Trong thời điểm chuẩn bị đón mùa xuân mới, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức chương trình họp mặt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch với chủ đề “Tiền Giang - Nơi cuối nguồn Mekong” vào hôm qua, ngày 11/1. Chương trình là dịp để các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch có cơ hội nhìn nhận, đánh giá kết quả hoạt động trong năm vừa qua cũng như xây dựng, tìm kiếm hướng phát triển trong năm tới.
Buổi họp mặt đã chia sẻ kết quả những hoạt động của ngành du lịch tỉnh Tiền Giang đạt được trong năm vừa qua. Theo đó, trong năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến nhà đạt 1,4 triệu lượt khách, với mức doanh thu từ khách du lịch đạt gần 970 tỉ đồng (tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước). Bên cạnh đó, tổng lượng khách du lịch cũng tăng 58%, vượt 12% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, số lượng khách quốc tế đạt 465.000 lượt, vượt 86% kế hoạch, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Thành Diệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của ngành du lịch, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Ông Diệu cho biết: "Những năm qua Tiền Giang luôn quan tâm thực hiện các cam kết triển khai liên kết, hợp tác giữa TP.HCM, Tiền Giang và các tỉnh ĐBSCL; trong đó có việc triển khai phát triển du lịch và các dịch vụ du lịch, tạo nên những sản phẩm liên kết vùng mạnh mẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước".
Được biết, vấn đề cải tiến, phát triển kinh tế hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch bền vững nói riêng vẫn luôn nằm trong quan tâm, đầu tư của UBND tỉnh. Nhờ đó, đã có gần 100 đơn vị lữ hành, du lịch tổ chức các tour trên địa bàn tỉnh, với hoạt động ngày càng hiệu quả, mở rộng và có tính gắn bó lâu dài với tỉnh nhà, nhất là từ sau khi đại lịch COVID-19 chấm dứt.
Tiền Giang là duy nhất có dòng sông Tiền (một nhánh của dòng sông Cửu Long) trải dài suốt địa bàn tỉnh, lại còn tiếp giáp với biển Đông, tạo nên những đặc trưng khác biệt về du lịch. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh là ba mũi nhọn để các doanh nghiệp, địa phương có thể tập trung khai thác một cách hiệu quả, lâu dài.
Với ba vùng du lịch trọng điểm gồm: vùng trung tâm, phía tây và phía đông đang được các doanh nghiệp khai thác các tour du lịch sinh thái miệt vườn, kết hợp tham quan các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh. Một số địa điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan có thể kể đến như: chiến tích Chiến thắng Ấp Bắc, khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút, lăng Hoàng gia, khu di tích đền thờ Trương Định, cù lao Thới Sơn, cù lao Tân Phong, trại rắn Đồng Tâm, biển Gò Công, chùa Vĩnh Tràng, thiền viện Trúc Lâm,...
Buổi họp mặt cũng là dịp để các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh có cơ hội chia sẻ về các sản phẩm du lịch, cũng như thông tin đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng cơ sở mới. Không những vậy, các doanh nghiệp bên ngoài địa bàn tỉnh như TP.HCM, các tỉnh, thành Miền Đông Nam bộ cũng đã ký kết hợp tác phát triển các chương trình, tour du lịch với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, buổi họp mặt là sự kiện quan trọng cho phát triển du lịch của tỉnh, tạo điều kiện liên kết, kết nối các tour/ tuyến du lịch với TP. HCM và các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam bộ.“Tỉnh gửi thông điệp mạnh mẽ là: Tiền Giang - Nơi cuối nguồn MeKong - một điểm đến định vị bạn bè trong nước và quốc tế; tỉnh mong rằng với một định vị, thông điệp này, các nhà đầu tư, doanh nghiệp lữ hành, du lịch xem đây như dấu ấn, dấu mốc quan trọng, sản phẩm quan trọng để thu hút khách trong và ngoài nước." - ông Diệu nhắn gửi. Lãnh đạo tỉnh cũng cam kết sẽ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể hoạt động hiệu quả và thành công trên địa bàn tỉnh.