VĂN HÓA

Đi xem mặt nạ ở Bhutan

Thi Linh • 15-11-2022 • Lượt xem: 1938
Đi xem mặt nạ ở Bhutan

Ở vương quốc hạnh phúc nhất thế giới Bhutan, một nét độc đáo không thể bỏ lỡ là những lễ hội truyền thống trong năm của người dân, nơi bạn sẽ đắm chìm trong màu sắc của những bộ trang phục rực rỡ và những chiếc mặt nạ thần bí. 

Bhutan là xứ sở của hàng trăm lễ hội được tổ chức vào các dịp năm mới, mùa xuân và mùa thu. Đặc biệt từ trung tuần tháng 9 trở đi, tại các thành phố lớn như thủ đô Thimphu, Bumthang, Zhemgang hay Trongsa, các lễ hội tôn giáo Tshechu, Rabney hầu như tuần nào cũng có. Gar Cham (múa mặt nạ) làm nên sự đặc biệt cho các lễ hội truyền thống Bhutan, là phần quan trọng không thể thiếu trong mọi lễ hội. Tương truyền, Gar Cham được Đức thánh Liên Hoa Sinh Guru Padmasambhava đem tới Bhutan vào thế kỷ 8 khi ngài đến Bumthang theo lời mời của vua Sendha Gyalpo để tiêu diệt ác thần Shelging Karpo. Ngài đã đánh bại ác quỷ bằng điệu nhảy Gar Cham kỳ diệu. Giữa thế kỷ 15, Đại sư Pema Lingpa tiếp tục phát triển thêm vũ điệu dâng hiến thần linh Peling Ging-Sum gồm 3 hiện thân của thánh Liên Hoa Sinh: Jug ging (múa gậy), Dri ging (múa kiếm) và Nga ging (múa trống). Tới thế kỷ 17, Lạt Ma Zhabdrung Ngawang Namgyel đã góp thêm vũ điệu Durkpa rất đặc thù như điệu múa về nữ thần Mahakali và nhanh chóng trở thành tiết mục biểu diễn chính tại lễ hội.

Các vũ công biểu diễn Gar Cham khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống nhiều sắc màu, đội mặt nạ và trình diễn trên nền nhạc hòa tấu từ chũm chọe, trống, chuông và tù và… tạo nên sự ma mị, huyền bí khó tả. Các mặt nạ tượng trưng cho các vị thánh, hiền nhân, thần bảo vệ và các nhân vật huyền thoại trong các câu chuyện Phật giáo tại Bhutan. Điệu múa là nguồn vui cho chúng sinh ở cả chốn trần tục lẫn cõi trời. Gar Cham không phải điệu múa đơn thuần mà còn là sự giác ngộ các giáo lý Phật giáo của các bậc đại sư trong quá trình tu tập, mỗi động tác múa là bản sao của các điệu múa thiên thể mà các đại thiền sư đã chứng kiến khi thiền định. Khi nhảy múa, người vũ công tạm thời đại diện cho các vị thần, cơ thể và giọng nói của họ được coi là có thần lực để xua tan mọi chướng ngại trên con đường dẫn đến sự giác ngộ của con người. Thông qua việc thực hiện và chứng kiến điệu vũ Gar Cham, linh hồn của cả vũ công và khán giả đều trở nên thuần khiết hơn nhờ được gột rửa tội lỗi và ban phước lành.

Múa mặt nạ Gar Cham được chia thành 3 loại chính, bao gồm: các điệu vũ ca ngợi đạo đức, các điệu múa xua đuổi quỷ dữ, bảo vệ con người và các điệu vũ kỷ niệm chiến thắng. Trong đó, điệu Drametse Nga Cham (múa mặt nạ trống tại làng Drametse) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Điệu múa được trình diễn hai lần vào các lễ hội tháng 5 và tháng 10 hàng năm, gồm 16 vũ công nam đeo mặt nạ gỗ và 10 nhạc công đại diện cho đoàn tùy tùng của Đức thánh Guru Padmasambhava. Điệu múa này đã được lưu truyền qua hơn 5 thế kỷ và đến thế kỷ 19 thì phổ biến rộng khắp cả nước, trở thành đại diện cho bản sắc văn hóa Bhutan.

Vào những ngày hội, người dân sẽ mặc quần áo đẹp nhất của họ để đến lễ hội múa mặt nạ, họ tin rằng đó là việc chuẩn bị bước vào một thế giới huyền diệu, nơi các phước lành sẽ bảo vệ họ khỏi mọi tổn hại và tội lỗi cả năm. Và múa mặt nạ chính là linh hồn của lễ hội, là một sự trân trọng trân quý về văn hóa của người Bhutan và cũng là một trải nghiệm vô cùng đáng giá dành cho bạn.