ĐỜI SỐNG

Dấu hiệu khiếm thính ở trẻ em

Quỳnh Phương • 01-07-2022 • Lượt xem: 256
Dấu hiệu khiếm thính ở trẻ em

Không giật mình vì tiếng ồn, một tuổi không biết gọi bố, mẹ, trẻ lớn hơn nói không rõ ràng, không làm theo chỉ dẫn, hay phải hỏi lại, xem tivi với âm thanh lớn… là các dấu hiệu suy giảm thính lực.


Khám sàng lọc phổ cập thính lực cho trẻ sơ sinh có thể giúp xác định hầu hết các trẻ có vấn đề về thính giác một cách nhanh chóng và chính xác. Những bài kiểm tra đơn giản thông qua nhận biết các dấu hiệu suy giảm hoặc mất thính lực cũng có thể giúp cha mẹ phát hiện sớm 80 - 90% các trường hợp. 

Ở trẻ sơ sinh, các dấu hiệu suy giảm hoặc mất thính lực thường được biểu hiện: Không giật mình vì tiếng ồn lớn; hơn 6 tháng tuổi nhưng trẻ không có phản ứng với nguồn phát ra âm thanh; Không nói những từ đơn lẻ, chẳng hạn như “bố” hoặc “mẹ” khi trẻ 1 tuổi; Quay đầu lại khi trẻ nhìn thấy bố, mẹ, người thân nhưng không quay đầu lại khi được gọi tên.

Ở trẻ từ 3 tuổi trở lên, lời nói không rõ ràng; không tuân theo chỉ dẫn; hay nói “Hả?"; Xem Tivi với mức âm lượng cao… thường là biểu hiệu của suy giảm hoặc mất thính lực một bên hoặc hai bên.

Suy giảm thính lực là tình trạng nghe không rõ hoặc không nghe được âm thanh ở một tai hoặc cả hai tai. Ở trẻ sơ sinh, yếu tố di truyền chiếm một nửa nguyên nhân (cứ 2 trẻ khiếm thính thì có một trường hợp là do di truyền); các nguyên nhân khác bao gồm người mẹ bị nhiễm trùng khi mang thai; biến chứng sau sinh; sinh non; chấn thương đầu. 

Ở trẻ lớn hơn, suy giảm thính lực có thể do nhiễm trùng tai, mắc một số bệnh lý ảnh hưởng đến tai như hội chứng khe-mang-thận; Down hoặc hội chứng Usher; Tiếng ồn lớn cũng là nguyên nhân phổ biến gây suy giảm thính lực hoặc điếc ở trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay do thói quen dùng tai nghe ở mức âm lượng cao, nghe trong thời gian kéo dài.

Trẻ sơ sinh và trẻ em nên đạt được các mốc quan trọng trong cách chúng chơi, học, giao tiếp và hành động. 

Trẻ 3 tháng tuổi phải nhận ra giọng nói của mẹ, phát ra tiếng thủ thỉ và bị giật mình bởi những tiếng động lớn đột ngột.

Trẻ 6 tháng tuổi, phải biết nhận ra âm thanh, giọng nói quen thuộc, quay đầu về phía những âm thanh thú vị, chơi với giọng của chính mình và cười; Biết biểu thị niềm vui và sự khó chịu qua lời nói, đồng thời phải biết trò chuyện với cha, mẹ.

Trẻ 9 tháng tuổi, phải hiểu được những từ đơn giản như “Mẹ ơi” “Bố ơi”, “không”, “tạm biệt” và tên của chính mình. Đến tháng thứ 10 tháng trẻ biết bập bẹ tập nói.

Sau 12 tháng tuổi, trẻ phải hiểu và có thể nói được những từ đơn giản, quen thuộc như ăn, uống, chơi, ngủ… 

Đến 18 tháng, trẻ cần hiểu các cụm từ đơn giản và có thể lấy các đồ vật quen thuộc và chỉ vào các bộ phận cơ thể theo lệnh (không cần cử chỉ). Bé có vốn từ vựng nói gồm 20 đến 50 từ và các cụm từ ngắn như “tất cả đã hoàn thành”, “đi chơi”, “Mẹ ơi” và học từ mới mỗi tuần.

Khi trẻ được 24 tháng, vốn từ vựng nói phải đạt 200 đến 300 từ và có thể nói được những câu đơn giản. 

Sự chậm trễ trong bất kỳ cột mốc nào đều có thể là dấu hiệu của mất thính giác hoặc các vấn đề phát triển khác. Cha mẹ cần phát hiện và can thiệp sớm để trẻ có thể phát triển ngôn ngữ và giao tiếp như trẻ bình thường. Suy giảm hoặc mất thính lực có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện ở trẻ em.