VĂN HÓA

Dịch chuyển: Dự án nghệ thuật viết tiếp cuộc đời cho báo cũ

Hoài Việt • 18-08-2022 • Lượt xem: 836
Dịch chuyển: Dự án nghệ thuật viết tiếp cuộc đời cho báo cũ

Nghệ thuật tái chế luôn mang một sức hấp dẫn đặc biệt đối với tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Trong đó, nghệ thuật xé dán tạo ra các tác phẩm nghệ thuật từ những tờ báo, tạp chí cũ dần trở nên có tiếng nói và được lan tỏa mạnh mẽ.  “Dịch chuyển” – triển lãm nghệ thuật xé dán đa chất liệu của nghệ sĩ Mzung Nguyễn, hồi sinh thành công linh hồn của những quyển tạp chí cũ và tạo nên giá trị đặc biệt.

Cảm hứng thôi thúc sáng tác

Nghệ sĩ Mzung Nguyễn (tên thật là Nguyễn Dung) sinh năm 1982. Sự nghiệp của cô bắt đầu từ việc tốt nghiệp chuyên ngành viết lách, sau đó rẽ hướng sang lĩnh vực điện ảnh và có một số tác phẩm ở đa thể loại như phim tài liệu, phim ngắn, phim thể nghiệm và video-art. Sau đó, nữ nghệ sĩ bắt đầu chuyển sang việc sáng tác nghệ thuật ở hướng đa chiều phương tiện hơn khi lấn sang lĩnh vực tranh sơn dầu và chất liệu hỗn hợp.

Nếu ở phim ảnh có những điều mà Mzung Nguyễn vẫn chưa khai thác được một cách sâu sắc và trọn vẹn thì ở “Dịch chuyển” (từng có tên gọi “Phố là nhà”) đã giúp cô thể hiện thành công được sự tĩnh lặng ở những nốt giao chuyển đổi. Mzung Nguyễn chia sẻ rằng trạng thái dịch chuyển của không gian và thời gian luôn chứa đựng một hấp dẫn bí mật nào đó thôi thúc cô không ngừng trong việc lưu dấu lại chúng. Không chỉ vậy còn có những chuyển đổi khác như các bước tiếp nối giữa giá trị cũ và mới, giao thoa văn hoá giữa truyền thống và hiện đại, hay tương phản nhân sinh, những mặt đối lập khác trong đời sống đô thị. Tất cả thay đổi với tốc độ chóng mặt, tạo động lực cho Mzung Nguyễn tạo nên những sáng tác xé dán để thể hiện chúng.

Các tác phẩm “không tên”

Với 2000 tờ báo cũng như tạp chí cũ trải qua quy trình bắt đầu từ việc chắt lọc, phân loại theo hình ảnh, phân nhóm màu sắc đến tạo ra các tác phẩm như hiện tại, quá trình theo đuổi, sưu tầm và phát triển theo xu hướng này của Mzung Nguyễn đã tốn rất nhiều năm. Khi các tác phẩm ra mắt, chúng được nhận xét là “có sự rối loạn, lộn xộn về mặt đức tin” nhưng đó mới chính là điều nữ nghệ sĩ muốn hướng tới. Cô không muốn các tác phẩm của mình bị đóng khung trong một khuôn mẫu nào nhất định bởi chúng tuỳ thuộc vào cách cảm thụ cá nhân mỗi người. Hay xét theo một ý nghĩa khác, chúng chỉ đơn giản bắt nguồn từ mạch sáng tác theo cảm xúc cá nhân tác giả mà ra đời. Do đó, các tác phẩm bên trong triển lãm cũng không hề được đặt tên cụ thể mà thay vào đó, chúng được phân biệt với nhau nhờ vào việc đánh số thứ tự.

Điều tạo nên điểm khác biệt của tranh Mzung Nguyễn với các trường phái sáng tác tranh collage khác chính là cô lựa chọn theo đuổi trường phái Ấn tượng. Các mảnh ghép xé dán không phải là xé theo màu như thường gặp mà được chú trọng xé tỉ mỉ theo hình ảnh vật thể để giữ sự nguyên vẹn của chúng. Điều này mang ý nghĩa rằng chúng chỉ bị “dịch chuyển” từ câu chuyện này sang câu chuyện khác, trở thành đối tượng trong một nhóm riêng biệt, là được hồi sinh chứ không hề bị mất đi. Thậm chí còn trở nên đặc biệt hơn khi trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mới lạ.

Mặt khác, kỹ thuật xé dán cũng được các tình nguyện viên thực hiện theo phương thức khác. Các bạn sẽ thực hiện công đoạn xé sao cho thành phẩm ra đời có thể nhìn thấy cấu tạo bên trong tờ giấy, tức là những đường viền trắng xung quanh vết xé để khiến bức tranh sau khi sáng tác sẽ có độ nổi 3D nhất định.

Nghệ thuật xé dán đa chất liệu đòi hỏi người sáng tạo phải có cái nhìn hết sức tư duy, biết cách lựa chọn và sắp xếp linh hoạt để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mang sức hút. Và dù đây không còn là loại hình quá xa lạ trên thế giới nhưng đối với công chúng Việt Nam, chúng cần được lan tỏa rộng hơn thế nữa.