Một số nghiên cứu từ các chuyên gia tâm lý – dinh dưỡng cho biết, hiện nay phụ huynh thường dùng những đoạn video mang tính chất hù dọa để ép ăn con, điển hình là đoạn clip “cô Trinh dọa ăn” đang làm xôn xao cộng đồng mạng trong nhiều ngày qua đang gián tiếp tác động đến tinh thần trẻ.
Nhiều ngày qua, có một số phụ huynh đang chia sẻ clip “Cách cho trẻ ăn hiệu quả” của TikToker Long Chun và dùng đó để răn đe con trẻ đã không ít đem lại phản ứng trái chiều trong cộng đồng mạng.
Trong clip, Long Chun hóa thân thành cô giáo Trinh, vừa cầm chén, vừa hăm he dọa nạt trẻ ăn cơm bằng những lời như: “ngoan cô Trinh thương, cô Trinh yêu. Hư cô Trinh nuốt chửng”, kèm theo dưới âm điệu rùng rợn và hành động tự đấm vào ngực, biểu cảm tức giận, trợn mắt, gằn giọng… Đoạn clip của TikToker này không những làm cho trẻ con sợ, mà các bậc cha mẹ cảm giác lo lắng, sợ lây.
Clip cô giáo Trinh của TikToker Long Chun nhận nhiều phản ứng trái chiều của phụ huynh
Phỏng vấn chị Hải Hà (Hà Nội) cho biết, bản thân là một người mẹ 2 con và từng bị người lớn đem ông ba bị, kẻ bắt cóc trẻ con ra hù dọa. Chị biết và thấu hiểu cảm giác sợ hãi những nhân vật kinh dị đó ra sao. Do đó, khi nhìn thấy đoạn clip của TikToker Long Chun, chị không đồng tình và vô cùng khó chịu.
Sau những lời chị Hà chia sẻ trên một diễn đàn mạng xã hội, việc đem những hình ảnh, suy nghĩ tiêu cực gieo rắc vào đầu trẻ là không nên, vì chúng sẽ tác động đến não bộ và gây ám ảnh cho trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, chị một mực phản đối với những phụ huynh quay và lưu lại đoạn video của TikToker Long Chun để dọa con và phát tán chúng trên các nền tảng mạng xã hội với những tiêu đề tung hô như “Cô Trinh quyền lực”, “Sợ cô Trinh còn hơn sợ ông Kẹ”,… Mặt khác, chị Hà cảm thấy khó hiểu khi có nhiều cha mẹ tỏ ra thích thú và để lại nhiều lượt bình luận tuyên dương, đồng tình với cách ép ăn con trẻ của Long Chun.
Dọa nạt, biểu cảm hung dữ sẽ khiến trẻ bị tổn thương
Theo Thạc sĩ tâm lý lâm sàng kiêm giám đốc Trung tâm tư vấn và Trị liệu tâm lý SHARE, bà Đoàn Thị Hương nhận định, bất kỳ hành động dọa nạt, ép ăn con nhỏ,… bằng những clip tương tự của TIkToker Long Chun đều mang tính phản giáo dục, gây ám ảnh và sợ hãi, ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ nhỏ.
Bà Hương nói thêm, phần lớn trẻ sẽ sợ hãi, dễ bị kích thích các cơ chế sinh tồn của chúng khi bị cha mẹ hoặc người lớn dọa la. Các cơ chế đó bao gồm: chiến đấu, chạy trốn và tê liệt. Do đó, khi cơ chế sinh tồn của trẻ bị kích động, chúng thường sẽ có xu hướng tức giận, bắt chước sử dụng hành vi bạo lực với bạn bè hoặc trút giận lên đồ dùng, vật nuôi hay thậm chí là phụ huynh và người xung quanh.
Hành động dọa nạt, la mắng của cha mẹ sẽ khiến con trẻ dễ bị tổn thương tâm lý.
Ngoài ra, một số trẻ khi bị kích động sẽ dễ mang tâm lý né tránh, chạy trốn và tiếp xúc với người khác. Ví dụ như chúng sẽ khóc la, nôn mửa để tránh bị ép ăn hoặc thậm chí là nằm vạ khi bị bắt tuân thủ những hành động mà người lớn yêu cầu.
Theo bà Hương, việc ép trẻ ăn ngủ bằng những đoạn video gây sợ sẽ khiến trẻ bị ám ảnh, khóc la khi gợi nhớ những ký ức đáng sợ. Thậm chí, trẻ khi bị răn đe, dọa sợ có thể trở nên tê liệt cảm xúc, dẫn đến mất phản ứng tâm lý.
Cha mẹ cần làm gì để cho con sức khỏe lành mạnh?
Theo ý kiến của Thạc sĩ tâm lý Đoàn Thị Hương, bà cho rằng cha mẹ nên tìm hiểu kỹ và áp dụng những phương pháp khoa học trong việc giáo dục và chăm sóc con nhỏ.
Các bậc cha mẹ hãy tạo nếp giờ, tập cho con nhỏ phản xa có điều kiện và không gian thoải mái trong lúc ăn uống.
Ngoài ra, phụ huynh cần tạo nếp và phản xạ có điều kiện cho con nhỏ, như là cho trẻ tập làm quen với “giờ nào, việc nấy”, không ăn uống khi quá đói hoặc còn no vì sẽ khiến trẻ mất hứng thú, không nhiệt tình, thậm chí phản khác trong việc ăn uống.
Bên cạnh đó, việc tập cho trẻ không xem tivi trong khi dùng bữa cùng gia đình sẽ mang lại cho chúng sự thoải mái, cảm giác ngon miệng, không mất tập trung hay xao nhãng bởi tivi.