VĂN HÓA

Con voi trong chuyện kể và hoa văn thổ cẩm

Hữu Vi • 12-08-2022 • Lượt xem: 1377
Con voi trong chuyện kể và hoa văn thổ cẩm

Voi là một biểu tượng quan trọng trong Phật Giáo với truyền thuyết kể rằng trước khi hạ sinh Đức Phật, thân mẫu ngài đã nằm mộng thấy voi. Với người Thái thì voi đáng sợ và cũng ít khi làm quản tượng hay những câu chuyện thuần hóa voi như người Tây Nguyên. Thế mà hình ảnh con voi lại khá phổ biến trong văn học, nghệ thuật của người Thái.

 

Người Thái và cả người Tày có truyện cổ tích về nàng tóc thơm. Người Thái ở Con Cuông - Nghệ An kể rằng, người phụ nữ nọ vào rừng uống phải nước đái voi về nhà có mang, sinh ra một bé gái. Bé đêm ngày quấy khóc, bà mẹ bỏ vào rừng để trả lại cho cha cô là voi. Voi dựng chòi cho con gái ở. Lớn lên, cô gái trở nên xinh đẹp, đặc biệt mái tóc tỏa ra mùi thơm quyến rũ. Hàng ngày, voi đi kiếm quả rừng về cho nàng. Mỗi lần rời đi vọi lại gọi: “Nàng tóc thơm, thả tóc cho cha ngửi, cha ngửi rồi cha đi”. Có người thợ săn nhặt được sợi tóc của nàng bay theo gió mà tìm đến tính cưới nàng làm vợ. Nàng bảo cha không cho phép thì không ai cưới tôi về được. Chàng trai rước nàng tóc thơm về dựng căn nhà có hàng rào bằng sắt và vàng. Voi cha tìm đến phá xong lớp rào sắt rồi bất lực dùng ngà tự tử. Cô gái khóc than thương tiếc cha.

Săn voi là truyền thống của nhiều cộng đồng dân tộc Tây Nguyên nhưng lại khá xa lạ với người Thái

Với cộng đồng người Thái ở Nghệ An, chuyện về voi thường dừng lại ở truyền thuyết, cổ tích. Đặc biệt trên hoa văn thổ cẩm. Người Thái rất ưa thích thêu hình voi trên váy truyền thống. Nhưng phổ biến nhất vẫn là trên chăn thổ cẩm. Chăn thêu môt con voi đơn độc.Chăn thêu một cặp voi. Có nơi lại thêu thành những cặp chạy theo chiều dài tấm chăn. Người Thái ở xã Bắc Lý – Kỳ Sơn thì dệt hình voi trên chăn thổi cẩm.

Những thợ dệt ở Bắc Lý – Kỳ Sơn (Nghê An) cho hay họ học cách thêu và dệt hình voi từ người Lào. Điều này cũng dễ hiểu vì văn hóa người Lào vẫn ảnh hưởng khá sâu rộng với cộng đồng thiểu số ở Nghệ An. Trong khi voi hiện vẫn là loài vật thân thuộc đối với người Lào và Thái Lan, hai đất nước có tỷ lệ người theo Phật Giáo rất cao. Mà voi lại là một biểu tượng quen thuộc của tôn giáo này.

Hình ảnh voi trên thổ cầm người Thái

Không chỉ trên hoa văn thổ cẩm, nhiều địa danh của người Thái cũng gắn với những câu chuyện về voi. Ở huyện Quế Phong – Nghệ An có bản Na Chạng (ruộng voi) Quỳ Châu có bản Chạng (bản voi).

Ở huyện Tương Dương và Con Cuông có những địa danh tên là Cặp Chạng (vọi bị mắc kẹt). Người dân xã Chi Khê – Con Cuông có một con dốc mang tên Cạp Xạng (cách phát âm khác của Cặp Chạng) kể rằng, xưa kia có con voi chiến chở theo một vị tướng qua đây và bị mắc kẹt. Người dân phải dung xà beng để cứu nó ra.

Từ những địa danh cho thấy con voi và những địa danh gắn với tên gọi của loài vật này đã rất quen thuộc trong tâm thức cư dân bản địa.