Nhiều tác phẩm màn ảnh rộng Việt Nam chịu tác động nặng nề vì dịch Covid-19. Có phim lỗ lớn, song, cũng có không ít tác phẩm đạt thành công.
Lập kỷ lục mới giữa mùa dịch
Năm 2021 mở đầu bằng những thông tin không mấy vui vẻ vì dịch Covid-19. Thậm chí, lần đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại đây, rạp chiếu không hoạt động mùa Tết, khiến các dự án chiếu Tết đành lỡ hẹn với khán giả, tổn thất hàng tỉ đồng. Điển hình như “Lật mặt: 48h” của Lý Hải đã mất 5 - 7 tỉ đồng vì dời chiếu Tết. Trước đó, “Lật mặt: 48h” cũng một lần hoãn chiếu vào 30/4 - 1/5/2020. Vậy là sau 2 lần rút khỏi rạp, “Lật mặt: 48h” tổn thất hơn 10 tỉ đồng.
Sau một mùa Tết “trống vắng”, làng điện ảnh Việt Nam trong dịp lễ 8/3 chứng kiến màn cạnh tranh gay cấn giữa hai tác phẩm đình đám Việt Nam là “Bố già” và “Gái già lắm chiêu V”. Cuối cùng, “Bố già” không chỉ giành chiến thắng vang dội, mà còn viết nên lịch sử mới cho màn ảnh rộng Việt Nam. Đứa con tinh thần của Trấn Thành đã thu về hơn 400 tỉ đồng và trở thành Phim điện ảnh Việt Nam có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
“Bố già” thắng lớn về mặt thương mại lẫn chuyên môn. Phim được đại diện Việt Nam đến các liên hoan phim quốc tế
Phim “Gái già lắm chiêu V” ăn điểm nhờ bối cảnh xa hoa, nhưng đành thất bại trước sự càn quét của “Bố già”
Việc “Bố già” thắng lớn trong một năm dịch bệnh căng thẳng nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn lẫn người xem. “Bố già” cũng tạo đà cho nhiều dự án Việt Nam chịu ra rạp sau quãng thời gian dài phải “né” dịch và bom tấn ngoại. Về phía “Gái già lắm chiêu V”, bộ phim cũng đạt hơn 55 tỉ đồng, một con số lý tưởng giữa thời điểm dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Sau “Bố già”, “Lật mặt: 48h” của Lý Hải cũng “tung hoành” rạp phim Việt đợt lễ 30/4 - 1/5 năm nay. Tác phẩm thu về hơn 156 tỉ đồng và cũng lập nên vô số kỷ lục: vượt mốc 150 tỷ đồng chỉ sau 3 tuần công chiếu, là phim điện ảnh thứ hai ăn khách nhất năm nay sau “Bố già”. Cùng 4 phần “Lật mặt” trước đó, Lý Hải đã trở thành đạo diễn Việt Nam đầu tiên có sê ri phim franchise (thương hiệu) thu về tổng cộng hơn 500 tỉ đồng.
Trước “Bố già” và “Lật mặt 5”, “Chị mười ba: ba ngày sinh tử” của Thu Trang cũng gây sốt, nhanh chóng cán mốc 100 tỉ doanh thu khi ra mắt cuối năm 2020 - đầu năm 2021. Đáng tiếc, sau “Chị mười ba: ba ngày sinh tử”, nhiều phim có Thu Trang như “Chìa khóa trăm tỉ” nhiều lần dời ngày chiếu vì giãn cách xã hội. “Chìa khóa trăm tỉ” dự kiến đến với khán giả dịp Tết 2022.
“Lật mặt 5” của Lý Hải lận đận ngày ra rạp, song, vẫn đạt doanh thu vô cùng khả quan
Thất bại bẽ bàng
Mặt tối của bức tranh điện ảnh Việt Nam 2021 có sự xuất hiện của “Trạng Tí phiêu lưu ký”, “Cậu Vàng”, “Sám hối”, “Võ sinh đại chiến”, hai phiên bản phim về nàng Kiều là “Kiều” và “Kiều@”. “Sám hối” và “Võ sinh đại chiến” thất bại thảm vì kịch bản kém hấp dẫn, không có ngôi sao hot “kéo” khán giả và khâu truyền thông chưa tốt.
Với “Cậu Vàng” và hai phim “Kiều” là một câu chuyện nhức nhối hơn. Đều chuyển thể từ những tác phẩm văn học nổi tiếng, nhưng “Cậu Vàng”, “Kiều” và “Kiều@” đều biến thành thảm họa màn ảnh rộng Việt Nam 2021. Cảnh đồng quê miền Bắc hoành tráng của “Cậu Vàng” cũng không cứu nổi nội dung ôm đồm nhiều thứ, thêm thắt nhiều tình tiết nhảm và diễn viên Vàng “lạc quẻ”. Riêng chi tiết Cậu Vàng cho một chú chó gốc Nhật Bản đóng cũng đủ để “Cậu Vàng” hứng trọn “gạch đá”.
“Cậu Vàng” có diễn viên chính “ngoại quốc”, khiến phim bị tẩy chay
Riêng hai phim về nàng Kiều của đại thi hào Nguyễn Du cũng khiến khán giả ám ảnh vì sự kệch cỡm lẫn khó hiểu từ đầu đến cuối phim. “Kiều” của Mai Thu Huyền quảng bá rầm rộ và chỉ càng đẩy người xem đến bờ vực thất vọng. “Kiều@” lại bị chỉ trích nặng nề vì dung tục. Vì thất bại của “Cậu Vàng”, “Kiều” và “Kiều@”, nhiều dân mạng kêu gọi các nhà làm phim hãy tránh xa các tác phẩm văn học Việt Nam.
Tuy nhiên, “bom xịt” nổi bật nhất năm chính là “Trạng Tí phiêu lưu ký”. Do lùm xùm với phía kịch bản gốc “Thần đồng đất Việt” là Phan Thị (công ty nắm bản quyền truyện) và họa chỉ Lê Linh (tác giả gốc), nên phim vấp phải làn sóng tranh cãi ngay từ khi còn là dự án trên giấy. Kết quả của những màn đấu tố là “Trạng Tí phiêu lưu ký” chịu sự ghẻ lạnh từ công chúng.
Từng có thời điểm, “Trạng Tí phiêu lưu ký” trở thành chủ đề bị chửi bới trên khắp các mạng xã hội. Mỗi bài viết về trailer, teaser, poster phim đều tràn ngập bình luận tiêu cực và kêu gọi tẩy chay. Chính nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cũng thừa nhận ê kíp chịu quá nhiều sức ép vì vụ việc.
“Trạng Tí phiêu lưu ký” gây tranh cãi dữ dội từ ngày khởi quay đến lúc ra rạp
Khi phát hành vào dịp 30/4 – 1/5 năm nay, “Trạng Tí phiêu lưu ký” thất thế khi đối đầu “Thiên thần hộ mệnh” của Victor Vũ và một số phim khác. Cuối cùng, vì dịch Covid-19, “Trạng Tí phiêu lưu ký” rút khỏi rạp và chỉ chạm mức doanh thu 17,5 tỉ đồng dù đầu tư đến hơn 43 tỉ đồng. “Thiên thần hộ mệnh” cũng không khá khẩm hơn. Do rạp đóng cửa vì dịch Covid-19, “Thiên thần hộ mệnh” thất thu, “cá kiếm” vỏn vẹn khoảng 40 tỉ đồng và đành chiếu trên nền tảng Netflix.
“Thiên thần hộ mệnh” không may đụng phải dịch Covid-19 nên đành rút khỏi rạp sớm
Nhìn chung, tình hình điện ảnh Việt Nam 2021 có nhiều dấu hiệu đột phá về mặt doanh thu lẫn chất lượng. Tuy nhiên, phim được công chúng đón nhận vẫn còn ít so với lượng phim ra rạp. Đồng thời, sự thất bại của một vài tác phẩm gây tranh cãi cũng phần nào nói lên được tiếng nói của khán giả ngày càng có trọng lượng hơn.