VĂN HÓA

Di sản và phế tích

Nguyễn Thoại Vy • 08-11-2017 • Lượt xem: 7734
Di sản và phế tích

 Rồi cả một thời xưa tan tác đổ

Dấu oai linh hùng vĩ thấy gì đâu?

 Thời gian chảy, đá mòn, sông núi lở,

Lòng ta luôn còn mãi vết thương đau.

(Thời oanh liệt – Chế Lan Viên)

Đấy là mấy câu thơ trong tập “Điêu tàn” được làm khi tóc nhà thơ họ Phan còn rất xanh. Sau “Di cảo I, II” thi nhân thành người thiên cổ. Người ta hay bàn về ba đỉnh trong tam giác thơ Chế Lan Viên: Điêu tàn – Ánh sáng và phù sa – Di cảo. Không biết đỉnh nào cao hơn. Chỉ biết người viết được tiếp cận tập “Điêu tàn” đầu tiên.

 Bao nhiêu ấn tượng tốt đẹp về chàng trẻ tuổi, lang thang sầu muộn giữa những phế tích của kinh đô Đồ Bàn xưa, cũng bắt đầu từ đấy. Nào “Chiến tượng” lừng lững tiến lên giữa tiếng thanh la não bạt, loa vang ngựa hí… khi xung trận. Nhưng khi ca khúc khải hoàn lại trang nghiêm “lặng lẽ nặng nề đi”  trong linh thiêng trầm hương man mác. Những lâu đài, thành quách, cung đền của người Chăm chỉ còn là đống hoang tàn đổ nát. Còn đâu những buổi dạ yến huy hoàng với Chiêm nương say sưa uốn mình trong vũ khúc mê ly, vua tôi lịm hồn trong tiếng đàn ca sáo thổi … Những chiến thắng và thất bại đều theo những thớt voi chiến, với “cờ đào lặng rụng” hành hương về quá vãng. “…những nơi từ xưa kia rực rỡ” (CLV) chỉ còn là phế tích. Mỗi tiếng gầm của chiến tượng làm tan vỡ một tinh cầu.

Vài mảnh tinh cầu lưu lạc sa xuống cõi trần hóa thành những viên gạch tháp Chàm ? Bí ẩn của tháp Poshanư (Bình Thuận), Tháp Bà Ponagar (NhaTrang), cụm tháp ở thánh địa Mỹ Sơn… đều có điểm chung là những viên gạch kết dính dựng nên tòa tháp: không vôi phủ ngoài, giữa các viên gạch không có mạch hồ. Các chuyên gia lẫn những nghệ nhân tài tử đã tìm cách giải mã điều bí ẩn này. Vì thế nảy sinh nhiều giai thoại huyền hoặc xung quanh cách xây dựng cụm đền tháp của người Chăm-pa xưa. Các chuyên gia, lao công ở Mỹ Sơn (Duy Xuyên) đã tìm ra công thức chế tác các viên gạch cổ, dẫu chưa hoàn hảo. Ba mặt của viên gạch trải qua những va chạm, cọ xát đau đớn, thậm chí phải tự mài mòn chính mình, để tìm cách hòa hợp cùng nhau làm nên kỳ tích đền tháp. Đấy là chất keo kết dính những viên gạch đơn lẻ, đến từ đất đá vô hồn, rồi hóa thành linh hồn tôn giáo, bản sắc văn hóa Chăm-pa trong một quần thể bất biến, tồn tại vượt không – thời gian. Vừa hư ảo vừa hiện thực, vừa xa xăm vừa gần gũi, vừa điêu tàn vừa hữu hình, vừa bí ẩn vừa hiển lộ … tháp cổ Mỹ Sơn chứa đựng cả vô minh và thiền tịnh. Con người, thần thánh, ma quỷ… quấn quýt, mê mải trong những tấm phù điêu, tượng thần Shiva, vũ nữ uyển chuyển trong điệu Apsara, linga … Tất cả đều xuất thần. Ở đây lẽ trung dung của Đạo, tĩnh tâm/ thiền định của Phật hòa quyện trên từng đường nét chạm khắc.

Thông điệp gì được gửi cho hậu thế ?. Chỉ biết rằng để từ phế tích hoang tàn trở thành di sản nhân loại không chỉ có trùng tu, tôn tạo, bảo tồn… mà hậu sinh cần biết khám phá, tìm kiếm trong từng viên gạch vỡ, từng bức phù điêu không còn nguyên vẹn, thậm chí trong từng mảng rêu ẩm mục chen chúc giữa các viên gạch để tìm kiếm sinh tồn, những chân lý ẩn tàng và sự thật bất diệt của Tạo Hóa. Chân lý tồn tại ở khoảng cách hẹp giữa vàng son và đổ nát, phế tích và di sản. Những khái niệm con người đặt ra nào có nghĩa gì bởi thung lũng tháp Chăm Mỹ Sơn đã tự nó kể cho ta nghe câu chuyện từ xa xưa vọng mãi đến ngàn sau. Ảnh hưởng văn hóa và Ấn Độ giáo, tháp Chàm nói với ta về triết lý bể dâu đời người, về được mất, tốt xấu, thiện ác, … rằng con người đứng giữa khoảng thiên thần và ma quỷ. Nếu làm tốt nhiệm vụ canh giữ của mình, thì hai phần vô minh và sáng láng trên sẽ không tiệm cận được. Làm tốt hơn nữa việc cai quản ngôi đền thiêng của tâm linh, thì con người sẽ tiến dần đến sự “đốn ngộ”. Như vậy “phế tích” sẽ thành “di sản”. Nhưng con người yếu đuối, mải rong chơi ở trần gian thường lãng quên một điều: Ngay cả Đức Phật muốn nhập niết bàn cũng phải trải qua hành trình đau đớn của kiếp nhân sinh hữu hạn. Như đất sét muốn thành gạch ngói phải nung qua lửa. Như muốn dựng dậy cả hồn cốt, tinh hoa văn hóa của một dân tộc điêu tàn, phảng phất qua những ngọn cổ tháp, từng viên gạch phải tự nguyện mài nhẵn để chồng khít – kết dính vào nhau. Thế nên câu nói sâu xa cuối cùng mà người hướng dẫn viên du lịch gửi đến du khách, đặc biệt là người trẻ, khi rời Mỹ Sơn: Hãy đi chậm, nghĩ chậm, sống chậm… thật ra cũng thừa. Nếu không biết hối hả làm sao hiểu giá trị của phút giây tĩnh lặng. Nếu không sống gấp thời trẻ làm sao cảm nhận được cái thú nhấm nháp thời gian bên tách trà khuya khi tuổi đà xế bóng … Ngược lại, nếu chỉ biết vội vã yêu Hướng dương, Mười giờ … hiểu sao được cảm khoái khi thưởng thức Quỳnh hương hay Dạ lan thoảng trong đêm.

 Con người là “phế tích” hay “di sản” của Hóa công ?. Tùy thuộc vào việc bạn đến thăm tháp Chàm Mỹ Sơn vào lúc sáng sớm hay buổi chiều tà. Lúc ánh bình minh chuyển dần sang rạng rỡ hay khi ánh tà huy nhuốm màu hư ảo lên tháp Chàm, khiến những viên gạch hắt lên ánh đỏ kỳ lạ trước khi vụt tắt. Không còn là di sản hoang phế thi gan cùng tuế nguyệt. Không hề là vẻ đẹp vương giả vừa tẻ nhạt vừa xa vắng. Không phụ thuộc hoàn toàn bởi bàn tay tạo tác của con người. Không chỉ là kết tinh địa thế theo kiểu “Rồng nằm hổ phục”. Mỹ Sơn là nơi hội tụ của “Thiên thời – địa linh – nhân kiệt”. Vì thế người viết thích gọi tháp Mỹ Sơn bằng cái tên “huyền tích”.

 Đến thành cổ Trà Kiệu, lạc bước vào thung lũng tháp Chàm trong ánh hoàng hôn, tưởng như trăm năm im lìm ngủ quên nơi đây,chợt uể oải thức dậy bởi tiếng đá lạo xạo dưới chân, tiếng lá rơi khẽ như tiếng muôn trùng. Thời gian lấy đi của con người nhiều thứ. Để những kiến trúc huy hoàng, tráng lệ một thời chỉ còn vang bóng. Và con người dẫu có ra đi cũng phải quay về nơi xuất phát:

Đây, những tháp gầy mòn vì mong đợi

Những đền xưa đổ nát dưới Thời gian…

(Trên đường về, Trích Điêu tàn, Chế Lan Viên)