VĂN HÓA

Đào Duy Từ - Vị quân sư Việt Nam tài hoa không kém Gia Cát Lượng

Cẩm Chi • 29-11-2022 • Lượt xem: 1084
Đào Duy Từ - Vị quân sư Việt Nam tài hoa không kém Gia Cát Lượng

Đào Duy Từ (1572 - 1634) là nhà quân sự, mưu thần, nhà chiến lược nổi tiếng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, có công giúp Đàng Trong lột xác hoàn toàn về quân sự để đứng vững trước các cuộc tấn công quy mô lớn của họ Trịnh từ phương bắc. Ông được xem là một trong những “đệ nhất khai quốc công thần” và được thờ trong Thái Miếu sau khi qua đời.

Tài hoa sớm bộc lộ và thời niên thiếu bất đắc chí

Đào Duy Từ quê ở Thanh Hóa. Cha qua đời khi ông vừa tròn 5 tuổi. Từ đó một mình mẹ tảo tần nuôi ông lớn khôn. Năm 21 tuổi, ông đỗ kỳ thi hương với thứ hạng cao.

Đào Duy Từ (1572 - 1634) được mệnh danh là “đệ nhất khai quốc công thần” của triều Nguyễn

Tuy nhiên niềm vui không bao lâu thì ông bị tước hết danh hiệu vì... cha ông là một đào hát. Lúc bấy giờ, luật lệ nhà Lê cấm con của đào hát thi cử vì quan niệm “xướng ca vô loài”. Để lách luật, Đào Duy Từ đổi tên thành Vũ Duy Từ (theo họ mẹ) đi thi. Sau cùng sự việc bại lộ vì một tên xã trưởng ngấp nghé nhan sắc của mẹ ông nhưng bị từ chối. Hắn tố cáo “sự thật” lên quan trên. Mọi chuyện vỡ lỡ, mẹ ông tự sát. Đào Duy Từ vừa thất bại thi cử vừa mất mẹ nên bệnh nặng suốt thời gian dài.

Đào Duy Từ gặp chúa Tiên Nguyễn Hoàng

Một giai thoại cho rằng người đã giúp chàng thanh niên bất đắc chí họ Đào gượng dậy chính là Tiên chúa Nguyễn Hoàng (vị chúa Nguyễn đầu tiên khai phá và lập nên Đàng Trong). Khoảng cuối năm 1593 thì chúa Nguyễn phải ra bắc yết kiến vua Lê. Thông qua vài người bạn thân, ngài biết đến Đào Duy Từ. Tiếc thương một tài năng, chúa đã đến gặp, cho tiền bạc và động viên tinh thần chàng trai.

Đền thờ Đào Duy Từ (hiện ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) do Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên hạ lệnh xây dựng năm 1634.

Bia tiểu sử Đào Duy Từ tại đền thờ ông ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Đó là cuộc gặp định mệnh giữa hai con người có số phận trùng hợp đến lạ thường. Cả hai đều tài hoa kiệt xuất nhưng cùng lúc gặp phải những khó lớn trong cuộc sống.

Lúc đó Đàng Trong còn quá nhỏ yếu. Chúa Nguyễn Hoàng bề ngoài là ra bắc báo cáo công tác nhưng thực tế là một dạng làm con tin. Thế nên ngài cũng không thể công khai chiêu mộ nhân tài, đem Đào Duy Từ bên người được. Chúa chỉ nhắn nhủ chàng thanh niên nếu được thì hãy tìm đường vào nam và hứa sẽ trọng dụng.

Lời hứa của hai người đàn ông được thực hiện sau hơn 30 năm

Sau khi gượng dậy được, Đào Duy Từ sống bằng nghề dạy học.

Thời xưa di chuyển khó khăn. Không phải cứ muốn “chuyển nơi công tác” là thực hiện được ngay. Hơn nữa, tuy bị đánh rớt nhưng Đào Duy Từ có tài là sự thật. Thế nên mặc dù không thể làm quan ở Đàng Ngoài nhưng ông cũng bị “để ý” và rất khó công khai dời nhà vào Nam theo chúa Nguyễn.

Phải mãi đến năm 1625 thì Đào Duy Từ (lúc này đã 53 tuổi) mới xuôi Nam trốn vào Đàng Trong được. Thế nhưng lúc bấy giờ “người quen” (chúa Nguyễn Hoàng) đã qua đời, người kế vị là chúa Nguyễn Phúc Nguyên.

Đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ ở Thanh Hóa.

Đào Duy Từ tìm đến đất Hoài Nhơn và làm nghề chăn trâu để mưu sinh. Ông tìm hiểu được tin tức vị quan nơi đây (Khám lý Trần Đức Hòa) vốn là thân tín của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Ông cũng dành thời gian để tìm hiểu về cuộc sống dân sinh và các khía cạnh xã hội ở Đàng Trong, chuẩn bị các kế sách có thể dâng lên cho chúa nếu được trọng dụng.

Sau cùng, khám lý Trần Đức Hòa cũng phát hiện ra tài hoa của Đào Duy Từ. Ông gả con gái cho “chàng chăn trâu” và quyết định tiến cử người con rể cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên.

8 năm đẹp nhất cuộc đời được thỏa sức bộc lộ tài hoa

Cuối cùng thì vào năm 1627, Đào Duy Từ cũng thỏa ước nguyện khi được chúa Nguyễn Phúc Nguyên triệu kiến. Ngay trong buổi gặp đầu tiên, cả hai đã trò chuyện cực kỳ ăn ý quên cả giờ giấc. Chúa Nguyễn chấn kinh vì tài năng kiệt xuất của người đối diện. Còn Đào Duy Từ cũng hết sức hài lòng vì được gặp minh chủ. Lúc bấy giờ, Đào Duy Từ 55 tuổi còn chúa Nguyễn Phúc Nguyên thì 64. Cả hai chỉ hận gặp nhau quá muộn.

Chúa Nguyễn lập tức phong Đào Duy Từ tước Lộc Khuê Hầu và đảm nhận chức quan nội tán (trông coi việc quân cơ, được thảo luận các chiến lược tối cao của Đàng Trong). Thực tế nói đơn giản thì Đào Duy Từ chính là quân sư, mưu sĩ cao cấp nhất của chúa Nguyễn Phúc Nguyên.

Việc phong quan tước cho người hầu như chưa lập một tấc công nào gặp phải nhiều dị nghị, thế nhưng chúa Nguyễn Phúc Nguyên vẫn quyết tâm làm vậy. Không phụ lòng tin của chúa công, Đào Duy Từ nhanh chóng bộc lộ tài hoa xuất chúng khiến các quan đồng liêu phải nể phục.

Khi chúa Trịnh muốn tấn công Đàng Trong, Đào Duy Từ đã dùng kế hoãn binh để có đủ thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến. Ông cũng giỏi dùng mưu khi phao tin phía Bắc phản loạn làm chúa Trịnh phải tự lui binh.

Đào Duy Từ đã tư vấn cho chúa Nguyễn xây dựng hệ thống thành lũy chiến lược (lũy Thầy, lũy Trường Dục), đồng thời đánh chiếm một số vùng đất để đẩy phòng tuyến chống lại họ Trịnh lên tận phía nam sông Gianh.

Một phần di tích lũy Thầy do Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng hiện nay còn lại ở Quảng Bình.

Ông định ra các chế độ huấn luyện, tái cơ cấu quân đội chúa Nguyễn để trở nên thiện chiến hơn. Ông viết quyển binh thư "Hổ trướng khu cơ" để dạy các tướng sĩ Đàng Trong hành quân đánh trận. Đây là một trong những cuốn sách viết về nghệ thuật quân sự xuất sắc bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Điểm đặc biệt là sách này viết thiên về thực hành và dễ hiểu để các tướng sĩ Đàng Trong có thể nhanh chóng áp dụng vào thực tế.

Tháng 10 năm 1634, ông qua đời tại Huế, hưởng thọ 63 tuổi. Đào Duy Từ được chúa Nguyễn phong làm “Hiệp đồng mưu đức công thần, đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu”. Tuy chỉ phụng sự chúa Nguyễn trong 8 năm ngắn ngủi, thế nhưng ông đã đặt những viên gạch cực kỳ vững chắc (nhất là về quân sự) giúp nhà Nguyễn có thể hùng cứ phương Nam hàng trăm năm về sau.