VĂN HÓA

Điểm tô bản sắc truyền thống tại Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2022

Hoài Việt • 24-11-2022 • Lượt xem: 825
Điểm tô bản sắc truyền thống tại Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2022

Tối ngày 18/11, tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam 2022 chính thức khai mạc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là chương trình trong khuôn khổ chào mừng Ngày truyền thống - Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11).

Tiếp nối truyền thống tôn vinh, bảo tồn, góp phần xây dựng và phát huy những giá trị di sản văn hóa của 54 dân tộc anh em trải dài trên mọi miền lãnh thổ, tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam 2022 được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với đa dạng các hoạt động văn hóa đặc sắc (kéo dài từ ngày 18/11 đến 23/11). Đây là hoạt động thường niên hội tụ những giá trị văn hóa tiêu biểu, góp phần xây dựng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước. Hơn thế nữa, sự kiện còn là dịp để các đồng bào dân tộc gặp gỡ, giao lưu và sẻ chia những giá trị truyền thống của cộng đồng mình với anh em trên mọi miền đất nước.

Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2022 với chuỗi sự kiện sôi nổi và đầy ý nghĩa đem đến bầu không khí náo nhiệt, lành mạnh, lan toả tình đoàn kết giữa các anh em dân tộc. Du khách tham dự tuần lễ đã có khoảng thời gian trải nghiệm các hoạt động vô cùng ý nghĩa như: tái hiện không khí của chợ phiên khu vực miền núi phía Bắc, trình diễn và trưng bày một số sản phẩm văn hóa thuê đặc trưng, gặp mặt giao lưu với những người có công đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc,… Từ đó mục đích lan tỏa tinh thần gắn kết, tương thân tương ái đến đồng bào dọc khắp chiều dài đất nước của chương trình đã thể hiện thành công. Đây cũng là cơ hội để các bạn trẻ thế hệ sau tiếp thu và trân quý những giá trị văn hóa của dân tộc mình thông qua hệ thống di tích, di sản văn hóa phi vật thể độc đáo. 

Sau phần lễ, chương trình khai mạc diễn ra trên sân khấu nổi hồ Đồng Mô với chủ đề “Khát vọng Việt Nam”, làm nổi bật tinh thần Đại đoàn kết toàn dân tộc và Tôn vinh di sản văn hóa. Buổi khai mạc quy tụ các tiết mục văn nghệ đậm màu truyền thống, sôi động nhưng không kém phần trẻ trung năng động được thể hiện dưới những điệu dân ca, dân vũ đầy màu sắc để khán giả có thể chiêm nghiệm một cách khái quát về đời sống của các đồng bào dân tộc. Mọi khâu chương trình được đầu tư chỉn chu với quy mô hoành tráng, kết hợp công nghệ âm thanh và ánh sáng hiện đại. Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2022 có thể nói là “bữa tiệc” nghệ thuật có ý nghĩa sâu sắc, hưởng ứng Hội nghị Văn hóa toàn quốc. 

Phát biểu chào mừng và chỉ đạo tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Phát huy tốt lời dạy “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” của Bác Hồ, Đảng và Nhà Nước sẽ là nền tảng tinh thần vững chắc, tiếp tục tạo nhiều điều kiện củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân để sự nghiệp dân giàu nước mạnh ngày càng phát triển trên tinh thần bình đẳng và văn minh. 

Cũng theo Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2022 là cơ hội để chủ trương phát triển văn hóa của Đảng tiếp tục có sự đổi mới sâu sắc thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa như gặp gỡ các trưởng bản, nghệ nhân có công lao giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; trưng bày triển lãm sản phẩm hay tái hiện không khí lễ hội của 54 dân tộc Việt Nam.

Hòa chung bầu không khí đầy xúc động, chị Ma Thị Dung, dân tộc Nùng (Bắc Giang) chia sẻ: “Nhờ có tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2022, đồng bào dân tộc thiểu số từ khắp mọi miền Tổ quốc có dịp được cùng nhau hội tụ tại ‘Ngôi nhà chung’”. Chị ấn tượng sâu sắc bởi hình ảnh đồng bào mọi nơi cùng nhau nắm tay, tất cả mọi người như hòa vào làm một. Mặt khác, nghệ nhân Y Sinh, dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum) cho biết mình rất hạnh phúc khi được trực tiếp tham gia vào việc quảng bá, thể hiện sự tự hào về những đặc trưng trong phong tục, tập quán của dân tộc mình.