khu vực này thời Pháp. Nhà thờ này được khởi công từ tháng 2 năm 1923 trên khoảng đất trống đường Rue du Musée - nay là đường Trần Phú - do linh mục Vallet thiết kế và chủ công xây dựng. Nhà thờ chính tòa Đà Nẵng cũng là một trong những công trình được xây dựng trong thời gian rất ngắn, đến ngày 10 tháng 3 năm 1924 đã làm lễ cung hiến và khánh thành.
Nhà thờ mang phong cách kiến trúc Gothic với những đường nét cao vút, những vòm cửa quả trám. Bên trong nhà thờ có các tranh ảnh và thánh tượng minh họa các sự kiện trong Kinh Thánh theo mô-típ nhà thờ phương Tây. Trên nóc nhà thờ, ở vị trí cột thu lôi có tượng một con gà màu xám làm bằng hợp kim dùng để xác định hướng gió. Vì vậy mà nhà thờ này còn có tên là Nhà thờ Con Gà.
Một góc phố đối diện chợ Hàn gần nhà thờ Con Gà Đà Nẵng
Tuổi thơ của tôi gắn bó nhiều kỷ niệm với nhà thờ này do tôi có một người bạn học tên là Trân có một tiệm giữ xe ở Chợ Hàn. Cả dãy phố sầm uất nhà hộp cao tầng hiện đại vẫn còn sót một căn nhà xây kiểu Pháp cổ rong rêu lụp xụp. Có lẽ gần cả trăm năm. Đó là căn nhà ghi bảng hiệu Hợp Mỹ. Ngày xưa tôi có thời gian giữ xe đạp cùng một thằng bạn tên Trân ở đây. Nó là cháu chắt của nhà này. Trân kể có rắc rối gì đó về giấy tờ kế thừa nên căn nhà không bán được mà cũng không thể sửa chữa được. Tạm thời gia tộc cho giữ xe chờ giải quyết. Gần 40 năm trôi qua rồi vẫn thế! Căn nhà Pháp cổ ấy...
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ (phải) đang trao đổi với các nhạc sĩ về các chủ đề âm nhạc thập niên 1960 - 1970
Nhà thờ Con Gà trên đường Yên Bái, chợ Hàn, người con gái tình yêu học trò đầu đời… Tất cả đã đi vào một ca khúc sáng tác đầu tay của tôi “Kỷ niệm xanh” với những lời ca xanh mãi: “Con đường Yên Bái cây xanh/ Dáng em lên về mỗi chiều/ Nơi nào anh đến anh đi/ Cô đơn một mối tinh si…/ Chuông nhà thờ đổ miên man/ Dối dang tình đã muộn màng…”. Ca khúc đầu tay vụng dại này đã được hát ở nhiều cuộc vui trong sân trường Đại học, nằm trong ký ức tình bạn bè thế hệ chúng tôi.
Còn nhạc sĩ Nguyễn Vũ, với bài hát nổi tiếng hơn nửa thế kỷ “Bài thánh ca buồn” ông đã viết như thế nào, gắn với kỷ niệm nào trong đời? Và người nghệ sĩ đã sáng tác ở đâu?...
(Còn tiếp)