VĂN HÓA

Cụ bà dành 50 năm gom nhặt đồ cũ và mở triển lãm ở New York

Thúy Vy • 09-09-2022 • Lượt xem: 1836
Cụ bà dành 50 năm gom nhặt đồ cũ và mở triển lãm ở New York

Thói quen cất trữ những đồ vật không dùng đến của ông bà đã không còn xa lạ đối với các gia đình. Ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc có một cụ bà thích gom nhặt đồ đạc cũ, sau 50 năm mở triển lãm khiến cộng đồng mạng vô cùng ngưỡng mộ.

Ở thế hệ trước, khi mà cuộc sống còn quá khó khăn và thiếu thốn vật chất đã khiến nhiều người cao tuổi không nỡ vứt bỏ đồ đạc. Một số người cao tuổi vẫn còn giữ những món đồ không còn dùng tới như phiếu nhận thực phẩm ở thời kỳ bao cấp, đĩa đồng hay thậm chí cả những gói thuốc đông y đã hết hạn sử dụng từ hàng chục năm trước.

Thời gian gần đây, buổi triển lãm mang tên “Tận dụng mọi thứ” do con trai của cụ bà Triệu Tương Nguyên tổ chức đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới truyền thông Trung Quốc. Tổng số những món đồ bà sở hữu lên đến hàng chục nghìn đồ vật khác nhau, bao gồm những bánh xà phòng từ chục năm trước, chân của những con búp bê bị gãy, xoong nồi hay thậm chí là nắp chai nước,…

Cuộc sống khó khăn hình thành thói quen cất trữ, gom nhặt đồ đạc

Cụ bà Triệu Tương Nguyên sinh ra ở Đào Nguyên (Hồ Nam, Trung Quốc) vốn là con gái của một sĩ quan Học viện quân sự Hoàng Phố. Từ nhỏ, cuộc sống gia đình bà tương đối giàu có và đủ đầy. Nhưng đến năm 15 tuổi, gia cảnh bỗng chốc trở nên khó khăn, cả gia đình chỉ có thể cầm cự dựa vào nghề may vá của mẹ bà để trang trải cuộc sống. Sự thay đổi hoàn toàn của cuộc sống đã khiến bà Triệu Tương Nguyên hiểu được rất rõ nỗi khổ của cái nghèo, do đó bà hình thành thói quen tiết kiệm và cất trữ.

Đến khi trở thành mẹ, vì nhà quá nghèo, không có tiền mua đồ mới cho con, bà tận dụng tối đa mọi thứ để có quần áo cho con mặc. Thay vì mua đồ mới, bà thường lộn trái quần áo để mặc lại. Năm con trai bà lên 4, yêu thích những bộ quần áo quân đội, bà tận dụng những tấm vải màu xanh đã cũ, tự may thành bộ đồ mới, dùng nắp của những tuýp kem đánh răng đính thành cúc áo. Bộ đồ không tốn đồng nào đã khiến con trai bà vui vẻ cả ngày. Không chỉ thế, bà còn có thói quen mang giày của người khác đã vứt đi về nhà. Những chiếc giày đã bị thủng một lỗ, bà nhét giấy vào và tiếp mang ra sử dụng hoặc đem cho lại những người khó khăn. Sau này, số lượng giày hỏng đem về ngày càng nhiều cho đi cũng không hết, bà chất giày thành cả núi.

Mọi thứ bà sử dụng đều không cần phải bỏ tiền mua

Ngoài tận dụng tối đa quần áo, giày dép, cả nồi niêu xoong chảo, bà Nguyên cũng mang về và đặt đầy cả một gian phòng. Bà không dùng xà phòng giặt đồ, mà lấy ván để chà đồ và giặt quần áo, theo bà cách thức này không những tiết kiệm mà quần áo cũng sạch sẽ không thua kém những chiếc máy giặt hiện đại.

Giống như những người cao tuổi khác, bà Nguyên rất thích nhặt về vỏ chai nước nhựa. Sau khi tháo hết những nắp chai bà mới mang vỏ chai đi bán phế liệu. Bà cho biết bản thân rất thích những chiếc nắp bởi chúng giống với những quân cờ tướng. Còn những thau chậu nhặt về bị vỡ, bà dùng băng keo dán chúng lại rồi tiếp tục sử dụng. Ngoài ra, những cái lu, cái xô, rổ rá hay bình tưới rau đều được chồng và bố chồng bà làm cho, do đó trước giờ bà cũng chưa từng mua những loại vật dụng này ngoài cửa hàng.

Bên cạnh những món đồ được nhặt về, bà cũng lưu giữ nhiều đồ vật kỷ niệm trong cả cuộc đời mình. Chiếc bát men màu xanh lam khá hiếm được mẹ của bà mua khi bà còn nhỏ và đặt vào vị trí rất dễ thấy trong nhà, thế nhưng chiếc bát ấy không bao giờ được sử dụng, mẹ của bà nói khi nào bà lên đại học mới được mang ra ăn cơm. Do đó mỗi khi nhìn thấy chiếc bát màu xanh đó, bà lại hoài niệm về sự khổ cực của mẹ mình.

Trong nhà bà có tận 2 gian phòng chỉ để những món đổ nát. Từ rất nhiều tivi được chất đống trong kho, cả màn hình trắng đen và có màu, đến những chiếc đồng hồ, lồng chim, chén bát đủ mọi kiểu dáng và màu sắc.

Từ những món đồ cũ đến triển lãm New York

Thói quen cất góp đồ đạc của bà đã gần như biến thành một căn bệnh. Mỗi lần con bà đến nhà thăm đều muốn vứt hết những núi đồ trong nhà đi, nhưng lại bị bà giận dỗi quát mắng. Cậu con trai nảy ra ý tưởng mở cho mẹ một phòng triển lãm, với tên gọi “tận dụng mọi thứ”.

Năm 2005, ý tưởng triển lãm những món đồ cũ của bà Triệu Tương Nguyên chính thức đi vào hoạt động. Bà cùng các con tổng hợp và sắp xếp và dọn dẹp lại toàn bộ các vật dụng tồn kho. Với con số hàng chục nghìn món đồ, việc dọn dẹp và thống kê không hề dễ dàng. Sau nhiều nỗ lực, họ đã mang cả 2 gian phòng để đồ cũ đến triển lãm.

Bà Nguyên rất hạnh phúc vì cuối cùng những món đồ vô dụng chất thành đống của mình đã được phát huy tác dụng. Ở triển lãm, bà thường xuyên chỉ vào một món đồ bất kỳ, rồi “thuyết trình” cho khách tham quan bằng cách kể lại những  câu chuyện và ý nghĩa đằng sau chúng.

Triển lãm đặc biệt này không những khơi dậy lại ký ức, hoài niệm xưa cũ cho những người cao tuổi, mà đối với lớp thanh niên trẻ, triển lãm này tạo ra một thế giới cổ xưa, hoàn toàn mới lạ, giúp họ được dịp tìm hiểu thêm về những mảnh ghép từ thế hệ của cha ông mình.

Triển lãm “Tận dụng mọi thứ” của bà Triệu Tương Nguyên ngày càng thu hút nhiều người đến chiêm ngưỡng và trở nên nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Nhầm muốn mang đến trải nghiệm cho nhiều người hơn, bà đã mang những món đồ “nát” của mình đến New York, tạo nên hiệu ứng khán giả vô cùng tốt.