ĐỜI SỐNG

Dấu vân tay - Sự khác biệt xác định danh tính mỗi cá nhân

Cẩm Chi • 23-05-2023 • Lượt xem: 919
Dấu vân tay - Sự khác biệt xác định danh tính mỗi cá nhân

Cùng với ADN thì dấu vân tay chính là bằng chứng sinh học để xác minh thân phận mỗi người. Và trong gần 8 tỷ người trên trái đất, tuyệt đối không có hai dấu vân tay giống hệt nhau.

Dấu vân tay là gì và chúng được hình thành như thế nào?

Dấu vân tay là những đường vân (hoa văn) ở phần da trên các đầu ngón tay mỗi người. Hãy tưởng tượng mảng da trên đầu ngón tay là vùng đồng bằng, thì vân tay chính là những dãy núi dài liên miên uốn lượn phía trên. Những dãy núi đó được gọi dưới tên khoa học là đường vân ma sát. Và giữa “những dãy núi” là các lỗ chân lông dày đặc nối với tuyến mồ hôi dưới da. Vì vậy, mỗi khi con người dùng ngón tay cầm nắm vật thể thì mồ hôi sẽ tiết ra và để lại các dấu vân tay trên đồ vật.

Các cặp song sinh cùng trứng có gen, ngoại hình và chiều cao tương đương nhau, nhưng dấu vân tay của họ hoàn toàn khác nhau.

Hiện nay, khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên lý chính xác của việc hình thành dấu vân tay. Sự hình thành của chúng là ngẫu nhiên và không thể dự đoán được. Thời điểm dấu vân tay bắt đầu xuất hiện là từ tuần 13 đến tuần 19 trong thai kỳ của bào thai.

Tác dụng thường được biết đến của dấu vân tay là để xác định danh tính một cá nhân. Mỗi dấu vân tay sẽ có số đường vân, các sắp xếp, bố cục, kích thước... khác biệt nhau. Và thực tế gần như không thể có hai dấu vân tay giống hệt. Các nhà khoa học đã tính toán, xác xuất có hai dấu vân tay giống hệt nhau từ hai người là khoảng 1 phần 64,5 tỷ.

Một phỏng đoán được cho là có độ chính xác cao nhất về sự hình thành của vân tay là chúng được tạo ra bởi một loạt kết hợp giữa: gen di truyền, tác động của môi trường bào thai trong bụng mẹ, sự cung cấp ô xi, sự phát triển hệ thống thần kinh...

ADN không là nguyên nhân duy nhất tạo nên riêng biệt của vân tay.

Và cũng vì như thế, dẫu có cùng mẫu ADN, thế nhưng vân tay giữa 10 ngón tay mỗi người đều khác nhau. Bởi dưới sự tác động của nhiều yếu tố, từng ngón tay có một môi trường phát triển vi mô không giống nhau từ khi còn trong bụng mẹ.

Bên cạnh việc dùng để xác định danh tính cá nhân, một số nghiên cứu cho rằng dấu vân tay có ảnh hưởng quan trọng đến một trong những giác quan của con người - xúc giác. Chúng giúp cho xúc giác thêm nhạy cảm, tăng thêm ma sát giữa ngón tay và đồ vật, giúp chủ nhân cầm nắm vật thể thuận tiện hơn.

Trên thực tế, việc dùng dấu vân tay để định dạng cá nhân đã được người Babylon cổ đại sử dụng. Họ ấn ngón tay trên các tấm đất sét để ghi lại giao kèo giữa những bên liên quan trong các cuộc giao dịch. Một số nước phương Đông cũng sử dụng việc lăn dấu tay trên giấy (bằng mực) để thực hiện các thỏa thuận.

Dấu vân tay cũng giống như bông hoa tuyết. Không bao giờ có hai cái hoàn toàn giống nhau.

Con người từ khi vừa chào đời đã có vân tay. Theo thời gian mỗi người lớn lên, chúng được phóng đại ra nhưng vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu (cho đến tận cuối đời). Kể cả khi bị bỏng hay các vết thương ngoài da thì khi lành lặn, vân tay vẫn không thay đổi hình dạng. Trừ khi bị những vết thương nặng (chằng chịt) hoặc cố ý can thiệp bằng phẫu thuật thẫm mỹ thì dấu vân tay mới có thể thay đổi.

Dấu vân tay được chính thức sử dụng để định danh công dân từ khi nào?

Pháp là có thể được xem là quốc gia đầu tiên áp dụng dấu vân tay vào hồ sơ pháp lý. Năm 1882, theo ý tưởng từ Alphonse Bertillon, cảnh sát Paris đã lần đầu tiên áp dụng việc lăn ngón tay trên các hồ sơ căn cước công dân. Sau đó, việc sử dụng dấu vân tay để nhận diện công dân dần dần được các quốc gia khác áp dụng.

Năm 1905, nước Anh lần đầu tiên có tội phạm bị kết án nhờ vật chứng là dấu vân tay. Hai anh em Alfred và Albert bị kết án tử hình vì trộm cắp và sát hại nạn nhân ở ngoại ô London. Hiện trường vụ án có dấu vân tay của hai người. Cảnh sát đã lần ra manh mối và bắt giữ được họ. Đây là một vụ án chấn động vào thời điểm đó bởi lần đầu tiên dấu vân tay được sử dụng như một bằng chứng pháp lý.

Trung bình một người có khoảng 50 điểm giao nhau giữa các đường vân trên mỗi ngón tay.

Tiếp đến năm 1911, ở Hoa Kỳ (Chicago, Illinois), Thomas Jennings bị kết án giết người. Anh đã bỏ trốn khỏi hiện trường gây án. Tuy nhiên, một dấu vân tay trên lan can ngôi nhà anh phạm tội đã giúp cảnh sát phá án nhanh chóng.

Kể từ đó, dấu vân tay ngày càng được nhiều quốc gia sử dụng. Hiện tại, chúng đã trở thành một dấu hiệu nhận diện không thể thiếu với mỗi cá nhân. Đến độ tuổi quy định, mỗi người sẽ phải lưu dấu tay cá nhân vào hệ thống tư pháp quốc gia để làm căn cước công dân.