VĂN HÓA

Công nghệ số và những cơ hội mới cho ngành xuất bản sách

Diễm Chi • 14-07-2023 • Lượt xem: 3348
Công nghệ số và những cơ hội mới cho ngành xuất bản sách

Thay vì mua sách tại các nhà sách, hiện nay, cùng với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội và những sàn thương mại điện tử, các công ty sách đã “chọn mặt gửi vàng” vào những kênh này để thu hút và tiếp cận những đối tượng khách hàng trẻ tuổi. 

Công nghệ số góp phần thay đổi thói quen đọc sách ở giới trẻ

Dưới sự phát triển bùng nổ của hệ thống mạng Internet, khoa học và công nghệ, thói quen của người tiêu dùng Việt Nam cũng có sự thay đổi một cách đáng kể. Một số biểu hiện có thể kể đến như việc thay vì mua hàng tại các cửa hàng truyền thống thì giới trẻ lại có xu hướng thích đặt hàng thông qua các sàn thương mại điện tử hay các trang mạng xã hội có tích hợp chức năng mua sắm.

Trước sự thay đổi nhanh chóng này thì các nhà xuất bản hay các công ty sách cũng phải có cho mình những chính sách điều chỉnh để thích nghi với các xu hướng mới, từ đó tạo nên những cơ hội mới cho con đường tiếp cận văn hóa thông qua những quyển sách.

Từ quần áo đến những đồ vật sinh hoạt hằng ngày, hay thậm chí là những món hàng mắc tiền như điện thoại, tivi hay tủ lạnh đều được giới trẻ lựa chọn phương thức mua hàng trực tuyến bởi sự tiện lợi cũng như nhiều chính sách ưu đãi hậu hĩnh. Và sách cũng không phải là một trong những thị trường ngoại lệ. 

Có thể nói, sách là một trong những phương tiện cung cấp tri thức và là một phần quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam. Bàn về những lợi ích mà sách mang lại, có thể nhận thấy, sách là một trong những yếu tố to lớn góp phần xóa nạn mù chữ, bảo tồn lịch sử, di sản văn học phong phú của nước ta. Là một nhà xuất bản và một nhà văn ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: “Sách không chỉ cung cấp cho ta một nguồn tri thức sâu rộng, mà sách còn là phương tiện kết nối chặt chẽ với lịch sử và truyền thống của chúng ta”.

Thực tế, để nắm bắt nội dung một cuốn sách, hành trình của nhiều người sẽ diễn ra dưới dạng theo thứ tự là xem review về cuốn sách đó trên các trang mạng xã hội, sau đó đến các nhà sách để xem văn phong của một cuốn sách liệu có phù hợp với bản thân, đánh giá chất lượng sách và cuối cùng là về nhà đặt mua trực tuyến. Có thể nói, nhờ vào các đặc điểm về thói quen này, các nhà xuất bản và công ty sách nhìn thấy được tiềm năng của các kênh bán hàng online, từ đó đầu tư để thu hút và hấp dẫn các đối tượng độc giả, đặc biệt là giới trẻ.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: “Hiện nay, con đường dẫn đến văn hóa đọc rất da dạng, thói quen đọc sách của độc giả cũng có sự thay đổi đáng kể, theo số liệu thống kê cho biết trung bình mỗi người dân Việt Nam dành 2,5 tiếng mỗi ngày để lướt Web. Chính vì thế, người đọc đang đọc nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ. Không phải chúng ta đang dần rời xa văn hoá đọc mà chỉ là chúng ta chưa thật sự có cái nhìn toàn cảnh.”

Thương mại điện tử - Từ rào cản đến động lực phát triển

Có thể nói, ở giai đoạn đầu, để nắm bắt các xu hướng mới cùng với sự thay đổi về thói quen đọc sách một cách đáng kể cũng tạo ra nhiều rào cản để các nhà xuất bản và các công ty sách có thể thích nghi. Có thể ghi nhận rằng sự phát triển vượt bậc về các thành tựu khoa học công nghệ đã tác động một cách mạnh mẽ đến ngành xuất bản ở Việt Nam. 

Để cung cấp mức giá chiết khấu cao cũng như các chương trình ưu đãi “khủng” để quảng bá hình ảnh, tăng độ nhận diện với độc giả trên môi trường trực tuyến, các đơn vị phát hành sách phải chấp nhận chịu lỗ ở một số đầu sách, sau đó sẽ sử dụng các phần lợi nhuận khác để bù vào, bà Đào Phương Thu chia sẻ.

Bà Đào Phương Thu cho biết thêm rằng: “Để tạo một chương trình khuyến mại trên các sàn thương mại điện tử, nếu bên họ chịu lỗ từ 80 - 90% thì doanh nghiệp của mình cũng phải chịu 50-60%. Sự kết hợp giữa hai bên sẽ góp phần thúc đẩy mua hàng, từ đó tăng doanh thu, doanh nghiệp sẽ lấy số lượng bù cho chất lượng, lãi tuy không nhiều nhưng nếu nhân với một số lượng lớn thì doanh thu thu về cũng ở mức ổn”.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Books, cho biết, ở thời điểm hiện tại, các sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội tích hợp như TikTok là một trong những kênh bán hàng tiềm năng. Chỉ trong vòng 6 tháng từ khi gia nhập Tik Tok Shop, ông đã nhìn thấy doanh số bán hàng tăng trưởng một cách bất ngờ. Có thể nói, các kênh trực tuyến này đã tạo ra một sân chơi tiềm năng không chỉ cho các các nhà xuất bản và các công ty sách lớn và nhỏ trên thị trường.

Bên cạnh các kênh bán hàng trực tuyến, các công ty cũng như các nhà xuất bản sách có thể tiếp cận với độc giả thông qua những chủ đề mà họ quan tâm.

Có thể nhận thấy, các đầu sách liên quan đến văn hóa, giải trí, tiểu thuyết hay ngôn tình sẽ tiếp tục tiếp dẫn đầu xu hướng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của xã hội và kinh tế, giới trẻ càng phải đối mặt với nhiều thứ, hơn hết là những trách nhiệm mà họ gánh trên vai, khiến họ thường cảm thấy căng thẳng hay lo âu quá mức. Chính vì vậy, các dòng sách thuộc thể loại chữa lành cũng ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm. Những cuốn sách về kỹ năng và những câu chuyện truyền cảm hứng cũng được giới trẻ săn lùng.

Nhìn chung, các kênh bán hàng trực tuyến đem lại tiềm năng to lớn cho các công ty và nhà xuất bản sách. Nếu biết vận dụng và tiếp cận vào đúng nhu cầu những gì độc giả cần, quyển sách sẽ ngày càng được nhiều người biết đến.