VĂN HÓA

Có gì lạ trong 'Truyện Kiều tự kể' của tác giả 9X?

Hà Hoa • 28-11-2020 • Lượt xem: 1453
Có gì lạ trong 'Truyện Kiều tự kể' của tác giả 9X?

Tác phẩm art-book “Truyện Kiều tự kể” – tác giả Cao Nguyệt Nguyên là sáng tạo độc đáo với phần “nhập vai” vào 12 nhân vật trong kiệt tác “Truyện Kiều” của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và phần vẽ tranh chân dung minh họa của 12 họa sĩ trẻ.

Hơn 200 năm qua, “Truyện Kiều” – kiệt tác của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã đi vào lòng bạn đọc nước ta và trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo. Vậy nhưng, đã bao giờ bạn đọc nghĩ rằng các nhân vật trong kiệt tác văn học này là những người như thế nào? Họ nghĩ gì? Muốn gì và sẽ nói gì nếu họ còn tồn tại đến ngày hôm nay? Những câu hỏi này được giải đáp trong art-book “Truyện Kiều tự kể” của tác giả trẻ tuổi Cao Nguyệt nguyên.

Phần “nhập vai” sinh động, độc đáo

Nét độc đáo trong “Truyện Kiều tự kể” đó là tác giả Cao Nguyệt Nguyên đã tự mình “nhập vai” vào 12 nhân vật của “Truyện Kiều” với giọng văn đầy cá tính của một tác giả trẻ. Trong lời giới thiệu về tác phẩm này, NXB Kim Đồng đánh giá tác phẩm có những bộc bạch sắc bén, qua đó tác giả trẻ mang tới cho độc giả những cái nhìn đa diện, độc đáo, hấp dẫn về danh tác này.

Chị chia sẻ: “Vẫn là những Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Thúc Sinh, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến... nhưng tôi muốn các nhân vật cất lên tiếng nói, với nỗi đau và suy tư nội tại”. 

Có thể nói rằng đây là một góc nhìn độc đáo của Cao Nguyệt Nguyên. Từ trước tới nay, chúng ta, những độc giả được đọc, học kiệt tác này đều có những cảm nhận của bản thân. Để rồi biến những cảm nhận ấy thành những bài phân tích, bình giảng nhân vật, hoặc các vấn đề của tác phẩm (giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, vẻ đẹp của Vân – Kiều...). Thế nhưng chưa một ai thử một lần đóng vai vào các nhân vật, để cảm nhận được Thúy Kiều đã đau đớn - đã có những giằng xé trong nội tâm như thế nào; để biết những người em của nàng cảm thấy sao trước cuộc đời 15 năm sóng gió, trầm luân, phiêu bạt của người chị gái tài sắc vẹn toàn; để hiểu nỗi đau của Kim Trọng khi người thương đặt chữ hiếu trên chữ tình; hay để biết, để thấu, để hiểu cảm nhận và suy nghĩ của hệ thống các nhân vật phản diện như Hoạn Thư, Thúc Sinh, Tú Bàp; hay đơn giản hơn là để biết các nhân vật họ nghĩ gì về nhau, nói gì về nhau và biện minh cho những hành động của mình như thế nào.

Cao Nguyệt Nguyên - Tác giả của "Truyện Kiều tự kể"

Với mong muốn để các nhân vật có cơ hội được lên tiếng, được bộc bạch, được tâm sự, Cao Nguyệt Nguyên đã sáng tạo nên “Truyện Kiều tự kể”. Theo chị, trong tác phẩm này, không hiện diện những điều áp đặt hay quy chụp, bởi tác giả chủ yếu tái tạo trên nền văn bản có sẵn. Những nhân vật của Nguyễn Du, bước ra từ “Truyện Kiều” đến với “Truyện Kiều tự kể” là những con người thật, có tính cách chân thực của đời thường, và đặc biệt, họ có những nét tương thích với cuộc sống của xã hội ngày nay: “Cũng yêu ghét rạch ròi, cũng tính toán thiệt hơn, cũng biết khoác lên mình tấm áo đẹp hay những lời nói đẹp phủ lên một tâm tính gai góc”.

Ví dụ như ở trang về Đạm Tiên, Cao Nguyệt Nguyên viết: “Tôi với Vương Thúy Kiều trở thành tri kỷ của nhau từ dạo tiết Thanh Minh nàng đi tảo mộ. Ngay lúc nàng khóc thương cho nấm mồ vô chủ của tôi, tôi đã coi nàng là chị em, mười lăm năm mỗi bước nàng đi tôi đều theo gót”.

Hoặc ở phần về nhân vật Hoạn Thư, mụ đã tự thoại rằng: “Ghen tuông là thói người ta thường tình. Ta đâu ở bên ngoài cái vòng thường tình ấy. Đầu ấp tay gối với nhau, thề thốt lửa ấm hương nồng, thế mà chồng mình nỡ đem lòng thương yêu người khác, đàn bà nào dập được lửa hờn ghen”.

Bằng tài năng của mình, tác giả 9X đã để nhân vật có cơ hội bước từ trang sách đến với đời thực. Và người đọc, lại có được những cách nhìn mới về “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. “Với con mắt của một người viết trẻ, cái nhìn của tôi về nhân vật chắc chắn cá tính, sẽ không khỏi khiến cho những ai vốn đã quen với khuôn mẫu trước kia bất ngờ. Thế nhưng tôi hoàn toàn chấp nhận các thể nghiệm mạo hiểm ấy. Tôi muốn bức tranh Truyện Kiều tự kể đa dạng, đa màu và sống động chân thực”, Cao Nguyệt Nguyên bày tỏ.

Phần vẽ tranh minh họa sáng tạo, lạ mắt

Ngoài phần nội dung độc đáo và cách tiếp cận mới lạ của một tác giả 9X, “Truyện Kiều tự kể” còn đốn tim độc giả bởi những bức tranh vẽ chân dung sinh động, lạ mắt của 12 họa sĩ. Với khả năng sáng tạo vô hạn, độc đáo, mới lạ, các họa sĩ: Hoàng Giang, Thùy Dung, Khang Lê, Vườn Illustration, Lê Đức Hùng, Tuấn Thanh, Nikru, Khoa Lê, Tôn Nữ Thị Bích Trâm, Nguyễn Hoàng Dương, Cù Quyên, KAA Illustration đã mang yếu tố hiện đại vào một tác phẩm cổ điển, tạo cho tác phẩm những bầu không khí khác lạ, tươi mới. Đặc biệt, mỗi bức tranh như một tác phẩm hội họa độc lập, nhưng vẫn liên kết và thể hiện sắc nét nội dung của tác phẩm. Phần kênh hình này cũng rất quan trọng và góp phần tạo nên thành công cho “Truyện Kiều tự kể” của Cao Nguyệt Nguyên.

Sự kết hợp tài tình giữa ngôn ngữ văn chương và tranh ảnh đồ họa, “Truyện Kiều tự kể” của Cao Nguyệt Nguyên không chỉ  mang lại cho người đọc cơ hội được thưởng thức phần nội dung độc đáo mà còn được mãn nhãn bởi những bức tranh tuyệt đẹp. Tác phẩm đang được đánh giá cao trên cộng đồng những người yêu sách, hứa hẹn là cuốn sách mang lại nhiều điều vô cùng hấp dẫn, ngạc nhiên cho độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tác giả Cao Nguyệt Nguyên

Sinh năm 1990 tại Quảng Yên, Quảng Ninh

Tốt nghiệp khoa Văn Học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội

Giải thưởng cuộc thi Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2013 - 2014)

Giải thưởng Văn học Hạ Long (2015 - 2017)

Sách đã in

Trăng màu hổ phách (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2015)

Chuột Chi Hô lên thành phố (NXB Mỹ Thuật, 2016)

A lê hấp - Ké Xanh (NXB Thanh Niên, 2017)

Nguyện của đêm (NXB Trẻ, 2018)