VĂN HÓA

Đặc sắc làng nghề Việt tại Festival Nghề truyền thống 2023

Cẩm Chi • 02-05-2023 • Lượt xem: 1023
Đặc sắc làng nghề Việt tại Festival Nghề truyền thống 2023

Từ ngày 28/4-30/4, Festival Nghề truyền thống Huế 2023 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” đã diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc quảng bá làng nghề, tôn vinh nghệ nhân, ẩm thực, quảng diễn đường phố, giao lưu nghệ thuật trong nước và quốc tế…

Tôn vinh làng nghề truyền thống

Nhằm khôi phục, gìn giữ và phát huy các sản phẩm tinh hoa nghề thủ công của Huế nói riêng và cả nước nói chung, Festival Nghề truyền thống Huế 2023 có sự tham gia của 69 làng nghề, cơ sở nghề và trên 350 nghệ nhân, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước. Nổi bật là các làng nghề ở Huế (nghề làm nón lá, tranh, trầm hương, đẽo mỏ, dệt zèng), làng nghề người Chăm Ninh Thuận: gốm Bàu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp; nghề ươm tơ dệt đũi (Thái Bình)…

Nghệ nhân làng nón Huế tỉ mỉ bên những chiếc nón mang biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam


 Làng nghề gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận với các sản phẩm làm từ đất có độ dẻo cao. 

Không gian làng nghề được thiết kế với những nhà rường cổ kết hợp với mái nhà tranh tre gần gũi với người dân Việt Nam, mang đậm nét Huế. Ngoài trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sắc, các nghệ nhân nổi tiếng đã thao diễn kỹ thuật tinh xảo, quy trình sản xuất độc đáo để làm nên những sản phẩm tinh hoa. Mỗi gian hàng được trưng bày sẽ là một câu chuyện về nghề, giới thiệu tập trung những sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn Việt cũng như sự hội nhập quốc tế.

Nghệ nhân ươm tơ, dệt đũi tái hiện làng nghề truyền thống 400 năm của huyện Kiến Xương, Thái Bình 

Du khách thích thú gian hàng sản phẩm thời trang thiết kế từ sợi cỏ bàng 

Gian hàng tò he thu hút các bạn nhỏ 

Tại không gian trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống của các nghệ nhân đến từ thành phố Gongju, thành phố Namyangju (Hàn Quốc), các thành phố Saijo, Shizuoka, Takayama, Sasayama (Nhật Bản), Viện nghiên cứu văn hóa truyền thống Hàn và Viện xúc tiến nghiên cứu văn hóa Hàn Quốc.

Vẻ đẹp di sản

Lễ hội ẩm thực Festival Nghề truyền thống Huế 2023 với chủ đề “Tinh hoa nghề bún”, gồm nhiều hoạt động hấp dẫn như diễn xướng hành trình nghề bún; quảng diễn các món từ bún, món ăn Huế và bánh ngọt; hội thi không gian ẩm thực trong vườn Huế; ẩm thực 3 miền Bắc - Trung - Nam; tôn vinh tấm lòng vì “Huế - Kinh đô ẩm thực”. Những nét tinh hoa của nghề bún sẽ được vinh danh tại lễ hội qua không gian trưng bày hành trình nghề bún, giới thiệu những dụng cụ làm bún từ xưa đến nay của nghệ nhân làng bún Vân Cù, thị xã Hương Trà. Ban tổ chức sẽ thực hiện việc xác lập kỷ lục Việt Nam “Bún xào thập cẩm kiểu Huế 1.000 dĩa phục vụ 1.000 người ăn một lần tại chỗ”.

Bún bò Huế - đặc sản ẩm thực đặc trưng hương vị đất Cố đô

Lần đầu tiên được tổ chức, Lễ hội Quảng diễn đường phố (29.4) đã diễn ra sôi động trên các tuyến đường dọc 2 bên bờ sông Hương như Trần Hưng Đạo, Hùng Vương và Lê Lợi với sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Chương trình đặc biệt ở điểm các đoàn nghệ thuật kết hợp giữa di chuyển với biểu diễn âm nhạc, múa, các giai điệu đặc sắc... mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm thú vị.

Đoàn diễu hành diều nghệ thuật đa sắc màu trên đường phố Huế

Tái hiện lễ hội Cầu ngư truyền thống của địa phương

Một điểm mới lạ nữa của Festival Nghề truyền thống Huế là chương trình giao lưu văn hóa - nghệ thuật giữa TP Huế và các thành phố hợp tác, kết nghĩa trong nước và quốc tế. Với các tiết mục biểu diễn đặc sắc đến từ đoàn nghệ thuật cà kheo Vương quốc Bỉ; đoàn nghệ sĩ và ban nhạc quận Dongnae, quận Eunpyeong-gu (Hàn Quốc) và các đoàn nghệ thuật đến từ Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Đờn ca tài tử Bạc Liêu, Đoàn nghệ thuật Vinh, Nhà hát Duyệt Thị Đường, Nhạc viện Huế, đoàn nghệ thuật huyện Nam Đông… đã tạo nên chương trình nghệ thuật đa sắc màu, giúp người xem thêm hiểu rõ về văn hóa các nước.

Đoàn nghệ sĩ đến từ Hàn Quốc trong trang phục Hanbook

Ngoài ra, không gian Triển lãm “Thiết kế Sáng tạo thủ công” thu hút người dân và du khách tham quan. Không gian được thiết kế hiện đại, với sự trưng bày của các sản phẩm, nghệ phẩm có tính ứng dụng cao được sản xuất bởi sự kết hợp kỹ thuật giữa truyền thống và hiện đại, thông qua sự sáng tạo của các nghệ nhân, họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế trong cả nước, như: Bộ gốm mỹ thuật và sản phẩm gốm ứng dụng, gốm đương đại; nghệ phẩm Trúc chỉ; các sản phẩm pháp lam, đậu bạc; áo dài, tranh ghép vải, giày thời trang kết hợp với nghệ thuật truyền thống; các sản phẩm được ứng dụng từ tre...

Tranh làng Sình - biểu tượng tranh dân gian Huế có tuổi đời gần 500 năm 

Tại không gian thư pháp Huế diễn ra nhiều hoạt động thú vị: trưng bày, tặng chữ, biểu diễn thư pháp, hướng dẫn viết thư pháp cho khách tham quan, các nhà thư pháp cùng viết chung…Không gian thư pháp trưng bày hơn 100 tác phẩm thư pháp được thể hiện trên nhiều chất liệu phong phú, như: Sành sứ, giấy, lụa, gỗ, đá…Ngoài các thành viên của CLB Thư pháp Huế, không gian thư pháp còn có sự tham gia của các nhà thư pháp đến từ ba miền: TP. Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Thái Bình, Hà Nội.

Các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, không khí lễ hội sôi động sẽ tiếp tục diễn ra tới hết ngày 5/5. Chuỗi sự kiện góp phần đẩy mạnh du lịch - văn hóa, tiếp tục khẳng định thương hiệu Huế - thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.