Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, nơi những thách thức và bất ổn là điều không thể tránh khỏi, sự bền bỉ giúp trẻ em vượt qua những thất bại, thích nghi với sự thay đổi và phát triển bất chấp nghịch cảnh. Đối với phụ huynh và các nhà giáo, việc nuôi dưỡng đức tính này ở trẻ em là một nhiệm vụ thiết yếu đòi hỏi các giải pháp có chủ đích và sự hỗ trợ nhất quán. Sau đây là một số mẹo thực tế giúp phát triển đức tính bền bỉ ở trẻ em.
1. Tìm hiểu về sự bền bỉ
Sự bền bỉ là khả năng phục hồi sau khó khăn, đối phó với căng thẳng và thích nghi với sự thay đổi của hoàn cảnh. Đây không phải là một tính cách bẩm sinh mà là một kỹ năng có thể phát triển thông qua các mối quan hệ xung quanh, những trải nghiệm tích cực và các biện pháp xử lí tình huống hiệu quả. Trau dồi sự bền bỉ ở trẻ em giúp chúng phát triển khả năng điều chỉnh cảm xúc, kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy lạc quan.
2. Tạo ra một môi trường thuận lợi để phát triển
Môi trường nuôi dưỡng thuận lợi là nền tảng để phát triển sự bền bỉ. Trẻ em cần cảm thấy an toàn, được coi trọng và được hiểu để phát triển sự tự tin và an toàn cần thiết cho đức tính này. Cha mẹ và các nhà giáo có thể tạo ra một môi trường như vậy bằng cách:
- Thiết lập các mối quan hệ gắn kết và tích cực với trẻ em: quan tâm đến cuộc sống của trẻ, tích cực lắng nghe và luôn có mặt để hỗ trợ trẻ.
- Tạo bầu không khí để trẻ em cảm thấy thoải mái khi bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình: Khuyến khích trẻ nói về cảm xúc, đặt câu hỏi và chia sẻ mối quan tâm của mình để giúp trẻ em suy nghĩ về những trải nghiệm của mình và tìm ra cách xoay sở với chúng.
Tạo bầu không khí để trẻ em cảm thấy thoải mái khi bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình (Ảnh: Shutterstock)
- Tạo sự nhất quán và các thói quen hàng ngày cho trẻ: Lên lịch hằng ngày cho các bữa ăn, bài tập về nhà, giờ chơi và giờ đi ngủ giúp trẻ em cảm thấy mình kiểm soát được nhiều việc hơn và bớt lo lắng về những điều chưa biết.
3. Dạy kỹ năng giải quyết vấn đề
Những đứa trẻ có đức tính bền bỉ là những đứa trẻ giải quyết vấn đề hiệu quả. Chúng có thể suy nghĩ phản biện, đánh giá các lựa chọn và đưa ra quyết định. Cha mẹ và các nhà giáo có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề bằng cách:
- Khuyến khích tính độc lập: Cho phép trẻ em đảm nhận các trách nhiệm phù hợp với lứa tuổi và tự đưa ra quyết định. Điều này nuôi dưỡng ý thức về năng lực và tính tự chủ, những yếu tố cần thiết cho sự bền bỉ.
- Làm mẫu cách giải quyết vấn đề: Trình bày các cách giải quyết vấn đề hiệu quả trong các tình huống hàng ngày. Hãy nói về quá trình suy nghĩ của bạn khi đối mặt với thử thách và cho trẻ thấy cách bạn đánh giá các lựa chọn và đưa ra quyết định. Trẻ em học bằng cách quan sát và bắt chước người lớn.
- Hướng dẫn thay vì giải cứu: Khi trẻ em gặp khó khăn, hãy kiềm chế sự thôi thúc giải quyết vấn đề giúp chúng. Thay vào đó, hãy hướng dẫn chúng trong quá trình xác định vấn đề, động não tìm giải pháp và đánh giá hậu quả của từng lựa chọn. Điều này giúp trẻ em có khả năng tự xử lý các thách thức trong tương lai.
Khi trẻ em gặp khó khăn, hãy kiềm chế sự thôi thúc giải quyết vấn đề giúp chúng (Ảnh: Shutterstock)
4. Dạy cách điều chỉnh cảm xúc
Điều chỉnh cảm xúc là khả năng quản lý và phản ứng với cảm xúc theo cách lành mạnh. Trẻ em có thể điều chỉnh cảm xúc của mình sẽ được trang bị tốt hơn để xử lý căng thẳng và phục hồi sau những thất bại. Để điều chỉnh cảm xúc, phụ huynh và các nhà giáo cần:
- Dạy kiền thức về cảm xúc: Giúp trẻ nhận biết và dán nhãn cảm xúc của mình. Hãy sử dụng các công cụ như biểu đồ cảm xúc hoặc kể chuyện để thảo luận về các cảm xúc khác nhau và cách quản lý chúng. Việc hiểu cảm xúc của trẻ là bước đầu tiên để điều chỉnh chúng.
- Khuyến khích trẻ học chánh niệm: Các hoạt động chánh niệm, chẳng hạn như hít thở sâu, thiền hoặc yoga, có thể giúp trẻ bình tĩnh và tập trung. Hãy dạy trẻ các kỹ thuật đơn giản để sử dụng khi trẻ cảm thấy bị quá tải hoặc lo lắng.
- Hiểu và chấp nhận cảm xúc của trẻ ngay cả khi nghe chúng có vẻ phi lý: Hãy cho trẻ biết rằng việc cảm thấy buồn, tức giận hoặc sợ hãi là điều bình thường. Sự chấp nhận giúp trẻ cảm thấy được thấu hiểu và giảm mức độ của những cảm xúc tiêu cực.
Sự chấp nhận giúp trẻ cảm thấy được thấu hiểu và giảm mức độ của những cảm xúc tiêu cực (Ảnh: Internet)
5. Nuôi dưỡng tư duy phát triển
Tư duy phát triển là niềm tin rằng khả năng và trí thông minh có thể được phát triển thông qua nỗ lực và học tập. Trẻ em với tư duy phát triển có khả năng phục hồi tốt hơn vì chúng coi thách thức là cơ hội để phát triển chứ không phải là mối đe dọa. Để nuôi dưỡng tư duy phát triển, hãy:
- Khen ngợi nỗ lực, không chỉ thành tích: Tập trung vào nỗ lực và quá trình hơn là kết quả. Hãy khen ngợi trẻ vì quá trình mà trẻ chăm chỉ, kiên trì và sử dụng các chiến lược, thay vì chỉ khen ngợi kết quả. Điều này khuyến khích trẻ chấp nhận thử thách và học hỏi từ thất bại.
- Đặt kỳ vọng thực tế: Giúp trẻ đặt ra các mục tiêu có thể đạt được và ăn mừng tiến bộ của mình. Đặt kỳ vọng thực tế và ghi nhận những thành công nhỏ sẽ xây dựng sự tự tin và động lực.
- Khơi dậy sự thích thú trong học tập: Nuôi dưỡng sự tò mò và niềm đam mê học tập. Tạo cơ hội cho trẻ khám phá những sở thích mới, đặt câu hỏi và tìm kiếm những trải nghiệm mới. Niềm đam mê học tập nuôi dưỡng sự bền bỉ bằng cách thúc đẩy khả năng thích ứng và thái độ tích cực trước những thách thức.
Tạo cơ hội cho trẻ khám phá những sở thích mới, đặt câu hỏi và tìm kiếm những trải nghiệm mới (Ảnh: Shutterstock)
6. Tạo dựng các mối quan hệ xã hội
Trẻ em có mối quan hệ hỗ trợ với bạn bè và người lớn có khả năng đối phó tốt hơn với căng thẳng và nghịch cảnh. Để xây dựng các mối quan hệ xã hội, hãy:
- Khuyến khích các mối quan hệ tích cực giữa bạn bè: Tạo điều kiện cho trẻ em xây dựng tình bạn và tương tác với bạn bè. Khuyến khích chơi chung, hoạt động nhóm và thể thao đồng đội để giúp trẻ em phát triển các kỹ năng xã hội và hình thành mối quan hệ gắn kết.
- Dạy về sự đồng cảm và lòng trắc ẩn: Giúp trẻ em hiểu và trân trọng cảm xúc của người khác. Khuyến khích các hành động tử tế, tình nguyện và giúp đỡ người khác khi cần. Sự đồng cảm và lòng trắc ẩn xây dựng cộng đồng vững mạnh và hỗ trợ lẫn nhau.
- Kiếm ví dụ hình mẫu để làm gương: Cho trẻ em tiếp xúc với những hình mẫu tích cực có đức tính bền bỉ. Những câu chuyện về những cá nhân đã vượt qua thử thách có thể truyền cảm hứng và thúc đẩy trẻ em phát triển khả năng của riêng mình.
Cho trẻ em tiếp xúc với những hình mẫu tích cực có đức tính bền bỉ (Ảnh: iStock)
Kết luận
Bằng cách thực hiện các mẹo này, cha mẹ và các nhà giáo có thể trang bị cho trẻ em các công cụ cần thiết để vượt qua những thách thức của cuộc sống với sự tự tin và kiên trì. Chúng sẽ được chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với nghịch cảnh, thích nghi với sự thay đổi và phát triển trong một thế giới không ngừng thay đổi.