VĂN HÓA

‘Đánh thức’ văn hóa đọc trong thiếu nhi

Thơ Ly • 19-06-2023 • Lượt xem: 1382
‘Đánh thức’ văn hóa đọc trong thiếu nhi

Đối với lứa tuổi thiếu nhi, việc giúp các em hình thành và duy trì thói quen đọc sách, giảm bớt thời gian giải trí bằng những thiết bị điện tử là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Song, việc khơi dậy văn hóa đọc trong thiếu nhi vốn chẳng dễ dàng.

Không nên để “nước đến chân mới nhảy"

Nguyễn Nhật Ánh là tác giả được đông đảo thanh thiếu niên ưa thích. Ông cũng là nhà văn giữ kỷ lục sách bán chạy tại Việt Nam. Điều đó cho thấy, Nguyễn Nhật Ánh là cây bút có thu nhập từ nhuận bút sách cao nhất và ổn định nhất trong nhiều năm gần đây.

Tuy nhiên trước các thời đại kỹ thuật số, khi những thiết bị xem - nghe trở nên phổ biến và tiện lợi, đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh còn phải thừa nhận sách thiếu nhi đang phải cạnh tranh khốc liệt với các loại hình giải trí khác. Từ đó làm thời gian đọc của các em nhỏ cũng dần thu hẹp.

Với nhiều bậc cha mẹ, điều này cũng trở thành vấn đề nan giải của họ. Bởi lúc mùa hè bắt đầu, những đứa trẻ tinh nghịch sẽ ở nhà nhiều hơn và cũng sẽ thường xem tivi và lướt mạng nhiều hơn. Thế giới trên mạng vốn đầy cám dỗ và ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn những video độc hại nhưng thực tế trên YouTube hay TikTok vẫn có khá nhiều clip nhảm nhí, dễ gây ảnh hưởng đến trẻ.

Theo các chuyên gia văn hóa và giáo dục, các bậc phụ huynh không nên để “nước tới chân mới nhảy". Có nghĩa là không nên đợi đến kỳ nghỉ hè mới lo lắng chuyện con lười đọc sách. Các em cần được rèn luyện kỹ năng đọc sách trước đó và duy trì nó một cách thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, bản thân các bậc phụ huynh cũng nên tạo dựng thói quen này hay vì chăm chú dùng điện thoại “lướt mạng” mỗi ngày. Mỗi gia đình nên có một tủ sách riêng và bản thân các bậc cha mẹ chần hướng dẫn, chủ động mua sách cho trẻ khi còn nhỏ thay vì đợi đến 14-15 tuổi mới đốc thúc.

Đồng tình với quan điểm này, diễn giả Nguyễn Quốc Vương cho biết: “Yếu tố đầu tiên chúng ta muốn sửa để trẻ con có thói quen đọc sách là từng gia đình, từng cộng đồng cùng theo đuổi văn hóa đọc, thoát đi cuộc sống đời thường về cơm áo. Chúng ta cần có định hướng về tư tưởng hướng đến một cuộc sống không chỉ có cơm ăn, áo mặc, nhà ở mà còn hiểu biết về văn hóa và vui với văn hóa đó”. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn khuyến khích các bậc phụ huynh cho bé tham gia những sự kiện giao lưu độc đáo để thu hút bé đến với sách.

Sách nội cần “mặn mà" hơn với lứa tuổi thiếu nhi

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng than vãn rằng văn học thiếu nhi đang là mảnh đất bị lãng quên và chúng ta cần đánh thức lại nó”. Nhiều năm trở lại đây, có thể thấy các nhà văn - nhà thơ - tác giả chuyên viết sách thiếu nhi cứ như đang vắng bóng ở đâu đá và không hề mặn mà với việc viết sách cho lứa tuổi này.

Trước đây, văn học Việt Nam từng có thời kỳ mà các nhà văn viết sách thiếu nhi một cách say mê và đầy trách nhiệm. Từ đó, chúng ta có vô số tác phẩm đình đám như Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài); Tìm mẹ, Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng), Cái Tết của mèo con (Nguyễn Đình Thi), cùng nhiều tác phẩm của các nhà văn - nhà thơ như Võ Quảng, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Nguyễn Quang Sáng, Phong Thu, Định Hải, Xuân Quỳnh…

Để lấy lại thời vàng son đó, Hội Nhà văn Việt Nam bắt đầu từ việc phát động Cuộc vận động sáng tác văn học đề tài thiếu nhi (từ cuối năm 2021 đến tháng 5/2025). Tính tới thời điểm hiện tại, khoảng 200 bản thảo dự thi đã được gửi tới.

Những cuộc thi này sẽ góp phần giúp chúng ta tìm kiếm những nhân tố mới viết sách, có cơ hội bồi dưỡng đội tác giả viết sách cho thiếu nhi.  Từ đó, số lượng sách dành cho thiếu nhi TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung cũng được tạo động lực thúc đẩy, nâng cao chất lượng.