VĂN HÓA
Công chiếu vở kịch "Sài Gòn" của đạo diễn người Pháp tại TP. HCM
Dương • 13-09-2018 • Lượt xem: 746

"Sài Gòn" một vở kịch nổi tiếng và đầy giá trị nhân văn của đạo diễn người Pháp mang dòng máu Việt Nam, sẽ chính thức ra mắt khán giả TP. HCM vào hai ngày 21 và 22/9.
Vở kịch “Sài Gòn” của nữ đạo diễn Caroline Guiela Nguyễn kể lại cuộc đời của những người Pháp cuối cùng rời khỏi Việt Nam vào năm 1956, sau gần 100 năm có mặt tại Việt Nam.
Các diễn viên tham gia vở kịch "Sài Gòn"
Đồng thời, vở kịch cũng không chỉ là cái riêng của Sài Gòn hay là những câu chuyện riêng của cá nhân người Pháp nào. Mà đó chính là cách mô tả sống động và chân thực nhất về bối cảnh trong một thời điểm lịch sử, đã đẩy đưa cuộc đời của những người Việt Nam phải rời Việt Nam vào những năm 1956 của thế kỷ trước để đến Pháp.
“Sài Gòn” chính là tiếng nói của những người trong cuộc, về mối liên quan của những thế hệ người Việt được sinh ra tại Pháp.
Được biết, vở kịch “Sài Gòn” đã gây tiếng vang lớn tại Liên hoan sân khấu quốc tế Avignon lần thứ 71 tại Pháp vào năm 2017 và sau đó được biểu diễn tại nhiều quốc gia khác như Đức, Anh, Thụy Sĩ, Bỉ… và một vài quốc gia châu Á.
Với dàn diễn viên là người Pháp, Việt Nam và người Pháp gốc Việt đã hóa thân vào 11 nhân vật của vở kịch. Có người đã là những nghệ sĩ chuyên nghiệp đến từ đoàn kịch Les Hommes Approximatifs nhưng có người cũng lần đầu tiên tiếp cận với vai diễn, nhưng bằng nỗ lực của mỗi cá nhân trong việc hóa thân vào tính cách của từng nhân vật, đã tạo dấu ấn riêng và sau gần 2 năm công diễn với gần 80 xuất, vở kịch vẫn không ngừng được khán giả chào đón nồng nhiệt nhiều quốc gia trên thế giới.
Với diễn viên Nguyễn Thị Mỵ Châu – người Pháp gốc Việt vào vai bà mẹ tên Linh (1996), đây là vai chính với nhiều mâu thuẫn nội tâm được giằng xé giữa đi - ở và về và cái nhìn khác lạ của những đứa con được sinh ra tại Pháp với cái nhìn không thiện cảm về Việt Nam. “Không tìm được dàn diễn viên Pháp – Việt chuyên nghiệp lại chính là cái may mắn. Vở diễn với nhiều diễn viên không chuyên ở cả Pháp và Việt Nam, trong số họ cũng có người là dân Việt Nam di cư sau chiến tranh, giống nhân vật của vở kịch. Sự hiện diện của diễn viên nghiệp dư khiến cho việc diễn xuất trở nên cực kỳ chân thực.