VĂN HÓA

Chuyện tình vượt biên giới về Công nữ Việt lấy chồng Nhật lên truyện tranh

May May • 25-09-2023 • Lượt xem: 1295
Chuyện tình vượt biên giới về Công nữ Việt lấy chồng Nhật lên truyện tranh

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, Nhà xuất bản Kim Đồng đã phối hợp với Nhà xuất bản Kadokawa thực hiện quyển truyện tranh “Công nữ Anio” giới thiệu đến bạn đọc. Đây không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn là cái bắt tay, là minh chứng cho mối thâm tình của hai nước Việt Nam - Nhật Bản. 

Truyện tranh: “Công nữ Anio” kể về câu chuyện tình vượt đại dương của Công nữ Ngọc Hoa (con gái nuôi của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong) và chàng thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro từ cách đây 400 năm lịch sử. Do tác giả viết lời là Koshiya Katsuji và tác giả tranh minh họa là họa sĩ Lưu Đình Thắng. 

Đầu thế kỷ 17, Nhật Bản tiến hành giao thương với nước ngoài bằng thuyền có tên là Châu Ấn, và cảng Nagasaki là cảng duy nhất lúc bấy giờ được cho phép tham gia vào hoạt động giao thương này. Trong đó, thương nhân của Nagasaki là Araki Sotaro rời Nhật Bản, dẫn đầu một đoàn thuyền Châu Ấn đến Hội An (Việt Nam) buôn bán. Araki Sotaro đóng góp vào phát triển quan hệ hai nước và tạo được sự tin tưởng từ Chúa Nguyễn.

Trong một lần dạo chơi, công nữ Ngọc Hoa vô tình gặp gỡ chàng thương nhân người Nhật. Ngay từ lần đầu gặp gỡ, hai người như đã quen từ lâu và hết sức tâm đầu ý hợp. Sau đó, Sotaro quyết chí yết kiến chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên để hỏi cưới người con gái mình đem lòng thương mến. Sotaro nguyện thề với chúa Sãi nhất định sẽ mang lại hạnh phúc cho Ngọc Hoa, dù là khi hai người ở quê nhà của công nữ hay khi đã về Nhật Bản. Cảm mến chàng trai khẳng khái, chúa Sãi ban cho chàng tên tiếng Việt là Nguyễn Thái Lang và gật đầu chấp thuận gả con gái cho chàng.  

Sau lễ rước dâu tại Hội An, công nữ Ngọc Hoa cùng Araki Sotaro lên thuyền đến Nagasaki (Nhật Bản) và tổ chức một lễ cưới linh đình. Tại đây, người con gái Việt Nam thông minh, nhân hậu nhanh chóng hòa nhập, học ngôn ngữ và phong tục Nhật Bản, đồng thời mang đến xứ người một số nét văn hóa Việt Nam. Nàng được người dân Nagasaki yêu mến, tương truyền rằng, khi sinh sống tại Nagasaki, công chúa thường gọi chồng “Anh ơi”, người dân ở đó nghe thành “Anio” và từ đó họ trìu mến gọi nàng là Anio. Tên quyển truyện tranh cũng được lấy từ đó. 

Nội dung quyển truyện tranh dừng lại ở cái kết có hậu khi Công nữ Ngọc Hoa và chồng sinh sống hạnh phúc, được người dân yêu mến, bà cũng là hậu phương vững chắc, đứng phía sau ủng hộ và giúp cho công việc của chồng phát triển. Truyện không đi tiếp một đoạn buồn, khi Nhật Bản bế quan tỏa cảng khiến Công nữ Ngọc Hoa không còn cơ hội về thăm quê hương hay việc người chồng bà qua đời khiến bà mang nhiều buồn phiền.

Cuốn truyện được họa sĩ trẻ Lưu Đình Thắng vẽ minh họa, với những đường nét tươi sáng và tràn đầy sự dễ thương thích hợp cho những độc giả nhí. Bên cạnh đó, hình ảnh trong truyện được thể hiện sinh động, nổi bật nét văn hóa Việt Nam và Nhật Bản, tiêu biểu như: thương cảng Hội An vào thế kỷ XVII, đoàn thuyền Châu Ấn, các thương nhân Nhật Bản , những hình ảnh về trang phục, cách bài trí, món ăn và lễ cưới truyền thống của văn hóa Việt Nam - Nhật Bản được thể hiện rõ nét. 

Nói về cảm nghĩ của mình, tác giả Koshiya Katsuji cũng chia sẻ: “Cho dù Tổ quốc, ngôn ngữ và văn hóa có khác nhau, nhưng nếu chúng ta đối xử với nhau bằng tấm lòng chân thành, chúng ta vẫn có thể trở nên thân thiết và thấu hiểu lẫn nhau. Tôi rất mong độc giả khi đọc cuốn sách này sẽ cảm nhận được phía trước chúng ta là một tương lai tươi sáng, hạnh phúc”.

Cuộc hôn nhân của Công nữ Ngọc Hoa và chàng thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro đã vượt qua khác biệt giai cấp và biên giới quốc gia, như một biểu tượng cho mối bang giao bền chặt giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đến hiện tại, chuyện tình có thật đầy tính nhân văn này đã và đang gợi cảm hứng cho văn học, nghệ thuật.