VĂN HÓA

Đêm ở sân ga

Bài và ảnh: Hà Thành • 14-10-2023 • Lượt xem: 2070
Đêm ở sân ga

Đêm ở sân ga chứa đựng, lắng đọng nhiều cảm xúc của những chuyến đi, và trở về; là một không gian của những buồn vui, để lại nhiều kỷ niệm trong cuộc sống của đời người.

Tàu hỏa (cùng ngành đường sắt) là một loại phương tiện giao thông có lịch sử lâu đời trên thế giới cũng như ở Việt Nam và hiện vẫn tồn tại, đảm trách công việc như thủa ban đầu. So với nhiều loại phương tiện đường bộ khác, tàu hỏa có nhiều ưu điểm như: Nhanh, lịch trình chính xác, an toàn, có khả năng vận tải nhiều và nặng, tính linh hoạt cao… Tàu hỏa hiện vẫn là một phương tiện phổ biến, là sự lựa chọn của nhiều hành khách, nhất là trên những chặng đường xa.

Gắn liền với tàu hỏa, với đường sắt là nhà ga, sân ga… Ga tàu  khác với nhà ga hàng không, với bến xe, bến cảng… không chỉ ở phương diện kỹ thuật giao thông thuần túy. Ga tàu, sân ga luôn gợi về miền ký ức, những kỷ niệm, nhiều khi đến ám ảnh trong mỗi con người. Ở đó có những cung bậc cảm xúc vui buồn, những chuyến đi, những cuộc chia tay, ước hẹn, những gặp gỡ, đoàn viên… gắn liền với không gian của sân ga, với tiếng còi tàu mang âm hưởng buồn, với những ô cửa toa tàu, với những thanh ray đường sắt dài miên man vô tận. Hình ảnh đoàn tàu, không gian sân ga mang đến những cảm xúc đẹp và nhân văn mà ở những nhà ga hàng không hiện đại, lạnh lùng sang trọng hay bến xe khách xô bồ không bao giờ có. Đã có rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật lấy hình ảnh đoàn tàu và sân ga để làm chủ đề hay làm đẹp thêm nội dung tác phẩm; như truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam, bài thơ “Những bóng người trên sân ga” của nhà thơ Nguyễn Bính…

“…Tôi đã từng chờ những chuyến xe
Đã từng đưa đón kẻ đi về,
Sao nhà ga ấy, sân ga ấy.
Chỉ để cho lòng dấu biệt ly”

(Trích “ Những bóng người trên sân ga” – thơ Nguyễn Bính)

Những hình ảnh sau ghi lại cảnh sân ga đêm ở ga Hà Nội, một trong những ga lớn nhất của ngành đường sắt Việt Nam, và là một trong 2 ga đầu/ cuối của tuyến đường sắt Thống Nhất (Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh).

Ga Hà Nội rực sáng ánh đèn suốt đêm đưa đón những chuyến tàu.

Những dáng người vội vã trong sân ga chuẩn bị lên tàu.

Khi tàu chưa chạy, người đi, người tiễn đều muốn nán lại một chút...

Một người bán bánh mỳ rong trong sân ga. Hành khách đi chuyến đêm thường dễ đói.

Phụ trách toa soát vé những người khách cuối cùng.

Vẫn còn lưu luyến phút chia tay.

Lời chào qua ô cửa.

Một tài xế đã sẵn sàng trên cabin đầu máy của một chuyến tàu chờ lệnh xuất phát.

Trong khi đó, những công nhân kỹ thuật đầu máy toa xe vẫn tranh thủ những giây phút cuối cùng kiểm tra các vị trí trọng yếu của đoàn tàu để đảm bảo an toàn…

Và ngay cả khi đoàn tàu đã chuyển bánh rồi họ vẫn soi đèn để kiểm tra xem có gì bất thường trong chuyển động của đoàn tàu trên đường ray hay không.

Những người tuần đường lên đường đúng lịch, đúng giờ, bất kể ngày - đêm, mưa - nắng

Trạm trực, nghỉ của công nhân đơn vị “Phân đoạn khám chữa chỉnh bị” sáng đèn suốt đêm. Những công nhân trực ở đây có nhiệm vụ rà soát, kiểm tra, xử lý kịp thời mọi hỏng hóc hoặc cái yếu tố có thể gây mất an toàn cho đoàn tàu. Ở những ga lớn như ga Hà Nội, các chuyến tàu xuất phát, dừng đỗ nhiều thì công việc càng gấp gáp và vất vả.

Lần lượt những đoàn tàu lao đi trong đêm

Những người đưa tiễn rồi cũng về hết

Chỉ còn sân ga mênh mông vắng trong ánh đèn vàng, như một khoảng lặng giữa các chuyến tàu.