ĐỜI SỐNG

Dân văn phòng 'đau đầu' khi rộn ràng mùa cưới

Anh Thư • 22-10-2022 • Lượt xem: 320
Dân văn phòng 'đau đầu' khi rộn ràng mùa cưới

Theo phong tục quan niệm rằng, mùa cưới sẽ bắt đầu vào mùa thu đến hết mùa xuân (từ tháng 8 đến hết tháng 2 âm lịch). Quan niệm này vẫn được gìn giữ và lưu truyền đến tận ngày nay, vì đây là những tháng có khí hậu mát mẻ, mọi người thảnh thơi. Tuy nhiên bên cạnh sự chung vui với cô dâu chú rể, các khách mời thời nay còn căng thẳng vì ngoài tiền mừng cưới, còn phải chuẩn bị một khoản không nhỏ cho trang phục, phụ kiện, phương tiện di chuyển khi đi ăn cưới. 

Đối với hầu hết mọi người nói chung và hội nhân viên văn phòng nói riêng, những tháng bước vào mùa cưới là thời điểm buồn vui lẫn lộn. Vui vì được chứng kiến thêm một hạnh phúc mới, nhưng cũng băn khoăn vì không biết làm sao để cân đối các khoản chi tiêu cho những tháng có quá nhiều thiệp mời. Không chỉ tiền mừng cưới, các chi phí dành cho việc mua quần áo phù hợp, trang điểm hay phương tiện di chuyển tưởng rằng không đáng kể lại làm hao hụt hầu bao của dân văn phòng khá nhiều.

Đầu tư vẻ ngoài khi đi ăn cưới

Vì tính chất công việc đặc thù phải giao tiếp với nhiều người, nên ngày thường đi làm, hội chị em đã phải tiêu tốn một khoản không nhỏ cho váy áo, giày dép hay mỹ phẩm. Vì thế, không có gì là khó hiểu khi tham dự những dịp quan trọng và có đông người như tiệc cưới, họ càng phải chuẩn bị chỉn chu, cẩn thận và nổi bật hơn nữa. Cho dù không phải kiểu người quá chưng diện, nhưng tâm lý chung của nhiều người thường sẽ chọn mặc đồ mới để thể hiện sự tôn trọng đối với ngày trọng đại của cô dâu chú rể và bản thân mình cũng không bị “lép vế”.

Nhiều nhân viên văn phòng chia sẻ rằng có những tháng họ nhận được tận 4, 5 thiệp mời, có khi phải “chạy show” hai đám cưới cùng một ngày. Đó có thể là gia đình, họ hàng, hoặc chỉ là những mối quan hệ xã giao nhưng họ vẫn gửi thiệp. Đối với riêng hội chị em công sở, vì luôn muốn xuất hiện thật lộng lẫy nên tiền mừng cưới không khiến họ đau đầu bằng tiền trang điểm, quần áo. Nhiều chị em trần tình rằng có khi tiền mua đồ mới còn gấp đôi tiền mừng. Mua một bộ trang phục mới sẽ giao động từ 500.000 đến 800.000, nhưng quần áo là chưa đủ, còn phải tốn thêm tiền phụ kiện, nối mi, làm móng,… với những tháng cao điểm mùa cưới, phần chuẩn bị này lên đến khoảng 4.000.000/tháng, một cô bạn nhân viên văn phòng chia sẻ. Bên cạnh lý do tôn trọng cô dâu chú rể và tăng thêm sự tự tin cho bản thân, tâm lý “Đồ đã chụp ảnh là đồ cũ” cũng khiến hội chị em mạnh tay chi tiền cho các khoản này. Họ cho rằng nếu không đi thì gửi tiền mừng, còn đã đi ăn cưới thì nhất định không được xều xòa.

Vì vậy, dẫu nhiều khi “đau ví”, nhưng vẫn phải bấm bụng để đầu tư cho bản thân. Chia sẻ thêm về vấn đề trang phục, nhiều chị em cho biết đám cưới của các bạn trẻ thời nay hiện đại hơn so với ngày xưa rất nhiều. Có những đám cưới họ đưa ra quy định riêng về trang phục, họ yêu cầu khách đến dự phải mặc theo đúng màu sắc đã được quy định nên buộc phải mua quần áo mới cho phù hợp. Chưa kể, nhiều cặp đôi tổ chức đám cưới trên bãi biển, khu nghỉ dưỡng, tiệc ngọt tiệc mặn,… nên có muốn không đầu tư cũng khó.

Dân văn phòng rộn ràng đầu tư cho mùa cưới - Hình minh họa

Duy trì các mối quan hệ

Vốn không phải nghề có mức thu nhập cao chót vót, nên vào những tháng cao điểm của mùa cưới, nhiều nhân viên phải “thắt lưng buộc bụng” vì đã chi hơn nửa tháng lương cho việc đi ăn cưới. Nhiều bạn trẻ phải thú nhận rằng họ không có thói quen viết ra các khoản chi tiêu cụ thể, nhưng vào mùa cưới, họ cũng phải thống kê sơ qua để cân đối hợp lý. Với hơn nửa tháng lương bỏ ra đi ăn cưới, những ngày sau đó họ buộc phải hạn chế các khoản chi ở mức tối đa. Không mua hàng online, không tụ tập bạn bè, không ăn ngoài mà chuyển sang cơm nhà. Một số khác nói rằng họ đã quen với việc nhận 4, 5 thiệp mời mỗi tháng khi vào mùa cưới, nên đã dành ra một khoản dự trù riêng cho các dịp như đám cưới, sinh nhật, và các chi phí phát sinh khác. Nhưng vào những tháng cao điểm, khoản dự trù này cũng không chi trả đủ cho chi phí mua sắm, quà cưới, tiền bỏ phong bì, vé máy bay hay tàu xe di chuyển. Tuy nhiên, việc lập danh sách chi tiêu và có riêng một khoản dự trù khiến họ không bị quá tay và thâm hụt nhiều vào các quỹ khác.

Nói về việc đi ăn cưới để duy trì các mối quan hệ, hội nhân viên văn phòng chia sẻ rằng việc được mời đi nhiều đám cưới là khó tránh khỏi, bởi tính chất công việc có nhiều mối quan hệ và cần giữ gìn chúng cho các cơ hội khác trong tương lai. Chúng ta cũng nên bình thường hóa việc một tháng được nhận nhiều thiệp mời cưới, thay vì than thở vì tốn tiền, hãy đón nhận nó bằng sự tích cực như đây là dịp để tìm kiếm các mối quan hệ mới trong cuộc sống, tiếp tục duy trì các mối quan hệ cũ, cơ hội để được đi du lịch, diện đồ mới và có nhiều ảnh đẹp. Điều này sẽ giúp bạn giảm cảm giác “đau ví” và thấy vui vẻ hơn. Trong trường hợp cho rằng các mối quan hệ xã giao không quá quan trọng thì cứ mạnh dạn từ chối.

Đau đầu trong mùa cưới đã là điều hiển nhiên của dân văn phòng, vì vậy, cần chuẩn bị một tâm lý thoải mái, lên kế hoạch chi tiêu cụ thể cho các quỹ để cuộc sống ít bị xáo trộn. Bạn cũng có thể tiết kiệm bằng cách tận dụng quần áo và giày dép cho các sự kiện khác, săn các mã khuyến mãi khi mua sắm quần áo, phụ kiện, làm tóc hay trang điểm để giảm bớt phần nào chi phí. Thậm chí ngay cả vé máy bay, tàu xe hay khách sạn hiện nay cũng có rất nhiều ưu đãi cho khách du lịch nên hãy tận dụng để tận hưởng niềm vui trọn vẹn mỗi khi rộn ràng mùa cưới nhé.