VĂN HÓA

Cùng chiêm ngưỡng cổng cưới lá dừa đậm chất miền Tây

Lan Hương • 28-06-2022 • Lượt xem: 2513
Cùng chiêm ngưỡng cổng cưới lá dừa đậm chất miền Tây

Giữa vẻ đẹp lộng lẫy của các loại cổng hoa hiện đại thì cổng cưới lá dừa vẫn giữ nguyên nét mộc mạc nhưng không kém phần đặc sắc, in đậm chất bình dị của con người miền Tây và cả sự gắn kết tình làng nghĩa xóm nơi mảnh đất chân phương này.

Ngày cưới là ngày trọng đại, mọi thứ luôn được gia chủ chuẩn bị chu đáo từ những chi tiết nhỏ nhất. Trong đó, chiếc cổng cưới chính là điểm nhấn đặc biệt và lưu lại trong lòng quan khách nhiều ấn tượng khó quên.

Cổng cưới lá dừa chân phương bình dị

Chẳng ai nhớ rõ cổng cưới lá dừa xuất hiện từ khi nào, tuy nhiên xuất xứ của những chiếc cổng độc đáo này chính là tại vùng sông nước miền Tây Nam bộ thân thương.

Miền Tây trù phú với cây trái quanh năm, mùa nào thức nấy, và đặc biệt cây dừa luôn gắn liền với người dân nơi đây như một hình ảnh thân thuộc không thể tác rời trong cuộc sống thường ngày. Từ trái dừa, nước dừa, cùi dừa, củ hủ dừa, vỏ dừa, gáo dừa, thân cây dừa, lá dừa… đều hữu ích và từ đó lá dừa còn góp thêm một phần nét đẹp trong đám cưới miền sông nước nơi đây.

Cổng cưới miền quê ngày xưa chủ yếu được làm bằng lá dừa với thiết kế đơn giản bằng những nguyên liệu sẵn có. Ngày nay với sự phát triển và sáng tạo không giới hạn của con người, cổng cưới lá dừa được trang trí công phu và cầu kỳ hơn, ngày càng bắt mắt và được nhiều người ưa thích.

Để có được chiếc cổng lá dừa đẹp mắt, trước ngày cưới vài hôm mọi người đã rủ nhau đi kiếm các tàu lá dừa, bông đủng đỉnh, bẹ chuối… đem về dựng rạp. Thường thì chiếc cổng cưới hoàn chỉnh phải mất một ngày trời với sự góp mặt của 5 – 7 người chưa kể thời gian đi tìm nguyên liệu.

Nhìn những bàn tay chai sần, khéo léo kết từng bông hoa mới thấy được sự cần mẫn và con mắt nghệ thuật từ chính người lao động miền quê chất phác. Trẻ con thì cứ lao nhao trầm trồ chiêm ngưỡng tác phẩm dần được thành hình. Cái nghề chẳng ai dạy ai, chỉ nhìn theo rồi bắt chước, học hỏi, sáng tạo thêm rồi cứ thế mà trường tồn theo năm tháng.

Cổng cưới lá dừa được sáng tạo hoàn toàn với những nguyên liệu dễ tìm và đơn giản. Kiểu dáng chính của chiếc cổng thường có hình mái vòm. Có thể trang trí thêm dây nơ, hoa tươi, bóng đèn, phối ngẫu cùng các loại cây lá khác hay kết rồng phụng cho bắt mắt.

Cổng lá dừa được trang trí cùng cây đủng đỉnh

“Vườn nhà đủng đỉnh đứng thảnh thơi
Thân cột vươn cao giữa đất trời
Lá xẻ răng cưa, phe phẩy gió
Thuở bé tôi thường bó chổi chơi”

Cây đủng đỉnh có hình dáng vươn thẳng, lá xanh và quanh năm tươi tốt. Theo quan niệm người dân quê, đủng đỉnh tượng trưng cho sự thuỷ chung, son sắt, các tàu lá dừa màu xanh tượng trưng cho dòng nước xanh trong, đậm chất dân dã vùng đồng bằng Cửu Long bình dị. Cổng cưới được kết bằng lá dừa đan xen dây đủng đỉnh thể hiện một tình yêu bền chặt không thể tách rời.

Cổng lá dừa Long Phụng kiêu sa

Từ những mẫu cổng lá dừa đơn sơ truyển thống, qua bàn tay tài hoa và sự sáng tạo, người dân miền Tây đã tạo ra những mẫu cổng cưới rồng phượng đầy chất nghệ thuật.

Rồng – Phụng là biểu tượng của sự thịnh vượng, cao quý và luôn song hành cùng nhau. Trong hôn nhân, biểu tượng này còn tượng trưng cho sự sung túc, hoà hợp và phú quý cho 2 vợ chồng. Rồng tượng trưng cho người chồng mạnh mẽ, sẵn sàng che chở bảo vệ người vợ còn Phụng tượng trưng cho người vợ lúc nào cũng tràn đầy khí chất. Vì thế mà sự hiện diện của 2 linh vật này trong ngày cưới, đặc biệt lại được hoá thân trên chiếc cổng cưới chính là biểu trưng cho sự bền vững, đầm ấm và một hôn nhân hoà hợp.

Ngoài nguyên liệu chính là lá dừa, cổng cưới Long Phụng còn được kết hợp thêm nhiều loại trái cây khác nữa như bưởi, thanh long, khóm và cả hoa tươi để tạo hình cho sinh động và đẹp mắt. Điểm khó nhất đối với những chiếc cổng cưới rồng phụng là phải làm sao để các linh vật uyển chuyển có hồn mà lại giữ được sự tươi mới trong thời gian nhất định.

Ẩn ý sâu xa từ những điều tưởng chừng đơn giản nhất

Trang trí cổng hoa ngày cưới được xem là phần vô cùng quan trọng của người dân miền Cửu Long, những chiếc cổng lá dừa đơn sơ thể hiện chính cuộc sống bình dị, chân chất và trở thành nét đặc trưng của đám cưới nơi miền phù sa nước nổi.

Từ những nguyên liệu hết sức đời thường nhưng trải qua bàn tay khéo léo lại trở nên sống động và đặc sắc. Những chiếc lá dừa được thắt hình trái tim, bông hoa  hay hình dáng rồng phượng thể hiện sự gắn kết không bao giờ lìa xa của đôi uyên ương.

Chiếc cổng hoa cây nhà lá vườn đơn sơ là vậy nhưng mang cả nét văn hóa của con người miền Tây, của tình làng nghĩa xóm. Người lớn trẻ nhỏ cười nói rộn ràng, người thân, làng xóm cùng chung tay góp sức tạo nên chiếc cổng hoa đặc biệt, chắc chắn sẽ làm cho ngày trọng đại của cô dâu chú rể thêm phần ý nghĩa.