VĂN HÓA

Đắm chìm trong thế giới trẻ thơ qua triển lãm tranh sơn mài 'Song tấu lạ'

Mỹ Nhàn • 24-11-2023 • Lượt xem: 1351
Đắm chìm trong thế giới trẻ thơ qua triển lãm tranh sơn mài 'Song tấu lạ'

Trình bày hơn 80 tác phẩm hội họa theo trường phái hiện thực của đôi vợ chồng họa sĩ Đoàn Thúy Hạnh và Trần Đình Khương, triển lãm tranh với chủ đề "Song tấu lạ" sẽ diễn ra trong 2 tuần kể từ ngày 24/11 đến 8/12 tại An Gallery, số 159 Đồng Khởi, Quận 1, TP.HCM. Đây là lần đầu tiên cặp đôi họa sĩ đến từ Hà Nội này có triển lãm cá nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Dù thực hiện chung một triển lãm nhưng mỗi họa sĩ lại theo đuổi một phong cách thể hiện cũng như lý tưởng nghệ thuật khác nhau. Riêng nữ họa sĩ Đoàn Thúy Hạnh, cô lựa chọn phản ánh hiện thực cuộc sống thông qua những tác phẩm của mình. Theo đó, sợi dây kết nối xuyên suốt toàn bộ tác phẩm của cô chính là trẻ thơ và góc nhìn của chúng đối với thế giới xung quanh. 

Chia sẻ về lý do lựa chọn đề tài này, Đoàn Thúy Hạnh cho biết cô thích vẽ trẻ con vì chúng chính là hiện thân của sự trong trẻo và thánh thiện. Khác với thể loại tranh sơn mài truyền thống, nữ họa sĩ lựa chọn sử dụng chất liệu vải để màu sắc của tác phẩm được tươi sáng hơn, đồng thời tăng khả năng biểu đạt thông qua biên độ sáng tối trên tranh. Vì thế, khi có dịp thưởng lãm tranh Đoàn Thúy Hạnh, bạn sẽ thấy màu sắc trong tranh được chuyển động, hòa quyện với không gian bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, từ đó tạo nên một cảm giác yên bình, ấm áp cho người xem.

Bên cạnh chủ đề trẻ em, nữ họa sĩ còn đặc biệt có hứng thú với đề tài thiên nhiên, hoa cỏ như hoa sen, cúc, loa kèn, ngọc trâm, dâm bụt... "Khi vẽ trẻ em, tôi cảm nhận sự thanh thản trong tâm hồn từ tình cảm yêu thương, trong sáng của các bé. Dần dà, tôi tìm thấy điều tương tự ở những loài hoa tôi yêu thích được đặt để trong nhà và bên ngoài thiên nhiên.", nữ họa sĩ đến từ Hà Nội chia sẻ.

Cùng xuất hiện trong triển lãm lần này với chất liệu tranh sơn màu nhưng họa sĩ Trần Đình Khương - chồng của chị Đoàn Thúy Hạnh, lại lựa chọn khai thác đề tài về cá. Với 31 tác phẩm về đề tài loài cá, nam họa sĩ chia sẻ, cá chép luôn là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của anh. Anh cho biết, cá chép trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của nhiều người Việt tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy cùng nghị lực, ý chí vươn lên không ngừng.

Hoạ sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, người đóng vai trò Cố vấn Nghệ thuật của triển lãm lần này nhận xét: “Với khả năng biểu đạt kỹ thuật nhuần nhuyễn kết hợp phương pháp “Thêu hoa dệt gấm” biến ảo các sắc màu sáng, tươi đan xen những vùng loang chảy miên man ở sắc độ, tác phẩm của Trần Đình Khương mang đến hương vị đằm thắm, thanh nhã. Cũng từ Khương cùng các nghệ sĩ khác, chất liệu sơn mài truyền thống đã được tiếp nối, mở hướng cho những cách tân”. Dưới góc nhìn của dòng tranh siêu thực, hình thực cá trong tranh của anh được xem là sứ giả ký ức trong tâm trí của biết bao người Việt.

Chia sẻ về nguồn cảm hứng sáng tạo ra những đứa con tinh thần của mình, họa sĩ Trần Đình Khương cho biết: “Trong tôi như có hai dòng chảy với những hình ảnh luôn đan xen trong tâm tưởng. Ở một bên, trong đời sống văn hóa nghệ thuật, tâm linh, của những câu chuyện dân gian hiện đại, những sự tích truyền miệng, cá chép có một đời sống, một vị trí rất riêng với những loài thủy cư khác. Còn bên kia có một loài cá được hiện hữu trong kí ức của thế hệ 7x, trong đó có tôi, đó là cá chọi. Những chú cá chọi nhỏ bé thôi nhưng chúng có thân hình, màu sắc độc đáo với bộ vây mềm mại mà khi khoe sắc thì thật kỳ ảo”.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1995, nữ họa sĩ Đoàn Thúy Hạnh hiện tại đang là hội viên Câu lạc bộ nữ tác giả thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông xã của cô, họa sĩ Trần Đình Khương, sinh năm 1972 tại Hà Nội, cũng có cùng xuất phát điểm là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Anh từng là thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ, hiện là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sau gần 30 năm, cả hai vẫn luôn song hành cùng nhau trong nghệ thuật cũng như cuộc sống.