GIẢI TRÍ

Đại Ca Thay – Hồi ức từ lão nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn

Phạm Lữ • 18-05-2020 • Lượt xem: 5632
Đại Ca Thay – Hồi ức từ lão nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn

Có lẽ khi nhắc đến tay trùm giang hồ ở thập niên1960, Đại Cathay, ít nhiều người dân Sài Gòn ai cũng biết. Và với tư cách người cùng thời với Đại CaThay, nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn, 85 tuổi vẫn còn khá nhiều kỷ niệm về ông trùm “đẹp trai” này.

Tin, bài liên quan:

Thái Ngọc Sơn - Lữ Đắc Long triển lãm ảnh gây quỹ làm từ thiện

NSƯT Hạnh Thuý, Hồng Tơ đến với xóm “Việt kiều” nghèo trên sông

Khi được mời vào chương trình “Vén màn bí mật” của HTV sản xuất, nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn đã có một buổi trò chuyện đầy thú vị về nhân vật Đại Cathay. Với ông tên tuổi Đại Cathay không chỉ gói gọn trong giới giang hồ mà còn nổi bật trên các trang sách và phim ảnh, để rồi biết bao câu chuyện hư cấu và huyền thoại được truyền lại đến ngày hôm nay.

Chân dung Đại Cathay

Nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn luôn tươi trẻ và tràn đầy đam mê với nghệ thuật. Ông được biết qua hàng trăm tình khúc vượt thời gian, và cả những ca khúc nhạc phim truyền hình của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Lúc sinh thời, Thái Ngọc Sơn đã trải qua những biến thiên của lịch sử miền Nam, là nhân chứng của rất nhiều cuộc đời và số phận những người nổi tiếng. Với Đại Cathay, ông vừa hàm ơn vừa đầy duyên nợ. 
Theo lời của ông: “Trong nhóm những đứa trẻ đánh giày, bán báo trước rạp, nổi bật có Trần Đại. Trong các trận ẩu đả để tranh giành khách, Đại luôn giành chiến thắng bởi sự lì đòn, lại biết phân chia công bằng cho đám bạn, cho nên Đại sớm được tôn làm đại ca. Biệt danh Đại Cathay - đặt theo tên rạp chiếu bóng ra đời từ đây. Đó là năm 1954, Đại Cathay lúc đó mới chỉ 14 tuổi”. 

Tài tử Trần Quang (trái) thời trẻ có nhiều nhân duyên với Đại Cathay

Khi được đám nhóc đánh giày tôn làm đại ca, công việc của Đại là tập hợp đàn em, cắt cử công việc, bàn giao địa bàn và phân chia tiền bạc. Với bản tính khí khái, hào phóng, Đại luôn sòng phẳng, vì vậy, đứa nào cũng chịu phục anh Đại. Quân số của Đại nhanh chóng gia tăng.
Đại Cathay nhiều lần bị cảnh sát bắt nhốt. Bảo vệ đàn em, Đại luôn nhận trách nhiệm về phần mình. Trị tội cứng đầu, cảnh sát ra đòn độc, bắt Đại quỳ giữa sàn nhà, 2 người 2 bên xốc ngược tay, cạy mồm và thả vào đó 1 con gián sống cho nó chạy tuột vào dạ dày. Ngứa ngáy, kinh tởm, ói ra mật xanh, mật vàng, tuy nhiên, Đại Cathay vẫn câm như hến, như chứng tỏ một tay giang hồ có số má.

Nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn

Thái Ngọc Sơn nhớ lại: “Sinh thời, Đại Cathay rất bênh vực em út và người yếu thế. Có lần tôi đi làm ngang qua một bàn nhậu của tên giang hồ Hoàng vựa cá. Hắn cho người bắt tôi lại và hỏi cắc cớ: Có biết tao là ai không, tại sao mày không chào? Tôi lí nhí trả lời dạ không biết! Thế là hắn cho tôi ngay một quả đấm ngay vào mặt và bảo tôi phải trả tiền bàn nhậu. Mày không biết tao đánh cho mày biết”.

Lần nhìn cái mặt tôi sưng vù, Đại Cathay hỏi chuyện xong nắm tay tôi dẫn đến ngay chỗ Hoàng vựa cá làm rõ chuyện vô cớ đánh người. Lần đó Hoàng vựa cá chấp tay lạy tôi từ trong ra ngoài, xin tôi tha mạng… Từ đó tôi mới biết Đại Cathay uy danh và quyền lực như thế nào, chứ bình thường tôi thấy anh ấy rất bảnh trai và… bình thường”.

Nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn từng làm phim về Đại Cathay

Sau đó, chuyện về Đại Cathay ấn tượng đến độ cố đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện thành bộ phim dựa theo phóng tác của nhà văn Duyên Anh vào năm 1970. Nhân vật chính tức nhiên phải là… Đại Cathay. 

Ông Sơn nhớ lại: “Khi bộ phim vừa bấm máy, đàn em của Đại Cathay đã tìm đến đạo diễn Lê Hoàng Hoa để kể nhiều câu chuyện về cuộc đời của Đại mà trong truyện nhà văn Duyên Anh chưa đề cập. Và cứ thế, nhóm đàn em của Đại Cathay ngầm theo sát đoàn phim để bảo vệ”.

Tiếp đến, cố đạo diễn NSƯT Lê Dân cũng thực hiện bộ phim “Loan mắt nhung” vào năm 1970. Phim kể chuyện về cuộc đời của Loan, một thanh niên bình thường bị hoàn cảnh xã hội đưa đẩy trở thành tay du đãng nổi tiếng. Nguyễn Thụy Long viết về ông trùm giang hồ quyền lực đi lên từ hai bàn tay trắng, hình tượng thời đó hoàn toàn giống với cuộc đời của Đại Cathay. Nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn và Huỳnh Anh chính là người viết ca khúc trùng tên với bộ phim nổi tiếng này. 

Nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn kể: “Những ca khúc như Loan Mắt Nhung, Điệu ru nước mắt hay Vết thù trên lưng ngựa hoang… thời đó vừa ra đời làm cho người Việt liên tưởng ngay đến thời điểm giang hồ làm mưa làm gió, tự tranh hùng xưng bá. Kẻ mạnh thì làm vua, và thua thì thần phục hoặc tự giải tán". Không chỉ Đại Cathay được lên phim, lên nhạc mà ngay cả người tình của ông cũng được các nhạc sĩ ngẫu hứng sáng tác thành những ca khúc đi vào lòng người như: Trần Thị Diễm Châu sau đó được chuyển thể thành bộ phim cùng tên được cải biên theo tiểu thuyết của nhà văn Duyên Anh. Truyện phim kể về cuộc đời một nữ sinh hiền thục có tên Trần Thị Diễm Châu xinh đẹp, trong trắng, hiền hậu. Nhưng rồi những sóng gió cuộc đời đã biến cô trở thành nữ chúa du đãng, là bà hoàng của giới giang hồ. 
Ông Sơn nhớ lại: “Trong các khoản ăn chơi thì độ sành điệu của Đại Cathay không kém cạnh ai. Mỗi khi ra đường, Đại Cathay ngồi trên chiếc xe mà Sài Gòn lúc ấy chỉ có 3 chiếc, còn bọn đàn em phóng mô tô ầm ầm theo sau, náo loạn cả phố phường". Với bản tính khí khái, rộng rãi của mình, Đại đã kết nghĩa huynh đệ với khá nhiều người, trong đó, phần lớn là con cái của những gia đình viên chức, trí thức hay doanh nhân của đất Sài Gòn. Một trong số họ chính là Hoàng Sayonara, hay còn gọi là Hoàng ghita.

Sau khi băng đảng của Đại Cathay tan rã, Hoàng ghita quy ẩn giang hồ. Tuy nhiên, do cuộc sống túng thiếu, vợ lại sắp sanh, Hoàng quyết định tham gia phi vụ cuối cùng. Vụ đột nhập bốc hàng bị quân cảnh Mỹ phát giác. Súng đạn nổ liên hồi, Hoàng ghita lãnh nguyên băng đạn M-16 trên lưng. Cái chết của anh ta đã gợi cảm hứng để nhà văn Duyên Anh sáng tác nên tiểu thuyết “Vết thù trên lưng ngựa hoang”, rồi bộ phim và ca khúc cùng tên ra đời ngay sau đó. 
Nhà văn Mặc Tuyền cũng đã từng là đại ca giang hồ, trải nhiều thăng trầm, chông chênh trên lằn ranh đen trắng. Theo ông, để có được quyền lực giang hồ, trở thành trùm du đãng của thành phố hay của một khu vực nào đó, là điều hoàn toàn không hề đơn giản. 
Bước giang hồ của nhà văn Mặc Tuyền khá giống với Đại Cathay khi cả 2 đều có một tuổi thơ nghèo khó. Tuy nhiên, nếu như nhà văn Mặc Tuyền vì đam mê thơ ca mà rũ bỏ quyền lực giang hồ thì Đại Ca thay lại tiếp tục lựa chọn con đường quyền lực. 
Nhà văn Mạc Tuyền nói: “Rất nhiều trùm du đãng Sài Gòn xưa chịu ảnh hưởng phong cách của những nhân vật anh hùng trong các tiểu thuyết giang hồ của Trung Quốc hay điện ảnh Châu Âu, Châu Mỹ. Ngược lại, bản thân họ lại là niềm cảm hứng để những nhà văn viết nên những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng”. 

MC Đông Quân của chương trình Vén màn bí mật

Quyền lực được tiền bạc hỗ trợ khiến Đại càng thêm uy thế. Năm 23 tuổi, Đại Cathay đã là 1 ông trùm khét tiếng, bảo kê hầu hết các nhà hàng, khách sạn, động mại dâm, tiệm hút chích, vũ trường ở Sài Gòn. Ngoài ra ông còn được hỗ trợ của giới doanh nhân như: Vua kẽm gai Hoàng Kim Quy, vua thuốc Bắc Xí ngàn hay vua thuốc đỏ La Thành Nghệ. Đại sống với anh em tình thân thủ túc, nên ngày càng được trọng vọng, vị nể. Ông thường xuyên ra tay nghĩa hiệp cứu người, Đại Cathay vô tình là ân nhân của một số quan chức quan trọng trong giới chính quyền.
Tuy nhiên, thời yêng hùng không kéo dài được bao lâu khi Trung tâm bài trừ du đãng ra đời. Trần Đại được xem là phần tử đặc biệt nguy hiểm bởi hoạt động băng nhóm độc lập, không phe cánh với cảnh sát. Dù không có chứng cứ cụ thể để buộc tội, cảnh sát vẫn tống giam Đại Cathay 45 ngày ở trại Chí Hòa để cảnh cáo. 
Trong cuộc đời mình, Đại Cathay bị bắt tổng cộng 10 lần trong đó 9 lần bị bắt về tội danh “du đãng”, không phải trộm cướp như nhiều tội phạm hình sự khác. 
Nhiều lời đồn rằng, khi tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ mời Trần Đại làm vệ sĩ, Đại từ chối thẳng thừng với lý do “không cam lòng khi thấy đàn em thất nghiệp”. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, giám đốc Nha cảnh sát Đô thành ra lệnh cho Đại Cathay giải tán băng đảng, Đại cũng khôn khéo từ chối “Giang hồ không có vua. Tôi đâu có ra lệnh cho các băng khác được”. Sau những câu chuyện đó, Đại Cathay càng được giới giang hồ vị nể. Nhận thấy Đại Cathay là mối nguy hiểm tiềm ẩn, Tổng nha Cảnh sát đã họp bàn, quyết định đưa Đại ra “an trí” tại đảo Phú Quốc vào ngày 28/11/1966. 
Lúc bấy giờ, Đại Cathay bị cảnh sát đưa vào diện đặc biệt nguy hiểm.Tướng Loan biết rõ, dù không ngồi ngai vua nhưng dưới trướng của Đại Cathay là hàng nghìn dân chơi ở Sài Gòn, là các mối quan hệ làm ăn với những ông trùm tài phiệt trong và ngoài nước.
Nếu đúng theo lời đồn đại thì Đại Cathay đã chết cách đây tròn 50 năm. Cái chết bí ẩn này được xem là dấu chấm hết cho phong cách “du đãng” hồi thập niên 1960, với đặc tính: chơi trội và chơi “có hậu” theo luật giang hồ. 
Cuộc đời những giang hồ nổi tiếng luôn có 2 mặt đen và trắng. Rất nhiều cái chết đã lặng im mãi mãi. Nhưng nhiều cái chết đôi khi vẫn biết nói chuyện, kể lại những câu chuyện trắng đen dài tập cho những thế hệ mai sau. Tuy nhiên, với bạn, tốt nhất là hãy sống theo triết lý đơn giản “sống lương thiện ngay từ đầu”.