VĂN HÓA

Cuốn sách đưa triết học bước vào cuộc sống thực tiễn

Minh An • 14-11-2022 • Lượt xem: 763
Cuốn sách đưa triết học bước vào cuộc sống thực tiễn

Các vị triết gia có thể giúp gì cho chúng ta trong những tình huống khó khăn đời thường? Giúp rất nhiều, miễn là bạn tìm đúng người và hiểu cách ứng dụng những lý thuyết của họ. Mười hai bài trong cuốn sách nhỏ này là mười hai tình huống khiến người ta có thể “điên đầu” trong cuộc sống hiện đại, kèm theo đó là những gợi ý minh triết từ các triết gia Aristote, Platon, Kant, Wittgenstein… Một “cẩm nang cuộc sống” gọn gàng, gợi mở, thiết thực, sâu sắc và thú vị. Một tác phẩm triết học ứng dụng tươi mới, dùng kinh điển để giải quyết các vấn đề cuộc sống hiện đại.

“Đưa triết học ra khỏi bệ thờ” - Đây là chủ trương của tác giả khi viết cuốn sách này. Mười hai tình huống khủng hoảng và mười hai triết gia có khả năng xoa dịu, giúp bạn giải tỏa nỗi lòng. 

Trong đời mỗi người, ai cũng từng gặp những phút giây hoảng loạn mà mọi thứ đều chao đảo, những khoảnh khắc buông mình cho cơn giận dữ, cho nước mắt, cho sự ray rứt, sự u mê, nỗi hổ thẹn… nói tóm lại là sự thất bại. Để đối phó, liệu còn gì hay hơn những lời trấn an xuyên thế kỷ?

Triết học không chỉ nằm trong kiến thức, mà trong tất cả những gì ta có thể cải thiện suốt cuộc đời. Nó giúp ta nhẹ nhõm, nâng ta dậy, nó cho phép ta giữ khoảng cách với những gì đã đến trong cuộc đời, dù đó là tuổi thiếu niên bất kham, cái chết của chú cún cưng hay câu chuyện về hậu kiếp của ta.

Tóm lại, đây là một cuốn sách triết học ứng dụng. Những triết lý trong cuốn sách này không chỉ để ứng dụng cho 12 trường hợp mà tác giả nêu ra, mà còn gợi ý cách tháo gỡ cho vô vàn tình huống khác trong cuộc sống, vốn luôn luôn thay đổi. Ví như những đổi thay mà đại dịch Covid-19 mang lại. Cái ta cần không phải là một giải pháp ăn liền, mà là sự chuẩn bị tâm thế nền tảng, để ứng đối với mọi biến cố.

Marie Robert là người sáng lập một trường học theo phương pháp Montessori, tiến sĩ triết học, và là tác giả của nhiều đầu sách bán chạy.

Tóm tắt chủ đề và trích đoạn.

Sách gồm 12 bài với những chủ đề:

1/ Về lòng tham và những xung động: Nếu bạn từng vào siêu thị để mua chỉ một món, nhưng trở ra với một xe đầy hàng và nỗi bực bội bản thân, hoặc luôn muốn hết thứ này đến thứ khác, thì đây là bài viết dành cho bạn.

Triết gia Spinoza bàn về lòng tham, dục vọng, đức hạnh và những gì kéo theo đó. “Có đức hạnh là đạt được sự hiểu biết thực thụ về các đam mê của bạn, hiểu cái động lực bên trong bạn, xác định thứ làm cho bạn hài lòng... Nó giúp bạn hiểu được thứ gì là quan trọng và thứ gì là phù phiếm. Có lòng tham là một điều bình thường, thậm chí còn là điều hữu ích nữa. Nhưng điều quan trọng là phải học cách nhận ra nó để đỡ dằn vặt và xáo động ngay lúc nó biểu hiện. Có đức hạnh không có nghĩa là làm câm nín lòng tham hay dục vọng, mà là tập làm quen với nó”.

2/ Aristote: Hãy tin vào kinh nghiệm: Đã có khi nào bạn quyết tâm sống lành mạnh, kỷ luật… rồi mọi thứ trôi tuột đi sau một cuộc nhậu nhẹt không? Cứ bình tĩnh, Aristote sẽ chỉ cho bạn cách thực hành để đạt mục đích tốt đẹp. “Chìa khóa quan trọng nhất để đạt sự viên mãn là kinh nghiệm không ngừng vun đắp. Chỉ bằng việc sống, hành động và phạm sai lầm, ta mới phát hiện được bản ngã của mình và vận dụng tốt lý trí của bản thân.

3/ Hãy nghe theo Nietzsche: Vượt qua cái tôi. Nếu đứng trước thử thách mà bạn không cách nào ngăn cảm giác bất lực vì sợ hãi, cho dù đã luyện tập rất nhiều, thì bạn cần gì? Một sự huấn thị để lấy lại tinh thần của người chiến thắng. “Thách đố chính là vũ đài để làm mới các nguyên tắc của bạn… Để làm rạng rỡ cuộc đời, bạn phải khước từ sự lười nhác, sự thờ ơ và nỗi sợ hãi.”

4/ Thoát khỏi khủng hoảng, giữ lấy niềm vui sống cùng Épicure: Vì sao ta lại mất vui trước những tin xấu, dù không liên quan trực tiếp đến ta? Bởi nó gợi đến những nỗi sợ hãi: sợ tai ương, sợ chết, sợ khổ, sợ bất hạnh. Để giữ vững sự thanh thản, Épicure vạch ra rằng ta phải “dành thời gian suy nghĩ về những nỗi lo sợ của mình, quan sát chúng tìm hiểu chúng đến từ đâu. Sau đó ta sàng lọc những nỗi sợ có thể tránh và những nỗi sợ phải chấp nhận”.

5/ Platon: Liều thuốc cho phút hoang mang trong tình yêu. “Tình yêu là cảm xúc khi ta tìm thấy phân nửa của mình, tức là người khiến ta thấy đầy đặn và ấm cúng”. Đừng lo lắng khi thấy mình kỳ vọng nhiều và sợ thất vọng, những kỳ vọng đó giúp bạn kiên định trong việc tìm được người phù hợp với mình.

6/ Pascal: Rồi ai cũng phải chết, quan niệm về thời gian và cách giữ tâm thế bình thản để sống trong thực tại.

7/ Levisnas: Khủng hoảng tuổi thiếu niên. Ồ đây là chương mà bạn cần đọc, dù có đang là phụ huynh hay không. Có nhiều người đến mãi sau này mới vỡ lẽ ra về con người của chính mình ở thời thiếu niên, và cởi bỏ khúc mắc.

8/ Heidergger. Đây là phần dành cho những người yêu thú cưng. Khi cún cưng của bạn ra đi, ngoài đau buồn, có phải bạn bị sốc vì tiếp cận cái chết quá gần? “Ý thức về cái chết không phải là điều gây ra sự sa sút tinh thần. Ngược lại, nó mở ra ý nghĩa của cuộc sống và cho phép tận hưởng cuộc sống đó thay vì mãi vương vấn với những điều vô ích.”

9/ Triết gia Kant, gỡ rối băn khoăn giữa si mê và lý trí. Có khi nào hẹn hò ai đó, bạn vừa phấn khích vừa thấy lo lắng bất an, nhưng không đủ tỉnh táo để cân nhắc? Thử nghe Kant phân tích về si mê và lý trí trong những tác phẩm của mình. “Phải phân biệt giữa si mê và tình yêu. Nếu si mê dẫn đến khổ đau thì tình yêu dẫn đến sự ổn định và bền vững. Tình yêu dựa trên lý trí là nền tảng để xây dựng nhân cách chúng ta”.

10/ Bạn nghĩ gì về công việc? Là phương tiện kiếm tiền, hành xác, hay con đường thực hiện tham vọng? Khởi nghiệp có phải là lối thoát không? Bergson cho rằng: làm việc là sáng tạo bản thân. Bergon là triết gia luôn đề cao sự hăng say trong cuộc sống, ông để lại dấu ấn trong nền triết học cận đại qua các tác phẩm mang tầm vóc thế giới. Ông nêu ra lẽ sống của mỗi người trong hoạt động hàng ngày: Sáng tạo và làm cho những thứ không tồn tại trở nên tồn tại.

11/ Wittgenstein: Về văn hóa và sự đa dạng. Nếu bạn và nhà chồng có khác biệt do lối sống và văn hóa, thì hãy thử đọc tác phẩm của triết gia Wittgenstein. Ví dụ các nghiên cứu của Wittgenstein trong cuốn Tractatus logico philosophicus đặt ra vấn đề về ngôn ngữ và cách hiểu. Làm sao để hội nhập vào một nhóm khác với mình? “Hội nhập được vào một nhóm có nghĩa là thành công trong việc học tập ngôn ngữ (từ ngữ hay động tác) đặc thù mà nhóm đó sử dụng”. 

12/ John Stuart Mill là triết gia, nhà logic học kiêm kinh tế gia người Anh. Những lý thuyết của ông rất quý giá khi bạn cần xác định những tình huống bắt buộc phải nói thật và những tình huống không bắt buộc. Điều này giúp bạn xác định cách ứng xử phù hợp, cân bằng giữa nhu cầu xã giao và nhu cầu trung thực. Hẳn bạn đã nghe về cuốn Thuyết vị lợi của Mill? Trong đó ông đề cập đến ý niệm hữu ích. “Nói ra sự thật là điều hữu ích vì nó làm gia tăng sự tin tưởng giữa người và người”.