Mỗi dịp Tết đến, những người con xa quê đều háo hức mong được trở về đoàn tụ với gia đình, nhưng bên cạnh đó còn có nhiều vướng bận, những nỗi niềm băn khoăn, lo lắng.
Năm 2024 là một năm đầy khó khăn vì sự biến động của nền kinh tế, tình trạng thất nghiệp gia tăng, thiếu việc làm, thu nhập giảm,… Chỉ còn mấy tháng nữa thôi là tới Tết, mọi người đặc biệt là những người lao động, công nhân đều mong muốn chắt chiu từng đồng tiết kiệm để có tiền về quê ăn Tết.
Nhiều vé đã được người dân đặt hết từ rất sớm (Ảnh: vetauduongsat.com)
Anh Đ.V.K (quê ở Nam Định) vào Sài Gòn đã 8 năm nay. Anh làm thợ hồ, vợ thì làm công nhân. Hai vợ chồng anh chị và đứa con thuê phòng trọ trong một xóm nhỏ. Công việc không đều nên cuộc sống của anh chị gặp nhiều khó khăn, tổng lương hai vợ chồng mới được xấp xỉ 10 triệu/tháng, trong khi còn nhiều khoản chi phí phải trả như tiền thuê trọ, điện nước, sinh hoạt, ăn uống học hành của con cái.
Anh Đ.V.K chạy xe giao hàng cho khách (Hình ảnh: HaoKhanh)
Cũng giống như những công nhân khác, đến Tết anh chị lại mong muốn được về thăm quê nhà. Lo lắng thương cha mẹ già yếu và nỗi nhớ quê hương thôi thúc anh chị quyết tâm cho cả gia đình năm nay về quê ăn Tết. Thế là những lúc rảnh rỗi anh lại đi chạy ba gác giao hàng thêm cho người ta, chị thì nhận đồ gia công về nhà. Anh nói:
“Nhìn giá vé mỗi lúc một tăng cao mà tôi lo lắng, nên cố gắng vay mượn khắp nơi để mua vé sớm, sợ càng cận Tết giá vé lại càng tăng. Tính sơ sơ tiền vé gia đình cả đi cả về cũng khoảng 7 triệu. Về quê còn bao nhiêu thứ phải chi như mua sắm quà cáp, tiền biếu bố mẹ, lì xì cho xấp nhỏ,... Tằn tiện lắm cũng thêm vài triệu nữa. Tổng chi phí cũng tiêu tốn hết cả năm tiết kiệm của gia đình. Nhiều lúc trăn trở cuộc sống “cơm áo gạo tiền” hai vợ chồng lại thổn thức cả đêm không ngủ được. Mong là còn mấy tháng nữa, cuộc sống sẽ khá khẩm hơn để được về quê sum họp cùng gia đình.”
Cùng cảnh ngộ, chị D.T.H (quê Sóc Trăng) cũng mong mỏi và nôn nao mỗi dịp gần Tết. Chị bán bánh ở chợ Bà Chiểu, TP.HCM. Anh mất sớm, chị đau lòng để lại hai đứa con thơ cho ông bà ngoại chăm sóc rồi tha hương lên Sài Gòn kiếm sống. Chị gồng gánh chắt góp để gửi tiền về nuôi bố mẹ và hai con nhỏ ở quê ăn học. Sáng chị dậy sớm làm bánh rồi ra chợ bán. Hôm nào đắt khách thì xế chiều được nghỉ, hôm nào ế hàng thì đến tối mịt mới trở về nhà. Chị kể có những hôm về đến nhà mệt tới mức chẳng thiết ăn uống gì, ngả lưng lên giường ngủ lúc nào không hay. Niềm an ủi của người mẹ đơn thân là những cuộc gọi của các con nhỏ, những lời động viên, an ủi của bố mẹ già. Hằng năm, thường 29 Tết chị mới về quê, nhưng năm nay chị dự định bán nốt chuyến hàng ngày 23 Tết rồi bắt xe trở về nhà:
“Mấy đứa nhỏ lần nào gọi lên cũng hỏi khi nào thì mẹ về?. Tôi nghe mà thương lắm. Tôi chẳng mong gì hơn, chỉ mong mình có thật nhiều sức khỏe để nuôi lớn con cái trưởng thành. Tết năm nay tôi đã đặt vé sớm để có nhiều thời gian ở bên các con hơn như lời đã hứa.”
Anh T tranh thủ chạy grab để cho thêm thu nhập trang trải cuộc sống (Ảnh: HaoKhanh)
May mắn hơn một chút, vợ chồng anh T chị H (quê Thanh Hóa) làm công nhân trong Khu chế xuất Tân Thuận (Q7, TP.HCM). Những lúc rảnh rỗi, anh thường đăng ký chạy thêm grab để có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Chia sẻ với tình hình khó khăn hiện tại, anh chị cho hay nếu không được sự giúp đỡ từ các doanh nghiệp, nhiều gia đình người lao động như anh chị sẽ không có điều kiện về quê ăn Tết.
“Năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, đơn hàng công ty ít nên không tăng ca nhiều, gia đình tôi chỉ dựa vào những đồng lương căn bản ít ỏi của hai vợ chồng. Nghe thông tin công ty sẽ tài trợ cho công nhân ở xa vé tàu về quê ăn Tết, vợ chồng tôi vội vã đăng ký vì số lượng có hạn. May mắn chúng tôi có được tấm vé 1 chiều từ Sài Gòn về Thanh Hóa. Chúng tôi mừng lắm. Vậy là chúng tôi chỉ cần mua vé khứ hồi, tiết kiệm được thêm một khoản để mua sắm Tết”.
Còn trong các trường đại học, cao đẳng, lịch nghỉ Tết nguyên đán thường được thông báo từ rất sớm để tạo điều kiện cho sinh viên, học sinh có cơ hội nghỉ ngơi sau một năm học tập vất vả. Và để có được những tấm vé về quê, các bạn phải tranh thủ đặt vé từ rất sớm, có khi mua vé cả vài tháng trước Tết Nguyên đán.
Bạn N.V.T (quê Phú Yên) chia sẻ:
“Mình có một trải nghiệm không mấy vui vẻ lắm trong một chuyến về quê. Đó là năm đầu lên thành phố học tập. Vì để có tiền về quê, ngoài giờ học trên lớp mình đã nhận thêm hai công việc partime cùng một lúc là phục vụ quán cà phê vào buổi tối và làm gia sư vào những ngày cuối tuần. Thế nhưng vì chủ quan nên mua nhầm vé chặng khác khiến bao công sức đều uổng công vô ích. Đến giờ soát vé mình mới chợt nhận ra, thế là phải bỏ vé và chật vật xếp hàng mua lại vé mới. Đó là bài học để mình cẩn thận hơn cho những lần sau”.
Từ những kinh nghiệm sau nhiều lần mua vé của mình, bạn gửi lời khuyên đến mọi người, đặc biệt là các bạn sinh viên, cần mua vé trên các trang web chính chủ, uy tín để tránh tình trạng mua nhầm vé giả, kiểm tra kỹ thông tin đăng ký để tránh sai sót, cẩn thận tránh lên nhầm xe, nhầm tàu, đặt nhầm giờ hay muộn giờ lên tàu xe, bảo quản hành lý tư trang cẩn thận.
Năm nào cũng vậy, cứ cận kề Tết giá vé lại tăng cao, tình trạng quá tải, “cháy vé” khiến nhiều người dân xa quê chật vật để có được tấm vé về quê ăn Tết. Điều này tạo sự khó khăn cho những người lao động, đặc biệt là những người lao động nghèo, công nhân có thu nhập thấp, học sinh sinh viên. Hi vọng rằng với sự lãnh đạo, sắp xếp của các cơ quan chính quyền, sự hỗ trợ chu đáo, kịp thời của các doanh nghiệp, các trường học sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi để người dân có được những tấm vé về quê, đón một cái Tết ấm no, hạnh phúc bên gia đình.